Thái Nguyên dự chi hơn 2.300 tỷ đồng thực hiện Đề án chuyển đổi số
Theo như Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2024 - 2025 UBND Thái Nguyên vừa ban hành sẽ tạo đột phá tạo lợi thế cạnh tranh mới cho tỉnh.
Nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, Thái Nguyên là một trong những địa phương tiên phong của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU về Chương trình CĐS, để kịp thời nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng 4.0 cho sự phát triển của địa phương.
Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để thực hiện tốt chương trình CĐS ở mức độ cao và toàn diện hơn thì sự ra đời của Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025 là giải pháp "đột phá" giúp Thái Nguyên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án CĐS của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị hướng tới xây dựng "Thái Nguyên 2025+: Số - Xanh - Hạnh phúc".
Mục tiêu của Thái Nguyên là: Hạ tầng kết nối mạng di động băng rộng, truyền dữ liệu lớn, độ trễ thấp, là một trong các tỉnh, thành phố có chất lượng kết nối mạng tốt nhất Việt Nam; trở thành trung tâm dữ liệu của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời có chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất cả nước; dữ liệu số, dữ liệu mở được tạo lập và cung cấp phục vụ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh có dữ liệu số tốt nhất Việt Nam; phổ cập năng lực số toàn dân để nâng cao mức sống và thu nhập của người dân.
Theo Đề án, trong phát triển hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 5G với tốc độ tối thiểu 100 Mbps, phủ sóng tại 100% trường đại học và bệnh viện (năm 2024); 100% khu dân cư (năm 2025), 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G, phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tới hộ gia đình, 100% khách hàng có nhu cầu đều có truy cập FTTH tốc độ Gbps.
Tỉnh thu hút đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu (DataCenter) để cung cấp dịch vụ dữ liệu cho vùng trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI; nâng cấp trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh, phục vụ lưu trữ dữ liệu và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số; xây dựng bản sao số (Digital Twins) tại khu công nghiệp... Thái Nguyên đảm bảo trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt...