Thanh âm giữa đại ngàn Trường Sơn - Kỳ 1: Thanh âm kể chuyện núi rừng

Giữa đại ngàn Trường Sơn, tiếng trống, chiêng rộn ràng, tiếng đàn réo rắt, tiếng sáo tre du dương và tiếng tù âm vang và uy nghiêm đánh thức giác quan, khắc sâu vào tâm hồn người nghe.

Một buổi sáng mờ sương, nghệ nhân trẻ A Đeng A Têng (dân tộc Pa Cô, trú tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) chậm rãi cầm chiếc tù và được làm từ sừng trâu, thổi một hơi dài. Âm thanh trầm ấm, vang xa ấy như phá tan sự yên lặng của núi rừng. Đó không chỉ là tiếng nhạc, mà còn là linh hồn của mảnh đất và con người nơi đây.

Dù chỉ là những thanh âm đơn thuần, các nhạc cụ như chiêng, khèn, tù và, xập xõa… đã đồng hành cùng bao thế hệ, từ những ngày lễ lớn nhỏ như lễ hội đâm trâu, A Riêu Ca, A Da Koonh… đến những phút giây đời thường. Tiếng nhạc khơi dậy lòng tự hào về cội nguồn và khắc sâu vào tâm trí người nghe về vẻ đẹp của núi rừng đại ngàn.

Khác với tù và, khèn bè lại mang một sắc thái riêng, mềm mại và tình cảm hơn. Với 14 ống sậy sắp xếp khéo léo, khèn bè phát ra những dải âm thanh đa tầng, vừa du dương vừa sống động. “Ngày còn nhỏ, tôi thường nghe cha mình thổi khèn. Âm thanh ấy giống như lời kể chuyện, như một sợi dây gắn kết chúng tôi với nhau và với mảnh đất này”, nghệ nhân trẻ A Têng nhớ lại.

Một nhạc cụ đặc trưng khác là Tingát, được chơi theo hai nhịp điệu chính: chậm và nhanh. Nhịp chậm thường vang lên trong các dịp lễ mừng lúa mới, cưới hỏi, mang lại sự trang trọng và gắn kết. Trong khi đó, nhịp nhanh, kết hợp cùng cồng chiêng, lại được sử dụng trong lễ cải táng A Riêu Piing, tạo nên không khí thiêng liêng, sâu lắng.

Ngày tôi trở lại A Lưới, nghệ nhân A Rel Đời (dân tộc Cơ Tu, trú tại thị trấn A Lưới) đang cùng nhóm thanh niên trong làng học cách chế tác và chơi các nhạc cụ truyền thống. Ông giới thiệu cho chúng tôi về những loại nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Cơ Tu.

Với mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của người đồng bào, ông Đời đã đồng hành cùng nhiều lớp truyền dạy để hướng dẫn các bạn trẻ học cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống. “Không chỉ để biểu diễn, dân nhạc còn là minh chứng cho bản sắc dân tộc. Chúng tôi mang nó đến các hội thi, hội diễn để giới thiệu đến nhiều người hơn”, ông Đời nói giọng đầy quyết tâm.

Những nhạc cụ như tù và, khèn bè hay xập xõa… còn được xem là di sản, là lời nhắc nhở về cội nguồn và là sợi dây kết nối giữa các thế hệ. Trong nhịp sống hiện đại, âm nhạc truyền thống của A Lưới vẫn vang lên như một cách để tri ân tổ tiên, giữ lấy hồn thiêng của đại ngàn.

Một buổi sáng sớm cuối đông, tiếng trống chiêng vang lên từ phía nhà Pa Cô, Làng Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới, xã Hồng Thượng. Âm thanh tươi vui, rộn ràng cả một vùng trời. Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư (dân tộc Pa Cô, thị trấn A Lưới) dẫn theo các bạn trẻ đến tham gia buổi tập múa. “Ngày mai là lễ hội A Da Koonh (lễ Tết cổ truyền của người Tà Ôi, Pa Cô) mình phải tập cho thật nhịp nhàng”, bà nhắc các bạn trẻ với ánh mắt đầy hy vọng.

Với đôi tay chai sạn nhưng khéo léo, bà Tư hướng dẫn từng động tác trong điệu múa “Aza” cho các bạn trẻ trong đội múa. Đối với đồng bào Pa Cô, Aza là điệu múa mừng năm mới, tạ ơn thần linh đã che chở cho dân làng khỏi ốm đau, điều không may mắn. Bà chỉnh sửa từng bước chân, từng nhịp tay, ánh mắt kiên nhẫn và đầy nhiệt huyết. “Phải cảm nhận nhịp điệu như hơi thở của đất trời, như tiếng gọi từ trái tim mình”, bà Tư nói.

Những cô gái, chàng trai chăm chú lắng nghe, thực hiện từng động tác mềm mại, uyển chuyển nhưng dứt khoát, mạnh khỏe. Không gian nhà truyền thống ngập tràn tiếng trống chiêng và những tiếng cười vui vẻ khi các bạn trẻ hào hứng tập luyện.

Theo nghệ nhân Lê Văn Trình (dân tộc Tà Ôi, thôn PaRis - KaVin, xã Lâm Đớt), những điệu múa của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô cũng mang nét nghệ thuật độc đáo, phản ánh đời sống tín ngưỡng sâu sắc. Trong đó, điệu múa “Za zả” hay điệu múa “Ri răm ân dựt” mang ý nghĩa tạ ơn đất trời và cầu mong mùa màng bội thu.

Những cô gái Tà Ôi, Pa Cô khoác lên mình bộ váy cườm sặc sỡ, từng động tác mềm mại, thể hiện sự gắn kết với thiên nhiên và thần linh. Còn những chàng trai sải bước mạnh mẽ, tay cầm khiên, giáo, biểu trưng cho tinh thần chiến binh kiên cường của dân tộc.

Ngoài ra, điệu múa Aadưn tờ rỉa (đón khách - đâm trâu) trong các lễ hội lớn như A Riêu Car, A Riêu Piing được coi biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Pa Cô. Họ múa quanh cây nêu trung tâm, biểu thị sự đoàn kết và lòng thành kính đối với tổ tiên. Nhịp điệu nhanh chậm được điều chỉnh hài hòa, tạo nên bầu không khí rộn ràng và linh thiêng, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự.

Khi nhìn thấy các bạn trẻ trình diễn lại các điệu múa cổ truyền tại lễ hội A Da Koonh, ông Hồ Đàm Giang, Chủ tịch UBND huyện A Lưới bày tỏ niềm tự hào: “Thấy các cháu, các em múa mà lòng mình vui mừng vì văn hóa dân tộc vẫn được duy trì và phát huy. Huyện sẽ tiếp tục triển khai nhiều lớp học truyền dạy văn hóa để những tinh hoa, giá trị tốt đẹp lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong đời sống hiện đại”.

Hình ảnh những người dân quây quần bên nhau, hòa quyện trong thanh âm núi rừng và những bước chân uyển chuyển, đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, của sự gắn bó với quê hương. Dù dòng chảy thời gian có đổi thay, những giá trị ấy vẫn sẽ mãi hiện diện, như một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào vùng cao xứ Huế.

Lễ hội A Da Koonh được tái hiện tại A Lưới với những thanh âm của núi rừng. Clip: Đức Hiếu

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Phú Lộc (trước đây là huyện Nam Đông), nghệ nhân Hồ Văn Càng (dân tộc Cơ Tu) ngồi bên cây đàn Abel, tỉ mỉ chỉnh từng sợi dây. Đôi bàn tay chai sạn lướt nhẹ, tạo nên những thanh âm lúc trầm lúc bổng, vang vọng khắp buôn làng.

Ông Càng chậm rãi kể về cây đàn Abel - một nhạc cụ gắn bó mật thiết với người Cơ Tu: "Ngày xưa, trai gái trong làng dùng đàn này để gửi gắm tình cảm. Họ không cần nói bằng lời, chỉ cần những giai điệu vang lên cũng đủ để hiểu lòng nhau. Không ít đôi lứa đã nên duyên từ những thanh âm mộc mạc ấy".

Người Cơ Tu còn sở hữu nhiều nhạc cụ truyền thống như trống, chiêng, đàn bầu A Lui hay Tầm brek, mỗi loại đều gắn với những câu chuyện riêng. Nhớ về những ngày hội xưa, ông Càng xúc động: “Lúc ấy, cả làng náo nhiệt trong tiếng trống, chiêng. Đó là dịp mà chúng tôi kết nối với nhau, kết nối với đấng thần linh và tổ tiên”.

Không chỉ có nhạc cụ, những giai điệu dân ca cũng là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Cơ Tu. Mỗi điệu hát của người Cơ Tu đều mang sắc thái và mục đích riêng, phản ánh những khía cạnh khác nhau trong đời sống cộng đồng. Già làng Vường Văn Cưa (thôn Dỗi, xã Thượng Lộ) vẫn còn nhớ rõ những giai điệu Zum Kây mà mẹ và bà ngoại từng hát bên bếp lửa khi ông còn nhỏ. Lời ca mộc mạc, chan chứa những câu chuyện về cuộc sống, thiên nhiên và tình yêu đôi lứa.

"Những bài hát xưa đang dần thưa vắng và cũng không còn nhiều người biết hát Zum Kây cổ. Nếu không truyền dạy lại cho con cháu, e rằng một ngày nào đó, những giai điệu này sẽ chìm vào quên lãng", già Cưa trầm ngâm.

Ngoài ra, dân ca Cha chấp là điệu hát giao duyên, thường được các nam nữ thanh niên hát đối đáp, gửi gắm tình cảm, có lúc là những lời nhắn nhủ chân tình, khi lại là những câu đố duyên dáng để thử thách sự nhanh trí của người đối diện. Cha Chấp thể hiện sự hồn nhiên, phóng khoáng của người Cơ Tu, nơi tiếng hát trở thành nhịp cầu nối những trái tim đồng điệu.

Khác với Cha Chấp, Calơi và Babói thuộc thể hát tự sự, thường được người lớn tuổi sử dụng để giãi bày tâm tư, hoài niệm về quá khứ. Nếu Babói thiên về sự sâu lắng, mang đậm tính chiêm nghiệm, thì Calơi được dùng phổ biến hơn trong giao tiếp hằng ngày, từ giáo dục con cái, khuyên răn đến các dịp vui chơi, hội hè.

Theo nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong, các hoạt động dân ca, dân nhạc, dân vũ là một loại hình không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, với loại hình phong phú, về không gian, thời gian, điều kiện và đối tượng cụ thể. Có thể nói rằng, cuộc sống của người dân vùng cao gắn chặt với cái nương, cái rẫy, tình cảm họ gắn bó với những mùa rẫy và lớn dần theo năm tháng, cùng lời ru của mẹ trên nương, lời hát của cha trên rẫy. Khi mà điều kiện cuộc sống buộc con người phải phụ thuộc vào các nguồn lợi từ tự nhiên để có cái ăn, cái mặc, thì các hình thực diễn xướng của văn hóa dân gian chính là cách để người dân bản địa thể hiện những điều nguyện cầu, mong ước mùa màng bội thu với tổ tiên, với các đấng siêu nhiên trong mỗi kỳ lễ hội.

 Kỳ 2: Khi văn hóa trở thành cầu nối du lịch

Kỳ 2: Khi văn hóa trở thành cầu nối du lịch

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/e-magazine/thanh-am-giua-dai-ngan-truong-son-ky-1-thanh-am-ke-chuyen-nui-rung-151886.html