Nghị quyết 68: Những điểm mới đột phá để kinh tế tư nhân vươn mình

Nghị quyết 68 đưa ra ba đột phá lớn: Xóa rào cản, bảo vệ pháp lý, khơi thông nguồn lực, tạo nền tảng để kinh tế tư nhân bứt phá mạnh mẽ.

Cú hích thể chế cho doanh nghiệp tư nhân

Chia sẻ tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 9/5, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - cho rằng, đánh giá Nghị quyết số 68-NQ/CP của Chính phủ là văn bản có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi khu vực kinh tế tư nhân đang đối mặt với nhiều khó khăn và rào cản trong quá trình phát triển.

Theo ông Hiếu, những thông điệp được đưa ra trong Nghị quyết rõ ràng, mạnh mẽ và sát thực tiễn, phản ánh đúng những vấn đề mà khu vực kinh tế tư nhân đã nhiều lần nêu ra.

"Lần này, Nghị quyết đi thẳng vào các điểm nghẽn và giải quyết trực diện những trở ngại tồn tại lâu nay của khu vực tư nhân", ông Hiếu khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Phan Đức Hiếu đánh giá, để thấy được vai trò của Nghị quyết 68, cần nhìn lại lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam qua 3 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu, từ 1988 - 1990, Nhà nước bắt đầu thay đổi quan điểm khi chuyển từ tư duy cải tạo sang công nhận kinh tế tư nhân, cho phép khu vực này tham gia một số ngành, lĩnh vực nhất định.

Dấu mốc tiếp theo là Luật Doanh nghiệp năm 1999 và 2000, đánh dấu sự chuyển đổi thể chế từ "chỉ được làm những gì pháp luật cho phép" sang "được làm tất cả những gì pháp luật không cấm". Cải cách này cũng giúp rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp từ hàng tháng xuống còn vài ngày.

"Từ đó đến nay, chúng ta vẫn cải cách, nhưng chưa có dấu ấn nào đủ sức tạo ra bước ngoặt. Nghị quyết 68 có thể là bước đột phá thứ ba, không chỉ về tư duy mà cả về chất lượng thể chế", ông Hiếu nhận định.

Xóa rào cản, bảo vệ doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực

Theo ông, khác với hai giai đoạn trước tập trung vào việc thừa nhận và trao quyền kinh doanh, Nghị quyết 68 cải cách trên 3 nhóm vấn đề lớn:

Thứ nhất, tạo thuận lợi gia nhập và hoạt động trên thị trường. Nghị quyết xác định rõ việc xóa bỏ rào cản hành chính không chỉ trong khâu thành lập mà trong suốt quá trình hoạt động. Một trong những mục tiêu nổi bật là cắt giảm 30% thủ tục và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Thứ hai, tăng mức độ bảo vệ khu vực kinh tế tư nhân. Một điểm mới quan trọng trong nghị quyết là chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Từ đó, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, điều mà các đợt cải cách trước chưa đạt được.

Thứ ba, khơi thông các nguồn lực. Ngoài những yếu tố như tiếp cận đất đai, vốn, mặt bằng, nhân sự, Nghị quyết cũng nhấn mạnh cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng và hiệu quả. Ông Hiếu lấy ví dụ, một tranh chấp thương mại kéo dài hai năm có thể khiến doanh nghiệp bị chôn vốn.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề cập đến tình trạng chậm hoàn trả các khoản phải thanh toán cho doanh nghiệp, một vấn đề tồn tại nhiều năm qua.

"Nếu xét trong tiến trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, có thể thấy ba mốc: Giai đoạn 1988 - 1990 là thừa nhận; giai đoạn 1999 - 2000 là trao quyền và cải cách thể chế; hiện nay, với Nghị quyết 68, là giai đoạn nâng cao chất lượng, bảo vệ quyền lợi và tạo môi trường phát triển toàn diện", ông Phan Đức Hiếu nhận định.

Theo ông, nếu được triển khai nghiêm túc và hiệu quả, Nghị quyết 68 có thể trở thành dấu mốc thay đổi về chất, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Những thông điệp được đưa ra trong Nghị quyết rõ ràng, mạnh mẽ và sát thực tiễn. Ảnh minh họa

Những thông điệp được đưa ra trong Nghị quyết rõ ràng, mạnh mẽ và sát thực tiễn. Ảnh minh họa

Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế

Tham gia thảo luận về vai trò của khu vực tư nhân trong giai đoạn phát triển mới, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Thương mại cổ phần Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết hình ảnh "doanh nhân là chiến sĩ" là một ví dụ điển hình, phản ánh đúng hiện thực của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.

Theo ông Phát, Ngân hàng Á Châu được thành lập từ năm 1993 - thời điểm đánh dấu giai đoạn phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân sau đổi mới. Tính đến nay, ACB đang phục vụ gần 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với hơn 800.000 hộ kinh doanh trên toàn quốc.

"Với sự đồng hành sát sao trong suốt quá trình phát triển, chúng tôi hiểu rõ những khó khăn và áp lực mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, xung đột thương mại...", ông nói.

Lãnh đạo Ngân hàng ACB nhấn mạnh rằng "doanh nhân thực sự đang là 'chiến sĩ' đúng nghĩa", vừa phải giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa phải không ngừng đổi mới và cạnh tranh trong điều kiện ngày càng khắc nghiệt.

Việc Nghị quyết 68 xác định khu vực kinh tế tư nhân là "một trong những động lực hàng đầu của nền kinh tế" được ông Phát đánh giá là một sự khích lệ lớn, không chỉ về mặt tinh thần mà còn đặt ra trách nhiệm rõ ràng hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

"Chúng tôi và cộng đồng doanh nghiệp đã chờ đợi một chính sách như vậy từ rất lâu. Khi nghị quyết được ban hành, chúng tôi cảm nhận rõ quá trình triển khai đang được thực hiện khẩn trương, quyết liệt", ông chia sẻ.

Ở góc độ ngân hàng, ông Phát cho rằng ACB đóng vai trò như một "hậu phương tài chính" cho doanh nghiệp. Theo đó, nhiệm vụ của ngân hàng là phải bảo đảm nguồn vốn phù hợp với chi phí hợp lý, đồng thời đầu tư vào chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thanh toán, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.

"Chúng tôi đánh giá Nghị quyết 68 là một bước tiến lớn, một cải cách toàn diện không chỉ đối với doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế Việt Nam", ông Phát nhấn mạnh.

Đại diện ACB cũng cho biết, việc tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và ít rủi ro pháp lý là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ông kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ tạo đà cho những thay đổi thực chất, giúp cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư và mở rộng sản xuất, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ công việc hằng ngày của những tiểu thương cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho mỗi người dân đến những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã và đang đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Với hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghi-quyet-68-nhung-diem-moi-dot-pha-de-kinh-te-tu-nhan-vuon-minh-386826.html