Tết Nguyên đán ở vùng đồng bào dân tộc Khmer

Khi mai vàng thi nhau khoe sắc thì ở các phum, sóc Khmer cũng rộn ràng không khí chuẩn bị đón Xuân sang.

Nhiều chùa Khmer ở các phum sóc tỉnh Sóc Trăng được trang trí đẹp mắt để đón Xuân. (Ảnh: Phương Nghi)

Nhiều chùa Khmer ở các phum sóc tỉnh Sóc Trăng được trang trí đẹp mắt để đón Xuân. (Ảnh: Phương Nghi)

Là một dân tộc có nhiều ngày lễ hội trong năm, từ lâu, đồng bào Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xem Tết Nguyên đán của người Kinh cũng là một trong những cái Tết của dân tộc mình (gọi là Tết Việt).

Xuân này, về Sóc Trăng đến những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống sẽ được lắng nghe những thanh âm rộn ràng và cảm nhận rõ hơn một luồng sinh khí mới đang bừng trỗi dậy. Phum sóc hôm nay đã thật sự “thay da đổi thịt” nhờ Đảng, Nhà nước, hết lòng chăm lo, đặc biệt là sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đồng bào Khmer.

Ông Thạch Rô Thi ở ấp Phnor Kom Pôt (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) khoe: “Năm nay cả nhà tôi ăn Tết lớn. Sau một năm làm lụng siêng năng, gia đình tích cóp được ít tiền chuẩn bị đón năm mới. Dù là Tết truyền thống của người Việt nhưng đồng bào Khmer vẫn chung vui. Chúng tôi xem Tết Nguyên đán là hoạt động không thể thiếu bên cạnh lễ Sen Dolta, Chol Chnam Thmay”.

Nói về việc chuẩn bị đón Năm mới, ông Thạch Công, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phnor Kom Pôt (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Thời điểm trước Tết khoảng nửa tháng đã thấy không khí Tết tràn đầy trong phum, sóc. Chúng tôi vận động người dân dọn dẹp sân nhà, đường đi chung cho quang đãng. Những người có điều kiện thì sửa chữa nhà cửa khang trang hơn. Cũng như người Việt, chúng tôi tin rằng, việc dọn dẹp nhà cửa sạch đẹp đón Tết sẽ mang đến những điều tốt đẹp trong Năm mới”.

Người Khmer hay đến chùa trong những ngày đầu năm. (Ảnh: Phương Nghi)

Người Khmer hay đến chùa trong những ngày đầu năm. (Ảnh: Phương Nghi)

Chẳng biết tự bao giờ, người Khmer cũng có thói quen trồng mai ngoài ngõ. Những cây mai to lớn, trổ bông vàng ươm khiến mùa Xuân càng thêm tươi thắm. Điểm đặc biệt trong phong tục Tết của người Khmer là nhiều gia đình tranh thủ đến chùa lễ Phật vào ngày cuối năm.

Ông Lâm Sươl ở ấp Đai Úi (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) cho biết: “Người Khmer dù làm gì cũng phải đến chùa, bởi đó là văn hóa của chúng tôi. Sau đó, mọi người trở về nhà cúng ông, bà và đón giao thừa như người Kinh. Tương tự như các dân tộc anh em, Tết Nguyên đán cũng là dịp người Khmer sum vầy bên gia đình. Vào đêm giao thừa, người Khmer làm một mâm cỗ để cúng tổ tiên. Ngoài dồn sức lo cho vụ lúa Đông Xuân, chúng tôi còn trồng thêm hoa màu, nuôi gà, vịt để bán trước Tết, chuẩn bị tiền sắm sửa quần áo cho con cháu, đồ ăn, thức uống, trang trí nhà cửa, sắm sửa... Nhiều gia đình còn đi thăm bà con ở xa”.

Một góc xuân ở phum sóc ấp Tha La (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) với sinh khí đón Tết Nguyên đán của bà con Khmer thêm rộn ràng. (Ảnh: Phương Nghi)

Một góc xuân ở phum sóc ấp Tha La (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) với sinh khí đón Tết Nguyên đán của bà con Khmer thêm rộn ràng. (Ảnh: Phương Nghi)

Đến với ấp Tha La (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư để nâng cao đời sống bà con đồng bào Khmer. Kinh tế ổn định, nhà cửa đàng hoàng, con em được đến trường, điều này càng làm cho sinh khí đón Tết Nguyên đán của bà con thêm rộn ràng. Ông Danh Phinê, ở ấp Tha La cho biết: “Đồng bào Khmer xem Tết Nguyên đán cũng quan trọng không thua kém lễ Sen Dolta, Chol Chnam Thmay tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Tết Nguyên đán là dịp để gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên. Trong những ngày Tết, một số chùa Khmer còn tổ chức các hoạt động văn nghệ để chúng tôi vui chơi, giúp sinh khí Tết thêm rộn ràng”.

Với khí thế hào hứng đón Xuân Ất Tỵ 2025, ông Thạch Thươnl, người có uy tín trong cộng đồng ở ấp Sóc Tre (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) và những bà con Khmer trong ấp đang hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, no ấm hơn trong tương lai. Ông Kiên Thươnl nói: “Tôi nói với bà con là Tết này người Khmer mình phải vui hơn, cố gắng phấn đấu để thoát nghèo. Đặc biệt, phải chấp hành tốt việc đảm bảo an ninh trật tự khi tham gia tiệc tùng, để cùng hướng đến một mùa xuân vui vẻ, an lành”.

Người Khmer Nam Bộ luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. (Ảnh: Phương Nghi)

Người Khmer Nam Bộ luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. (Ảnh: Phương Nghi)

Tết Nguyên đán, tuy không phải là Tết chính thức của người Khmer, nhưng mỗi bận Xuân về, khi mai vàng thi nhau khoe sắc thì ở các phum, sóc người Khmer cũng rộn ràng không khí đón Xuân với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, ý nghĩa, thắm tình đoàn kết cộng đồng.

Phương Nghi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tet-nguyen-dan-o-vung-dong-bao-dan-toc-khmer-302775.html