Tập trung nguồn lực, tạo bứt phá cho nông thôn mới
Trong hơn một thập kỷ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã khẳng định vai trò tiên phong không chỉ bằng những kết quả vượt bậc về số xã, huyện đạt chuẩn mà còn ở cách làm bài bản, quyết liệt và đặc biệt là sự chủ động về nguồn lực.
Việc bố trí nguồn vốn đầu tư lớn, hiệu quả và không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đã góp phần then chốt giúp Thủ đô “về đích" sớm và bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang
Minh chứng cho hiệu quả quản lý tài chính công
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng điểm quốc gia nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Ngay từ khi triển khai chương trình, Hà Nội đã xác định việc huy động và sử dụng nguồn vốn là yếu tố then chốt để bảo đảm thành công.
Theo thống kê mới nhất của thành phố, giai đoạn 2010-2024, tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố đạt hơn 183.000 tỷ đồng; tính riêng từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình là 86.807 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 42,3%, ngân sách huyện 50,5%, ngân sách xã 2,6%, còn lại là vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước (chiếm 4,6%).
Cùng với đó, 12 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền 1.132 tỷ đồng, trong đó quận Tây Hồ bố trí nhiều nhất với 340,8 tỷ đồng, quận Long Biên 328,7 tỷ đồng, quận Hoàn Kiếm 131,4 tỷ đồng, quận Hoàng Mai 55 tỷ đồng…
Điểm nổi bật trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới thời gian qua ở Hà Nội là không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. "Ngày 25-4 vừa qua, UBND thành phố đã có báo cáo về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Báo cáo nêu rõ, đến hết năm 2024, thành phố Hà Nội không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình này", Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn thông tin.
Cũng theo ông Ngọ Văn Ngôn, kết quả đạt được là do Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc công tác phê duyệt, lựa chọn dự án, kiểm soát đầu tư chặt chẽ; chỉ triển khai các công trình khi có nguồn vốn bảo đảm, đúng kế hoạch phân bổ, ưu tiên công trình thiết yếu, phục vụ dân sinh. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả quản lý tài chính công của thành phố, đồng thời tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia cùng Nhà nước trong phát triển nông thôn.
Kết quả vượt kỳ vọng
Với việc bố trí nguồn vốn lớn và chủ động cho các dự án trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã đạt kết quả cao. Số liệu đến hết tháng 4-2025 cho thấy, Hà Nội đã có 100% số xã (382/382 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu sớm 4 năm so với kế hoạch. Trong đó, 229 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn thành phố có 17/17 huyện và thị xã Sơn Tây đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nâng cao.
Sự đầu tư đúng mức tạo chuyển biến tích cực trong hạ tầng và đời sống người dân. Hiện tại, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm được kiên cố, khang trang; hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… của các xã đều được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn.
Anh Nguyễn Văn Tầm (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) cho hay, nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới nên giao thông trong xã Thượng Mỗ được đầu tư, giúp người dân đi lại dễ dàng; cảnh quan của xã cũng văn minh, hiện đại hơn hẳn.
Không chỉ tập trung vào hạ tầng, Hà Nội còn chú trọng phát triển kinh tế nông thôn. Hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản được triển khai, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều làng nghề truyền thống được hỗ trợ đầu tư máy móc, xúc tiến thương mại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và tạo sinh kế bền vững. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố đạt khoảng 73,8 triệu đồng/người/năm, tăng 18,8 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Nhiều địa phương có thu nhập bình quân cao, như: Hoài Đức, Đan Phượng đạt 86 triệu đồng/người/năm; Đông Anh đạt hơn 85,8 triệu đồng/người/năm; Gia Lâm đạt 83 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Hà Nội ưu tiên nguồn lực, bảo đảm không bị tụt lại trong tiến trình phát triển. Nhờ đó, tiêu chí giảm nghèo, giáo dục, y tế ở các khu vực này đều có bước tiến rõ rệt.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài (huyện Ba Vì) Nguyễn Văn Thành cho biết, là xã có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, những năm qua, Yên Bài đã được thành phố và huyện quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông. Đến nay, tất cả tuyến đường trục chính của xã đều được trải nhựa; đường liên thôn, ngõ xóm được bê tông sạch đẹp, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.
Bằng cách huy động và phân bổ nguồn vốn đầu tư bài bản, hiệu quả, không để phát sinh nợ đọng, Hà Nội "về đích" sớm nhiều chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của cả giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, thành phố đã hoàn thiện hồ sơ và trình Trung ương xem xét công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố năm 2025. Đây là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển nông thôn hiện đại, văn minh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tap-trung-nguon-luc-tao-but-pha-cho-nong-thon-moi-701662.html