Thanh Hóa 'bật đèn xanh' cho dự án 1.300 tỷ hồi sinh sau 12 năm dang dở

Sau hơn một thập kỷ đình trệ, dự án Nhà máy sản xuất phân lân nung chảy và phân bón NPK Văn Điển tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn đang đứng trước cơ hội tái khởi động, mở ra kỳ vọng mới cho phát triển công nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Nhà máy sản xuất phân lân nung chảy và phân bón NPK Văn Điển tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn.

Nhà máy sản xuất phân lân nung chảy và phân bón NPK Văn Điển tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn.

Ra đời từ năm 2013 với tổng vốn đầu tư lên đến 1.370 tỷ đồng, dự án Nhà máy sản xuất phân lân nung chảy và phân bón NPK Văn Điển được kỳ vọng trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngay từ tháng 1/2013, nhà máy có công suất thiết kế 500.000 tấn phân lân nung chảy và 200.000 tấn phân bón NPK mỗi năm, trên diện tích 25 ha tại Lô CN7 – Khu B, Khu công nghiệp Bỉm Sơn.

Tuy nhiên, dự án đã không thể khởi công như kế hoạch ban đầu vào năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc Công ty HUD4 – đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp – chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật.

Khi những điều kiện pháp lý cần thiết được tháo gỡ, thì phía chủ đầu tư – Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển – lại gặp khó khăn về tài chính và phát sinh bất đồng trong hợp đồng thuê đất. Hệ quả là đến tháng 5/2023, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp buộc phải chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp.

Mới đây, Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển đã có văn bản gửi cơ quan chức năng, đề xuất tiếp tục thuê lại đất tại Lô CN7 để khởi động lại dự án từng dang dở.

Trước đề nghị này, tháng 4/2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát đi Thông báo số 38/TB-UBND, tạo điều kiện để hai bên – Công ty Văn Điển và Công ty HUD4 – chủ động ngồi lại với nhau. Tỉnh nhấn mạnh tinh thần hợp tác "bình đẳng, tự nguyện, đôi bên cùng có lợi", đồng thời yêu cầu tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, đảm bảo tránh thất thoát ngân sách và lãng phí đất đai.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cũng được giao phối hợp cùng các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục pháp lý để dự án sớm được triển khai.

Sau 12 năm với nhiều thăng trầm, dự án hơn 1.300 tỷ đồng giờ đây đã có cơ hội mới để tái sinh. Nếu thành công, nhà máy sẽ không chỉ mang lại nguồn cung phân bón chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững cho khu vực Bỉm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung.

Thiên Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-bat-den-xanh-cho-du-an-1-300-ty-hoi-sinh-sau-12-nam-dang-do.htm