Tết ở chung cư
Một ngày cuối năm tôi nhận được tin nhắn: 'Mẹ ơi! Bạn con ở đảo Lý Sơn muốn gửi tặng hành tím để mẹ muối hành ăn Tết ạ! Hành này bạn ấy trồng organic đấy!' Thật quá bất ngờ!
Nếu là nghe điện thoại tôi sẽ tưởng là mình nghe nhầm. Đây là tin nhắn qua messenger, chữ nghĩa rõ ràng. Chợt bồn chồn nhớ con gái đang ở phương Nam. Con đã nhớ món hành củ ngày Tết. Con đã nhớ những ngày xưa giáp Tết mẹ cặm cụi muối dưa hành…
Câu ca dao cổ truyền nói đến phong vị Tết Việt Nam có nhắc tới: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Văn hóa truyền thống trong dịp Tết của người Việt có sáu vị đặc trưng ấy: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Thế rồi, Việt Nam đã có cuộc thay đổi lớn từ thế kỷ 20. Đến thế kỷ 21, văn hóa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với văn hóa toàn cầu.
“Câu đối đỏ” đang dần vắng bóng. “Cây nêu” gắn liền với những ngôi nhà có sân vườn riêng biệt, cũng đã không còn chỗ đứng trong công cuộc đô thị hóa rầm rộ bây giờ. “Tràng pháo” - âm thanh đặc biệt của ngày 30 Tết xưa của mỗi gia đình khi tiễn năm cũ đón năm mới, cũng đã được thay thế bằng những chùm pháo hoa hiện lên trên bầu trời rực rỡ để cả thành phố cùng vui chung.
Chỉ còn “thịt mỡ”, “dưa hành”, “bánh chưng xanh” trở thành mỹ vị bất hủ trong mâm cỗ Tết.
Bỗng nhiên tưởng như hiển hiện trước mắt tôi, cảnh ngày xưa bà thả những củ hành trắng xanh được mua ở chợ về đã được cắt râu, rửa sạch để ngâm vào một chậu nước vo gạo. Thuở nhỏ tôi đã tò mò hỏi bà: “Ngâm như thế để làm gì ạ?”. Bà tôi bảo: “Ngâm như thế để cho củ hành bớt hăng. Ăn hành muối sẽ ngọt hơn”. Thế rồi sau khi đã ngâm và rửa sạch, bà tôi muối hành vào một cái liễn để dành ăn Tết.
Sau này tôi lớn lên trở thành một người nội trợ, tôi lại lo Tết như bà, như mẹ tôi. Những ngày giáp Tết chuẩn bị muối hành y như bà tôi đã từng làm. Vị dưa hành của tôi làm cũng chẳng khác gì dưa hành của bà tôi khi xưa.
Rồi năm nay hành tím đảo Lý Sơn đặc sản Quảng Ngãi sẽ xuất hiện trên mâm cỗ Tết nhà tôi.
Tôi nghĩ ngợi lan man như thế khi đã bước vào thang máy. Bỗng có tiếng hỏi của cô Thắm người hàng xóm cùng tầng với tôi. Vợ chồng cô Thắm làm việc ở một công ty lớn. Thắm hỏi: “Cô sắm Tết đủ chưa? Hôm nào cả nhà về quê ăn Tết ạ?”. Tôi trả lời: “Nhà cô ăn Tết ở đây, Thắm ạ!”.
“Ồ, thế ạ? Cô ăn Tết ở chung cư à?”, Thắm nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên và có ý thương thương. Cô ấy bảo: “Nhà cháu thì về quê từ sáng 30 Tết cô ạ. Bố mẹ cháu mong các con cháu về lắm!”. Cô hàng xóm cười vẻ mặt rạng rỡ như đang nghĩ tới ngày gặp cha mẹ ở quê nhà.
Lúc ấy tôi bất chợt nhìn thấy một phụ nữ khó đoán tuổi cùng đứng trong thang máy. Cô ta có vẻ đẹp của một người đã sống nhiều năm ở phương tây. Cô ấy nhìn tôi với một vẻ đồng cảm, ánh mắt như muốn nói: “Em cũng ăn Tết ở chung cư đây, cô à!”. À, tôi nhớ ra rồi. Đó là Kim Chi - cô giáo dạy đàn piano cho trẻ nhỏ ở tầng trên tòa nhà này. Cô là cư dân mới đến chung cư độ một năm nay. Kim Chi bất chợt hỏi tôi: “Cô có gói bánh chưng không?”.
Câu hỏi của Kim Chi khiến lòng tôi nhói lên một nỗi luyến tiếc. Tôi đáp lại bằng một giọng buồn buồn cảm thấy mình như có lỗi: “Đã mấy năm nay nhà cô không còn tự gói bánh chưng”. Thế rồi bỗng như vượt khỏi nỗi buồn thoáng chốc, tôi ngẩng mặt lên vui vẻ: “Thế mà vẫn có bánh chưng cúng Tết đấy!”.
Kim Chi nở nụ cười: “Em cũng vậy, cô ạ!”. Tôi nhìn em và bỗng nhiên cảm thấy một mối tình cảm tương đồng trong ánh mắt. Lúc ấy cửa thang máy về tầng của tôi đã mở ra. Tôi và cô Thắm bước ra vẫy tay chào Kim Chi.
Tôi trở về căn hộ của mình mà xôn xao trong lòng nhớ những cảnh gói bánh chưng thuở trước. Cứ độ từ sau ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo lên trời, trên vỉa hè Hà Nội gần những khu chợ đã thấy la liệt những hàng bán lá dong, bán lạt gói bánh… Những cái cối đá được bày ra có biển đề “Nhận xay vỡ đỗ xanh”. Trong những căn hộ tập thể chung cư cũ còn phải dùng máy bơm nước lên những tầng cao. Đến giờ bơm nước, xúm xít bên vòi nước công cộng nhà nào nhà nấy tranh thủ vo gạo, đãi đỗ, rửa lá gói bánh…
Ở nhà tôi, ngày gói bánh chưng là ngày vui nhất. Đó là thời các con tôi còn là học trò tiểu học và trung học cơ sở. Vừa thi học kỳ xong, được nghỉ học các con náo nức giúp mẹ chuẩn bị Tết. Tôi ngồi gói bánh trong ánh mắt yêu thương của các con nhìn vào bàn tay mẹ với một vẻ đợi chờ nao nao. Gói được chiếc nào, các con lễ mễ bưng ra để lên mâm chuẩn bị cho vào nồi luộc bánh.
Thời ấy nhà tôi nấu bánh chưng bằng nồi áp suất. Một gia đình nhỏ như gia đình tôi chỉ cần gói 5 chiếc bánh chưng đủ xếp vừa một nồi áp suất. Nồi luộc bánh chưng được đun suốt một ngày đêm. Tiếng van nồi áp suất xì xì khói tỏa ra mùi lá bánh quyện với mùi nếp, mùi đỗ, mùi thịt đang chín dần sao mà xao xuyến thế.
Thời ấy nghèo khổ thiếu thốn lắm, có được chiếc bánh chưng để ăn Tết là cả một “công trình”. Tôi nghĩ ngợi miên man như vậy trong khi lau dọn bàn thờ chuẩn bị cho ngày Tết sắp đến. Nhìn những tấm ảnh của bốn vị tứ thân phụ mẫu đã lặng im sau khung kính lòng tôi se lại nghĩ tới ngày xưa, khi mẹ cha còn ăn Tết cùng con cháu.
Chợt lại có chuông điện thoại réo rắt. Chú em chồng tôi từ ở quê gọi điện lên: “Anh chị ơi! Năm nay anh chị đã tuổi cao sức yếu, anh chị cứ ăn Tết ở trên ấy. Ở nhà em đã chuẩn bị có nồi bánh chưng ăn Tết rồi. Em sẽ gửi lên cho anh chị mấy cái bánh chưng để anh chị thắp hương cúng ông bà. Chúng em sẽ gửi lên trước 30 Tết. Tùy tình hình sức khỏe và xe cộ anh chị thu xếp mùng Ba, mùng Bốn hay mùng Năm về quê cũng được”.
Nghe tiếng chú em chồng gọi từ quê lên, trước mắt tôi như thấy chiếc bánh chưng quê chồng đã mở ra rờ rỡ trước mắt. Miếng bánh chưng được xắt ra bằng lạt đang tỏa ra mùi thảo quả. Đó là bánh chưng miền quê Ý Yên (Nam Định). Chiếc bánh chưng có từ thời Lang Liêu thì toàn đất nước giống nhau như đúc, từ lá dong gói bánh đến nhân bánh có gạo nếp đỗ xanh và thịt lợn. Mỗi một miền quê chỉ có thêm chút vị quê mình. Ở quê chồng tôi là mùi thảo quả. Những năm xa xôi cũ, vợ chồng tôi đi xe đạp đèo con nhỏ về ăn Tết với ông bà. Khi ấy ông bà còn ở trong một nếp nhà tranh vách đất. Chồng tôi là con cả, chú em thứ hai đi bộ đội, chú em thứ ba còn đang đi học.
Ngày ấy, vợ chồng tôi về trước Tết để gói bánh chưng cùng ông bà. Tôi đã được ngồi gói bánh chưng cùng với bố chồng và đã được xem ông ướp thảo quả vào nhân bánh như thế nào. Bao năm đã qua, ông bà đã về với tổ tiên. Chú em đi bộ đội đã về làm việc ở huyện nhà. Nay chú đã nghỉ hưu ở tại quê cha đất tổ. Mái nhà tranh vách đất xưa đã trở thành một ngôi nhà khang trang trong khuôn viên có cây cổ thụ và có những cây mới. Bao đổi thay rồi mà mâm cỗ Tết cúng ông bà vẫn có món bánh chưng đượm mùi thảo quả giữ nếp quê.
Ngày giáp Tết thời gian như đi nhanh hơn, hôm nay đã là ngày nhận bánh chưng của tòa chung cư. Đã mấy Tết rồi, Ban quản lý tòa nhà thường tặng mỗi hộ gia đình một chiếc bánh chưng. Khi tôi đến bên chiếc bàn nhận bánh thì thấy Kim Chi đang tay xách nách mang. Một tay cô cầm cành đào phai, thấp thoáng vài nụ hoa đang nở chúm chím. Một tay cô xách nải chuối xanh kèm theo một túi đựng các loại quả để bày mâm ngũ quả.
Bà Tổ phó tổ dân cư đang ngồi phát bánh cất tiếng gọi: “Cô Kim Chi ơi! Cô lại nhận bánh chưng này!”
“Vâng ạ!”, cô Kim Chi cất tiếng đáp lại mà hai tay đều bận rộn, không biết nhận bánh chưng bằng tay nào đây? Thấy thế tôi bảo: “Để tôi cầm đỡ cho cô nào”. Cô Kim Chi cười ái ngại: “Thôi ạ, tay cô yếu làm sao cầm đỡ em được?”. Nghĩ thế nào cô bảo: “Hay là cô nhận hộ em cái bánh chưng nhé!”. Thế là tôi nhận hộ cô ấy chiếc bánh chưng. Lát sau miệng nói chân bước, tôi cầm hai chiếc bánh chưng đi theo Kim Chi về tới tận căn hộ của cô ấy trên tầng 15.
Căn hộ xinh xắn và thanh nhã có chiếc đàn piano lớn chiếm nửa phòng khách và hai chiếc đàn piano điện tử ở một bên. Chắc đó là những chiếc piano để học trò của cô ấy tập đàn. Căn hộ có hai phòng ngủ mà nhà vắng vẻ không có ai khác ngoài cô giáo dạy đàn. Kim Chi nói: “Cô có bận gì không? Ngồi chơi với em một lát nhé!”. Tôi vui vẻ đồng ý ngay. Ngày Tết bận thì có bận, nhưng nán ngồi một lát với một người bạn trẻ thì cũng có mất thì giờ đâu? Kim Chi vừa đặt những thứ đồ sắm Tết xuống một chỗ là nhanh nhẹn đi pha trà. Tôi lựa lời hỏi thăm: “Kim Chi học piano ở đâu?”.
Cô gái bưng trà ra mời tôi và kể chuyện: “Dạ, em học ở bên Đức cô ạ! Cha mẹ em đều là người Việt sang bên ấy đã lâu, em sinh ra ở bên ấy. Mấy năm gần đây em có giao lưu với các nhạc công piano ở Việt Nam. Em đã trở về Việt Nam một vài lần. Rồi từ đầu năm nay em có hợp đồng làm việc với một trung tâm âm nhạc ở Hà Nội. Thế là em về ở đây”.
Tôi ngồi uống trà nhâm nhi và ngắm nhìn chiếc dương cầm lớn trong nhà. Tôi là người thích nghe piano, giá mà tôi được thưởng thức tiếng đàn của Kim Chi nhỉ? Thấy tôi lặng lẽ ngồi uống trà và ngắm chiếc đàn, Kim Chi hỏi: “Cô có thích nghe đàn piano không?”. Tôi đáp: “Có chứ! Tôi rất thích!”. Kim Chi thong thả đến bên cây đàn. Cô nhẹ nhàng đặt tay lên trên bàn phím. Âm thanh vang lên thánh thót du dương.
Kỳ diệu thay tiếng đàn của Kim Chi đưa tôi trở về thời thơ ấu. Tôi như thấy mặt nước Hồ Gươm xanh thăm thẳm. Những làn sóng gợn nhẹ nhàng vỗ về tâm hồn tôi. Tôi như nhìn thấy cây đa cổ thụ mùa xuân. Trong tiềng gió rì rào những búp đa mềm mại rơi xuống mái đền Bà Kiệu. Trong tiếng đàn như có tiếng chim trong những lùm cây xanh ở đền Ngọc Sơn…
Tôi nghe thấy cả tiếng chuông ngân. Không phải tiếng chuông Nhà thờ Lớn ở bên bờ tây Hồ Gươm mà là tiếng ngân từ cái chuông nhỏ của bà tôi đang tụng kinh niệm Phật trong đêm giao thừa. Lạ thế âm nhạc cổ điển phương Tây lại đưa tâm hồn tôi về với văn hóa Á đông. Tiếng đàn dứt. Tôi đứng dậy ôm lấy Kim Chi. “Cảm ơn em nhiều lắm!”. Kim Chi đỏ bừng mặt xúc động: “Em cũng cảm ơn cô rất nhiều. Tình yêu âm nhạc của cô khiến em chơi hay hơn đấy”.
Thế rồi tôi giúp Kim Chi bày mâm ngũ quả trên ban thờ ở căn hộ của cô ấy. Vừa bày biện xong, Kim Chi vui sướng ngắm nhìn căn phòng và thốt lên: “Chà! Có bánh chưng, có mâm ngũ quả, có cành đào nhà đã có vẻ Tết rồi cô nhỉ!”. Nhìn vẻ mặt sung sướng của Kim Chi tôi thầm nghĩ: “Sống bao năm ở nước ngoài mà vẫn yêu Tết Việt như thế nhỉ?”. Tôi chợt hỏi: “Em có thích ăn dưa hành không? Nhà tôi năm nay có món dưa hành đặc biệt được muối từ hành ở đảo Lý Sơn”. Nghe thế Kim Chi vỗ tay reo lên: “Ôi, tuyệt quá! Em rất thích món đó!”. Nghĩ ngợi thế nào em hỏi lại: “Cô có nhiều không mà lại cho em? Nhà cô còn có con cháu về ăn Tết cùng ông bà, đông người ăn lắm đấy”.
Nghe Kim Chi hỏi thế, tôi ái ngại nhìn căn phòng vắng vẻ của em và hỏi: “Bữa tất niên tối giao thừa em có một mình ư? Hay là xuống nhà cô cùng ăn Tết cho vui?”. Kim Chi cười vui vẻ: “Em cảm ơn cô! Em không ăn Tết một mình đâu cô à. Sáng 30 Tết bố mẹ em sẽ bay về đây. Năm nay cả nhà em ăn Tết ở Hà Nội”.
Ôi! Một tin vui! Tôi vui như chính mình sắp được gặp lại người thân. Tôi hối hả giục Kim Chi đi xuống nhà tôi để nhận dưa hành và một chiếc bánh chưng có mùi thảo quả. Thật là vui như Tết! Trong tâm hồn tôi tràn ngập tiếng piano dào dạt. Tôi nghĩ tới bữa cơm tất niên ở căn hộ chung cư nhà tôi năm nay có các con cháu về vui sum vầy. Lúc ấy ở những ngôi nhà khác, ở khắp nơi có người Việt, cũng đang có những bữa cơm tất niên sum vầy đầm ấm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tet-o-chung-cu-10272952.html