'Thần tốc' triển khai Nghị quyết về kinh tế tư nhân
Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân ngay tại Kỳ họp thứ Chín đang diễn ra. Quốc hội, với tâm thế luôn đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của mọi quyết sách, chắc chắn sẽ sát cánh cùng Chính phủ để khẩn trương đưa các chủ trương lớn của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống.
Vào giữa tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ, bàn việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Mục tiêu là trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ngay trong Kỳ họp này, nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của nền kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh thời gian gấp rút, nội dung phong phú, đòi hỏi yêu cầu cao, việc lựa chọn cách tiếp cận phù hợp và khả thi là yếu tố then chốt.
Thực tế, việc chuẩn bị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã được khởi động từ sớm. Đại diện Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong quá trình soạn thảo Nghị quyết số 68-NQ/TW, các đơn vị liên quan đồng thời soạn thảo Nghị quyết Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ với tinh thần thể chế hóa tối đa những nội dung có thể triển khai ngay.
Nhiều nội dung quan trọng đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như: phân định rõ trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự; quy định thanh tra doanh nghiệp không quá một lần trong năm; cho phép doanh nghiệp được tính gấp đôi chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu và được miễn tiền thuê nhà xưởng trong cùng khoảng thời gian. Dự thảo cũng bao gồm chính sách cho phép đặt hàng, chỉ định doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia… Trên cơ sở Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ nhanh chóng ban hành Chương trình hành động để triển khai đồng bộ.
Đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội và Chính phủ hành động “thần tốc” để cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng. Trước đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành vào cuối tháng 12/2024. Chỉ sau hai tháng, tại Kỳ họp bất thường thứ Chín, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này theo đề xuất của Chính phủ.
Lần này, với Nghị quyết số 68-NQ/TW, thời gian triển khai có thể sẽ còn được rút ngắn hơn nữa, nhờ sự chuẩn bị từ sớm, từ xa. Nhiều khả năng, đây sẽ là một trong những đợt thể chế hóa chính sách nhanh nhất từ trước đến nay, không chỉ về tốc độ mà còn cả về quy mô. Điều này cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của bộ máy: không thể để thể chế chậm chân trong cuộc đua phát triển.
Tốc độ không nhằm “ghi điểm” với cộng đồng doanh nghiệp, mà xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, khu vực tư nhân chính là động lực then chốt để Việt Nam vượt qua thách thức và phục hồi mạnh mẽ. Việc chậm trễ thể chế hóa hoặc ban hành chính sách rời rạc, thiếu đồng bộ sẽ làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và cản trở họ trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất, đổi mới sáng tạo.
Ngược lại, việc Nghị quyết số 68-NQ/TW được triển khai nhanh chóng, bài bản và đúng hướng sẽ củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào một môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, minh bạch và an toàn. Đó chính là nền tảng để khu vực kinh tế tư nhân dấn thân mạnh mẽ hơn, tự tin mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ và vươn ra toàn cầu, viết tiếp hành trình trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước.