Thái Nguyên: Tăng cường giải pháp công nghệ cho ngành dệt may

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh Thái Nguyên còn khiêm tốn, nhưng ngành này đóng góp quan trọng vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội. Để thúc đẩy công nghiệp dệt may, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị nhằm tăng cường các giải pháp đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho ngành kinh tế quan trọng này.

Dây chuyền in các họa tiết, logo trên vải tại Chi nhánh may Sông Công I (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG). Ảnh: L.K

Dây chuyền in các họa tiết, logo trên vải tại Chi nhánh may Sông Công I (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG). Ảnh: L.K

Đối với cả nước, ngành dệt may đang chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu với giá trị vượt mốc 10 tỷ USD, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước. Theo thống kê, ngành dệt may Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sau Trung Quốc, với các thị trường chủ yếu gồm: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc và ASEAN.

Với Thái Nguyên, ngành dệt may cũng có những đóng góp đáng kể với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 527 triệu USD trong năm 2024. Tuy nhiên, thách thức đặt ra không hề nhỏ, đòi hỏi nội ngành phải nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và xu hướng chuyển đổi số đang tạo ra một môi trường mới, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành này phải nhanh chóng thích ứng.

Trước thực tế trên, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các ngành liên quan phải cùng vào cuộc triển khai các giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, hai ngành Công Thương và Khoa học - Công nghệ phải phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp đổi mới sáng tạo trong ngành may mặc. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kết nối thông tin về thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các FTA mà Việt Nam đã ký kết, từ đó tạo ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp dệt may đổi mới công nghệ, ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT) trong sản xuất và quản lý. Các công nghệ mới như hệ thống quản lý sản xuất thông minh (MES), công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc và hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) sẽ giúp doanh nghiệp dệt may cải thiện khả năng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT - Chi nhánh Đại Từ. Ảnh: T.L

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT - Chi nhánh Đại Từ. Ảnh: T.L

Cơ quan Tài chính tập trung hỗ trợ doanh nghiệp dệt may tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, bao gồm các chương trình tín dụng và thuế để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ và cải tiến sản xuất. Các doanh nghiệp cũng sẽ được hướng dẫn tham gia vào các chương trình xúc tiến xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức, từ đó mở rộng thị trường và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành dệt may là một yếu tố quan trọng. Vì thế, các sở, ngành liên quan cùng phối hợp để thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ lao động trong ngành may mặc, đặc biệt là kỹ thuật may tiên tiến và vận hành máy móc tự động. Các chương trình đào tạo "may xuất khẩu chuẩn quốc tế" sẽ giúp lao động trong ngành nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Muốn thay đổi nhanh chóng, hiệu quả rất cần sự chủ động của các doanh nghiệp dệt may trong áp dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất để tối ưu hóa quản lý, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc sử dụng Big Data, IoT và các phần mềm quản lý sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu sai sót, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện khả năng dự báo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường sự kết nối với khách hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử và công cụ truyền thông xã hội. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin phản hồi nhanh chóng và cải tiến sản phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu thay đổi của thị trường.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã đầu tư nhiều loại máy móc, thiết bị tự động nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: T.L

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã đầu tư nhiều loại máy móc, thiết bị tự động nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: T.L

Doanh nghiệp may mặc số 1 tại Thái Nguyên là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cần tiếp tục triển khai mô hình sản xuất thông minh, tự động hóa và sử dụng năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp này sẽ ứng dụng công nghệ 3D, metaverse trong thiết kế sản phẩm, đồng thời triển khai các giải pháp công nghệ IoT và robotics để tự động hóa dây chuyền sản xuất, từ đó tăng năng suất và giảm thiểu chi phí. Ngoài ra, các danh nghiệp dệt may khác cũng không thể đứng ngoài cuộc, chủ động thích ứng công nghệ hiện đại để nâng giá trị sản phẩm.

Như vậy có thể thấy, Chỉ thị về phát triển đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành dệt may tỉnh Thái Nguyên đã xác định một lộ trình rõ ràng với những giải pháp bền vững. Việc ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp ngành dệt may Thái Nguyên tăng trưởng mạnh mẽ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202505/thai-nguyen-tang-cuong-giai-phap-cong-nghe-cho-nganh-det-may-4cb2035/