Thầm lặng những hy sinh

Yêu nghề tha thiết và dành tình thương sâu đậm cho những đứa trẻ vùng cao, đó là động lực cũng là lý do để các thầy, cô giáo dành trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp 'trồng người'.

Cô Lê Thị Sáu trong một giờ lên lớp tại điểm trường Na Nghịu.

Cô Lê Thị Sáu trong một giờ lên lớp tại điểm trường Na Nghịu.

“Người lái đò” thầm lặng

“Nếu không vì học sinh có lẽ tôi đã không trụ được đến bây giờ” là tâm sự của cô Lê Thị Sáu, giáo viên điểm trường Na Nghịu, Trường Tiểu học Yên Nhân (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân). Gần 20 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó phần lớn thời gian cô làm giáo viên cắm bản. Điểm trường Na Nghịu, là điểm trường công tác đầu tiên của cô Sáu cũng là điểm trường cô gắn bó lâu dài nhất. Ở bản Na Nghịu, người ta ví cô Sáu như “người mẹ thứ hai” của nhiều thế hệ trẻ em.

Trong ký ức của mình, cô Sáu nhớ như in ngày đầu nhận quyết định về dạy học tại bản Na Nghịu vào năm 2004. Cô chẳng nghĩ gì ngoài khát khao được ươm những mầm xanh, nơi con chữ vẫn còn là thứ khá xa lạ với nhiều người dân. Bấy giờ, cơ sở vật chất ở điểm trường vô cùng thiếu thốn, không điện, không nước, không chỉ học sinh mà cha mẹ các cháu cũng chẳng mặn mà trong việc đưa con đến lớp. Để thay đổi nhận thức của mọi người, hằng ngày cô Sáu chủ động vào từng hộ dân trò chuyện, vận động phụ huynh và học sinh. “Với người dân nơi đây, không có gì thuyết phục hơn là những câu chuyện thật, người thật. Vì vậy, tôi cố tìm hiểu điển hình vượt khó vươn lên trong học tập và đã thành công của xã, huyện để thuyết phục. Nhờ vậy, số học sinh theo chân tôi đến lớp ngày một đông”, cô Sáu vừa cười vừa chia sẻ.

Ngày tiếp ngày, tuần tiếp tuần, năm tiếp năm, cô Sáu cũng không bận tâm đếm chặng đường của mình đã lội qua bao nhiêu con suối, vượt bao nhiêu đồi dốc, ngã bao nhiêu lần trên con đường trơn trượt. Cô khát khao để học sinh được tiếp cận với tri thức để con đường tương lai của các em về sau tươi sáng hơn. Vì vậy, cô Sáu luôn nhẫn nại, bao dung, chăm sóc, giáo dục trẻ, tìm hiểu tập tục sinh hoạt của bà con để gần gũi hơn với các em.

Thời điểm đó, cô Sáu cùng một số giáo viên còn tham gia lớp xóa mù chữ. Lớp học xóa mù chữ trong bản sâu, thường tổ chức vào ban đêm, việc di chuyển đến lớp vừa khó vừa nguy hiểm, nhưng bất kỳ lúc nào lớp sáng đèn là cô Sáu có mặt. Điều đáng nói, thời gian đó cô Sáu mới chỉ là giáo viên hợp đồng, mức lương vài trăm nghìn đồng không đủ trang trải nhưng “nhiệm vụ gieo mầm là của người giáo viên”, cô Sáu khẳng định.

Đến nay, điểm trường Na Nghịu đã không còn khó khăn như trước, tình trạng bỏ học giữa chừng đã giảm nhiều nhưng để các em chăm chỉ đến trường, siêng năng học tập thì vẫn không thể thiếu những giáo viên bám bản như cô Sáu.

Với người thầy, người cô bám bản, những hy sinh, vất vả của họ không cần phải nói thì ai ai cũng hiểu. Bởi, với các thầy cô bám bản nhiệm vụ của họ không chỉ dừng lại ở hai chữ “nhà giáo” mà còn là cha, là mẹ chăm lo, che chở và yêu thương học trò như con của mình.

Nhìn học sinh mà cố gắng

Đã nhiều năm nay, điểm trường Ón, Trường Tiểu học Tam Chung (xã Tam Chung, Mường Lát) không có giáo viên nữ. Điểm trường cách thị trấn Mường Lát 23 km, con đường vào trường vẫn còn khoảng 7 km đường đất. Đường sá đi lại khó khăn, điều kiện sinh hoạt đang còn thiếu thốn, nên thường chỉ có giáo viên nam. Hiện, điểm trường có 5 giáo viên đứng 5 lớp.

Thầy Ngân Văn Ân cắt tóc cho học sinh.

Thầy Ngân Văn Ân cắt tóc cho học sinh.

Thầy Ngân Văn Ân, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Mường Lát, do vậy ngay sau khi ra trường thầy đã xin về giảng dạy tại đây và tình nguyện đi các điểm trường lẻ. Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục cũng từng ấy thời gian thầy miệt mài gieo chữ trên những rẻo cao của huyện Mường Lát. “Sinh ra và lớn lên ở miền núi, tôi hiểu hơn ai hết những thiệt thòi, thiếu thốn của các em học sinh nơi đây, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa. Học sinh thiếu thốn, cuộc sống của thầy cô cũng bộn bề khó khăn nhưng không vì thế mà chúng tôi lùi bước”, thầy Ân bày bỏ. Thời gian đầu, khó khăn đến mức thầy đã nghĩ đến việc xin chuyển trường. Nhưng, “khi nhìn thấy những đôi chân trần vượt núi băng rừng đi bộ gần 10 km đến trường và những đôi mắt trong veo khát khao con chữ của bọn nhỏ, tôi và mọi người lại tự động viên nhau, cùng nhau nỗ lực, cố gắng bám trường, bám lớp, tiếp tục duy trì hành trình “trồng người” nơi đây”.

Hàng chục năm bám bản, thầy Ân có vô vàn chuyện để nhớ. Trước kia, có nhiều gia đình quá khó khăn, nên phụ huynh không quan tâm đến việc học hành của con, muốn chúng ở nhà giúp việc cho bố mẹ. Những điều đó là rào cản vô hình, khiến công tác giáo dục càng gian nan hơn. Các thầy thấu hiểu được hạn chế và lo lắng của phụ huynh học sinh mà gắng động viên, thuyết phục họ cho con đến trường.

Theo thầy Ân, khó khăn lớn nhất của học sinh nơi đây là khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông đang còn hạn chế. Để các em đọc thông, viết thạo ngôn ngữ phổ thông cũng chính là nâng cao chất lượng học tập, các thầy thường tổ chức các trò chơi dân gian, những cuộc thi nhỏ, hay cho các em tiếp xúc với thiết bị công nghệ... đồng thời, động viên các em thường xuyên sử dụng tiếng phổ thông. Và cũng như bao thầy, cô giáo điểm trường lẻ khác, trên bục giảng thầy Ân là người thầy tâm huyết, bước xuống bục giảng thầy lại giữ vai trò người cha, người mẹ mà chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các em.

Đến nay, điểm trường Ón đã có nhiều thay đổi, trong đó thầy và trò đã được học tập trong ngôi trường khang trang hơn và đời sống vơi bớt khó khăn nhờ chương trình “Nuôi em Mường Lát”. Các em được ăn những bữa trưa dinh dưỡng tại trường trong cả năm học, được sự quan tâm của chính các thầy cô và mạnh thường quân qua những phần quà, công trình hỗ trợ phù hợp, giúp các em có một môi trường học tập tốt nhất.

Sự hy sinh thầm lặng của những “người đưa đò” như thầy Ngân Văn Ân, cô Lê Thị Sáu... và nhiều thầy, cô giáo khác nữa đã giúp những “mầm non” vùng cao vững bước trên con đường tới trường và thắp sáng tương lai của các em.

Bài và ảnh: Phong Vân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/tham-lang-nbsp-nhung-hy-sinh/28509.htm