Tây Ninh xin cơ chế vượt trội, kỳ vọng Mộc Bài 'lột xác' thành trung tâm kinh tế mới

UBND tỉnh Tây Ninh đã trình Trung ương đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội nhằm tạo cú hích đột phá cho Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, trong đó nhấn mạnh việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển mô hình xanh, bền vững, hiện đại.

Hướng tới trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ - logistics

Ngày 15/7, thông tin từ UBND tỉnh Tây Ninh, tỉnh đã có tờ trình gửi Trung ương về việc đề xuất thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, hiện đang chờ các bộ, ngành thẩm định. Đây được kỳ vọng là bước ngoặt quan trọng trong hành trình "lột xác" của khu kinh tế có vị trí chiến lược bậc nhất khu vực phía Nam.

Theo định hướng, Tây Ninh mong muốn phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài trở thành một trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ và logistics hiện đại, áp dụng những cơ chế chính sách mới, mang tính đột phá, tiên tiến, thân thiện môi trường và phát triển bền vững.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là nhóm cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh đề xuất Trung ương cho phép ban hành danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút, gồm: trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu, trung tâm logistics, cảng cạn, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và khu vui chơi giải trí tổng hợp. Đây được xem là những lĩnh vực có khả năng dẫn dắt và lan tỏa cao về công nghệ, vốn và mô hình quản trị.

Để đảm bảo tính sàng lọc và hiệu quả, Tây Ninh kiến nghị xây dựng bộ tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược dựa trên năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án tương tự. Các nhà đầu tư khi được lựa chọn phải cam kết giải ngân toàn bộ vốn đầu tư trong vòng 5 năm, đồng thời ứng trước kinh phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Không chỉ giới hạn ở ưu đãi đầu tư, UBND tỉnh còn đề xuất Trung ương phân cấp mạnh mẽ trong công tác quy hoạch đô thị gắn với phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài.

Bản đồ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài.

Bản đồ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài.

Theo đó, đối với các khu vực có quy mô dưới 50 ha và không làm thay đổi lớn định hướng phát triển đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ là người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sau khi có chấp thuận của Chính phủ. Người đứng đầu tỉnh sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.

Ở khía cạnh nguồn nhân lực, Tây Ninh kiến nghị loạt chính sách mang tính đột phá. Cụ thể, miễn thị thực cho người nước ngoài du lịch vào Việt Nam qua Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài với thời gian tạm trú tối đa 30 ngày. Đồng thời, miễn giấy phép lao động trong thời gian 5 năm (có thể gia hạn) đối với người lao động nước ngoài làm việc tại khu kinh tế.

Tỉnh cũng đề xuất cho phép người lao động trong khu kinh tế được mua nhà ở xã hội, đồng thời miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm, và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo cho phần thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại đây.

Để đảm bảo tính chủ động và tự lực trong phát triển hạ tầng, UBND tỉnh đề xuất được giữ lại 100% nguồn thu ngân sách (kể cả thu từ xuất nhập khẩu) phát sinh tại Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài. Số tiền này sẽ được dùng để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối và các tiện ích thiết yếu cho khu kinh tế.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, du lịch, tỉnh kiến nghị áp dụng cơ chế miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy hoặc có kết quả đánh giá được các đối tác quốc tế thừa nhận theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cùng với đó, tỉnh cũng đề xuất thí điểm cơ chế đặc biệt với du khách nội địa và quốc tế: cho phép khách du lịch trong nước theo đoàn hoặc khách nước ngoài mua hàng hóa tại các trung tâm thương mại, du lịch trong khu kinh tế và được miễn thuế nhập khẩu, VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt, với giá trị tối đa không quá 13 triệu đồng/người/ngày.

Nỗ lực "kích hoạt" tiềm lực

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài là một trong những cửa ngõ giao thương, du lịch quốc tế quan trọng bậc nhất, nối trực tiếp Tp.HCM, Đồng Nai với thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

Đây cũng là điểm trung chuyển chiến lược trên tuyến đường Xuyên Á, cách Tp.HCM khoảng 70 km và Phnom Penh khoảng 170km. Mỗi năm, có hơn 2 triệu lượt người qua lại tại cửa khẩu này.

Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu tại Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài chiếm hơn 36% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia. Khu kinh tế này được thành lập từ năm 1998 với tổng diện tích hơn 21.000ha.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ triển khai giai đoạn 1 của Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ triển khai giai đoạn 1 của Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2025, mới chỉ có 15% diện tích đất được đưa vào khai thác sử dụng, với tổng cộng 60 dự án (26 FDI và 34 dự án trong nước), tổng vốn đăng ký đạt hơn 470 triệu USD và 8.500 tỷ đồng.

Dù có tiềm năng lớn, nhưng hiện nay Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài vẫn chỉ được áp dụng chính sách chung như các khu công nghiệp, khu kinh tế khác, chưa tạo được đòn bẩy đủ mạnh để thu hút dòng vốn chất lượng, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược.

Mới đây, UBND tỉnh đã khảo sát trực tiếp Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài. Tại buổi làm việc với các sở, ngành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út yêu cầu Sở Tài chính tỉnh phân công một tổ công tác để trực tiếp theo dõi thông tin về việc thẩm định các chính sách này từ các bộ, ngành và yêu cầu Sở Xây dựng, các ngành liên quan tổ chức công bố quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với quyết tâm cao và hàng loạt đề xuất cụ thể, tỉnh Tây Ninh kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới cho Mộc Bài biến nơi đây thành điểm đến chiến lược trong bản đồ đầu tư quốc gia, gắn kết kinh tế vùng và mở rộng không gian phát triển sang khu vực ASEAN.

Đoàn Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tay-ninh-xin-co-che-vuot-troi-ky-vong-moc-bai-lot-xac-thanh-trung-tam-kinh-te-moi-204250715130104914.htm