Tết ông Công ông Táo nét đẹp trong văn hóa người Việt

Tết ông Công, ông Táo từ lâu đã trở thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa của người Việt. Tiễn ông Táo về chầu trời, người dân gửi gắm nhiều điều ước vọng để đón một năm mới bình an, hạnh phúc.

Cá chép là lễ vật không thể thiếu để cúng ông Công, ông Táo.

Cá chép là lễ vật không thể thiếu để cúng ông Công, ông Táo.

Sáng sớm ngày 23 tháng Chạp hằng năm, bà Phạm Thị Bằng, tổ dân phố 1, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ lại cùng con cháu chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo sao cho thật tươm tất. Với gia đình bà Bằng, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần quá cầu kì, nhưng được chuẩn bị chu đáo, trang trọng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ. Qua đó, cũng gửi gắm mong muốn một năm mới bình an, sức khỏe cho cả gia đình.

Bà Phạm Thị Bằng cùng người thân trong gia đình chuẩn bị mâm lễ cúng ông Công, ông Táo.

Bà Phạm Thị Bằng cùng người thân trong gia đình chuẩn bị mâm lễ cúng ông Công, ông Táo.

Bà Phạm Thị Bằng chia sẻ: Tôi thường làm lễ cúng trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng nên năm nào tôi cũng đi chợ từ sớm để mua sắm đồ lễ. Mâm cỗ năm nay nhà tôi chuẩn bị đơn giản nhưng vẫn đủ các món truyền thống như: Gà luộc, xôi gấc cùng 3 con cá chép vàng, đỏ để khi làm lễ xong sẽ mang cá ra sông thả.

Chợ Mường Thanh nhộn nhịp người mua bán sáng ngày 23 tháng Chạp.

Chợ Mường Thanh nhộn nhịp người mua bán sáng ngày 23 tháng Chạp.

Những ngày này, nhu cầu mua sắm các vật phẩm “tiễn ông Táo về trời” của người dân tăng cao. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán đồ lễ, nhiều mặt hàng phục vụ ngày lễ được chuẩn bị cẩn thận, kỹ càng, đa dạng chủng loại và giá cả hợp lý. Trong đó, cá chép là lễ vật không thể thiếu để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Ai cũng háo hức tìm mua những con cá chép khỏe nhất, ưng ý nhất mang về làm lễ cúng. Theo các tiểu thương, giá cá chép không biến động so với mọi năm, giao động từ 20.000 - 45.000 đồng/bộ 3 con.

Bộ cá chép 3 con được bán với giá 20.000 đồng tại chợ Mường Thanh.

Bộ cá chép 3 con được bán với giá 20.000 đồng tại chợ Mường Thanh.

Đã nhiều năm bán cá chép vào dịp lễ ông Công, ông Táo, chị Phùng Thị Thanh, tiểu thương chợ Mường Thanh đã nhập cá chép vàng về bán từ ngày 22 tháng Chạp. Theo chị Thanh, để phục vụ nhu cầu của người dân, các tiểu thương không chỉ chú trọng vào số lượng mà còn đặc biệt quan tâm đến chất lượng cá. Họ lựa chọn những con cá chép khỏe mạnh, có màu sắc tươi sáng, thân hình đầy đặn để người mua cảm thấy yên tâm.

Thực phẩm chế biến sẵn được nhiều người mua về cúng ông Công, ông Táo.

Thực phẩm chế biến sẵn được nhiều người mua về cúng ông Công, ông Táo.

Tết ông Công,, ông Táo với tục lệ phóng sinh cá chép là một trong những nét đẹp văn hóa và sẽ ý nghĩa hơn khi được thực hiện đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ những nét đẹp của Tết Việt.

Học sinh Trường Trường THPT Lương Thế Vinh hỗ trợ thả cá chép tại khu vực bờ sông Nậm Rốm.

Học sinh Trường Trường THPT Lương Thế Vinh hỗ trợ thả cá chép tại khu vực bờ sông Nậm Rốm.

Với các thông điệp “thả cá đừng thả túi nilon”, “đừng để Táo quân mang rác lên chầu” ngay từ sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, Trường THPT Lương Thế Vinh đã bố trí hơn 100 học sinh khối lớp 10 hỗ trợ người dân thả cá chép tại 3 điểm: Khu vực bờ sông Nậm Rốm gần cầu Thanh Bình; bờ hồ Tỉnh ủy và hồ Huổi Phạ. Mỗi một hành động của các em học sinh, như: Nhắc nhở người dân không thả túi nilon, tro, chân nhang xuống sông, hồ; hỗ trợ người dân thả cá; thu gom rác thải tại khu vực thả cá… đã góp phần lan tỏa và thay đổi tư duy, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Bà Lê Thị Hạnh, tổ 4, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Năm nào đến ngày này, gia đình tôi cũng mang cá ra sông để thả với mong muốn gia đình mạnh khỏe, bình an. Trước đây, tôi phải xuống tận mép nước để thả cá, bậc thang trơn trượt rất nguy hiểm, nhất là đối với người lớn tuổi. Những năm gần đây, tôi thấy việc làm của các bạn học sinh trong ngày lễ này rất ý nghĩa, vừa là bảo vệ môi trường khỏi rác thải vừa là giữ gìn những điều tốt đẹp mà cha ông để lại.

Cá chép sẽ được "phóng sinh" với ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Cá chép sẽ được "phóng sinh" với ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Lễ cúng ông Công, ông Táo là dịp để mỗi gia đình thể hiện lòng tri ân và hy vọng vào một năm mới an lành, hạnh phúc. Ngày ông Táo về chầu trời đánh dấu ngày Tết Nguyên đán đã đến thật gần. Sau khi tiễn đưa Táo quân, các gia đình bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuần bị đón Tết. Trải qua biết bao thăng trầm của thời đại, nét đẹp văn hóa ấy vẫn tồn tại mãi, mang theo thông điệp yêu thương, sự sum vầy, và lòng thành kính, làm nên một khởi đầu tốt đẹp cho năm mới.

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/tet-ong-cong-ong-tao-net-dep-trong-van-hoa-nguoi-viet