Tham vọng đằng sau 'mối duyên' giữa Hải An và Viconship
Đầu tư vào doanh nghiệp đang tăng trưởng mạnh như Hải An là mảnh ghép quan trọng cho hệ sinh thái của Viconship nhưng cũng góp phần gia tăng áp lực nợ vay.

Hải An đang sở hữu đội tàu quy mô top 100 toàn thế giới. Ảnh: Hải An
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An đã bầu thành công hai thành viên mới vào HĐQT công ty, bao gồm ông Nguyễn Xuân Dũng và ông Tạ Công Thông.
Đáng chú ý, ông Dũng và ông Thông đều đang là lãnh đạo cấp cao của Công ty CP Container Việt Nam (Viconship), cổ đông sở hữu hơn 15,3% vốn của Hải An thông qua mua lại một lượng lớn cổ phiếu HAH trong các phiên giao dịch từ đầu năm đến nay.
Trong đó, ông Dũng hiện là Chủ tịch HĐQT Viconship kể từ tháng 4/2024, còn ông Thông là Tổng giám đốc Viconship kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Xanh VIP, công ty con của Viconship.
Sự hiện diện và gia tăng ảnh hưởng của Viconship đối với Hải An đang dần hình thành một liên minh chiến lược cảng biển – vận tải biển. Theo Chủ tịch HĐQT Hải An Vũ Thanh Hải, đây là mối quan hệ hợp tác dựa trên thế mạnh riêng của hai bên và đem lại lợi ích thiết thực.
Cụ thể, Viconship hiện đang là doanh nghiệp top 3 ngành cảng biển, sở hữu 4 cảng và đang khai thác khoảng 2km cầu cảng tại Hải Phòng.
Liên minh với một đơn vị chuyên khai thác cảng biển là chỗ dựa để Hải An thực hiện mục tiêu tham vọng là mở rộng thêm nhiều tuyến vận tải quốc tế như vận chuyển hàng sang Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đặc biệt, ngày 5/7 tới đây, Hải An sẽ trở thành hãng tàu đầu tiên triển khai dịch vụ tuyến vận tải TP.HCM – Hải Phòng – Liên Vân Cảng (Trung Quốc) với tần suất 2 tuần/chuyến.
“Hải An đang khai thác khoảng 6 chuyến/tuần. Sau khi mở rộng các tuyến quốc tế, Hải An có thể nâng lên 9 – 10 chuyến/tuần, do đó việc kết hợp với đơn vị sở hữu nhiều km cầu cảng như Viconship sẽ tạo ra sự cộng hưởng về hoạt động kinh doanh”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải cho biết thêm, Hải An và Viconship hiện đang có một số khách hàng chung đến từ Hàn Quốc. Hai công ty đã thỏa thuận với nhau để không có sự xung đột về giá, qua đó không gây ra rủi ro xung đột lợi ích.
Về phía Viconship, hệ sinh thái logistics doanh nghiệp này đang thiết lập sẽ có sự bổ trợ rất lớn đến từ Hải An – đơn vị sở hữu khoảng 67% tổng sức chở tàu container của cả nước, với 16 tàu container chuyên dụng, tổng sức chứa 26.500TEU.
Kể từ khi bắt đầu kinh doanh mảng khai thác tàu biển từ năm 2014, Hải An không ngừng mở rộng đội tàu. Tháng 2/2025, Hải An lọt vào top 100 hãng tàu biển có quy mô đội tàu lớn nhất trên thế giới, theo đánh giá của hãng dịch vụ vận tải biển Alphaliner đến từ Pháp.
Đội tàu lớn, chủ yếu tập trung khai thác tuyến nội địa và nội Á giúp Hải An tránh được nhiều sóng gió diễn ra trên thị trường vận tải biển toàn cầu. Nửa đầu năm 2025, công ty đạt doanh thu hơn 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 50%, lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Hải An đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2025 với doanh thu 4.556 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 865 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 33% so với năm 2024.
Tuy vậy, đối chiếu với kết quả kinh doanh nửa đầu năm, ban lãnh đạo Hải An đánh giá con số tăng trưởng vẫn còn “thận trọng” và cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh sau khi có kết quả kinh doanh quý III.
Phục vụ cho kế hoạch mở rộng tuyến vận tải biển quốc tế, Hải An đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng đội tàu. Tổng giám đốc Hải An Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, công ty sẽ đóng mới thêm 4 tàu container với sức chứa 3.000TEU trong năm nay, bên cạnh việc tìm mua 2 – 3 tàu cũ vào thời điểm thích hợp.
Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức nghiên cứu và xây dựng dự án đóng mới các loại tàu container có quy mô 7.000 – 9.000TEU. Đây là động thái chiến lược để Hải An bắt đầu khai thác những chuyến hải trình dài tới khu vực Địa Trung Hải hay bờ Tây nước Mỹ.
Song song với việc mở rộng đội tàu, Hải An cũng thanh lý các phương tiện vận chuyển tại cảng như xe nâng cũ, hỏng để đầu tư xe nâng mới, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào cảng biển khu vực Hải Phòng cũng như hạ tầng logistics tại khu vực miền Trung và miền Tây.
Tổng giám đốc Hải An cho biết, các kế hoạch đầu tư hạ tầng cảng biển sẽ giúp tối ưu chi phí vận hành đội tàu, qua đó nâng cao biên lợi nhuận.
Chiến lược bành trướng mạnh mẽ
Thâu tóm cổ phần Hải An không phải là khoản đầu tư duy nhất của Viconship. Ngay đầu tháng 7 vừa qua, Viconship vừa thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 65% phần vốn góp tại Công ty TNHH Harbour City để thực hiện dự án.
Theo đó,, dự án dự kiến thực hiện có vị trí tại Khu đô thị mới Ngã 5 sân bay Cát Bi thuộc TP.Hải Phòng; tổng diện tích khu đất thực hiện dự án là 6.000 m2.
Cùng lúc đó, Viconship cũng đã công bố Nghị quyết về thông qua việc huy động vốn từ Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), tổng giá trị vốn gốc huy động không vượt quá 900 tỷ đồng.
Đồng thời, thông qua việc sử dụng tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ (bao gồm toàn bộ số tiền gốc nêu trên, các khoản lãi, phí, phạt và các khoản phải trả khác) của Viconship với HDBank.
Trong đó, tài sản thuộc sở hữu của công ty; toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Harbour City; các tài sản khác thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT do Người đại diện theo pháp luật của công ty chủ động lựa chọn và toàn quyền quyết định dùng các tài sản thuộc sở hữu của công ty để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ với HDBank.
Thực tế, kể từ năm 2022, Viconship đã không ngừng gia tăng nợ vay và thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành, lấy vốn để thâu tóm các doanh nghiệp logistics như Hoàng Hồng Anh, Vinaship hay Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Kết quả, Viconship hình thành một hệ sinh thái vận tải biển tương đối hoàn chỉnh để đón sóng phục hồi và tăng trưởng của ngành. Công ty sở hữu 4 cảng biển lớn, công suất lên đến 2,6 triệu TEU/năm, chiếm 30% tổng công suất các cảng biển tại Hải Phòng.
Tuy nhiên, công suất khai thác cảng này có thể không còn là lợi thế lớn khi hàng loạt dự án cảng biển lớn đang được triển khai tại Hải Phòng, bổ sung thêm khoảng 5,1 triệu TEU công suất trong giai đoạn đến năm 2027.
Ban lãnh đạo Viconship cũng thừa nhận rủi ro về áp lực cạnh tranh trong ngành đang ngày càng gia tăng, trong bối cảnh tình trạng dư cung tại các cụm cảng Hải Phòng và Cái Mép – Thị Vải chưa có dấu hiệu giảm.
Ngoài ra, công ty đối diện rủi ro khi áp lực nợ vay gia tăng nhanh, tính đến hết tháng 3/2025 đã đạt hơn 2.115 tỷ đồng, tăng hơn 165 tỷ đồng so với đầu năm và tương đương với 41,3% tổng vốn chủ sở hữu. Đây là rủi ro lớn cho Viconship khi tỷ lệ nợ vay trung bình của ngành chỉ rơi vào khoảng 21%.
Không chỉ tăng cường M&A, Viconship còn dùng vốn để mở rộng sang hoạt động đầu tư tài chính, bao gồm chứng khoán kinh doanh.
Đến cuối năm 2024, Viconship nắm một số mã cổ phiếu lớn như GEX (Công ty CP Tập đoàn Gelex), EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam), PET (Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí) hay FCN (Công ty CP Fecon).
Công ty CP Chứng khoán An Bình đánh giá, đây tiếp tục là một rủi ro đáng quan ngại về việc gia tăng biên độ biến động lợi nhuận của Viconship.
Giải quyết một phần áp lực tài chính, nợ vay, Viconship đang có động thái tìm kiếm dòng tiền mới thông qua thoái vốn khỏi các khoản đầu tư.
Cụ thể, trong năm 2024, Viconship chính thức rút vốn khỏi dự án Khách sạn Hyatt Place tại Hải Phòng. Qua đó, công ty được đối tác là Tập đoàn T&D hoàn trả phần vốn góp hơn 823 tỷ đồng.
Năm 2025, Viconship lên kế hoạch bán hơn 6,3 triệu cổ phiếu Công ty CP Cảng Xanh VIP, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 74,35% xuống 64,35%. Giao dịch dự kiến thực hiện vào ngày 18/7 tới đây.