Thảo luận tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An Gỡ vướng cho chính quyền cơ sở sau sáp nhập

Tại Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Nghệ An, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận về những giải pháp gỡ khó cho chính quyền cơ sở sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, để đưa mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vận hành ổn định, hiệu quả, phục vụ người dân tốt nhất.

Ưu tiên đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc

Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND xã Tiên Đồng Lê Thị Thêu cho biết: hiện xã đang thiếu tới 16 công chức so với định biên; trong khi đó, khối lượng công việc ngày càng lớn, yêu cầu quản lý đa dạng. Do đó, kiến nghị tỉnh cần khẩn trương rà soát, điều động cán bộ từ các xã đang thừa sang những xã đang thiếu để bảo đảm hoạt động bộ máy thông suốt.

Một bất cập khác được đại biểu chỉ ra là hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị phục vụ công tác hành chính còn rất hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phục vụ người dân. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị tỉnh sớm điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng trung tâm hành chính xã mới khang trang…

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: T. Duy

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: T. Duy

Chủ tịch HĐND xã Tân Kỳ Lê Văn Ngọc phản ánh: năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, trong khi việc phân cấp từ huyện xuống xã ngày càng nhiều, đòi hỏi chuyên môn vững vàng… Do đó, kiến nghị tỉnh cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, nhất là về công nghệ thông tin, tài chính, đất đai. Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống tương tác trực tuyến giữa xã với tỉnh để xử lý công việc kịp thời.

Chủ tịch HĐND xã Hợp Minh Vũ Tuấn Dũng chia sẻ: nhiều xã đang phải làm việc tạm thời ở nhiều địa điểm rải rác, gây bất tiện cho người dân đến liên hệ và làm giảm hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Do đó, đề nghị trước mắt cần ưu tiên đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho cán bộ xã; về lâu dài, cần có quy hoạch tổng thể, cơ chế hỗ trợ xây dựng trung tâm hành chính “một đầu mối” phục vụ người dân và doanh nghiệp thuận tiện, chuyên nghiệp hơn.

Ưu tiên đầu tư các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa

Bên cạnh khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh việc cần hoàn thiện cơ chế phân bổ nguồn lực, chính sách tài chính và định hướng sử dụng tài sản công. Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh đề xuất HĐND cấp xã cần được cấp tài khoản riêng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đúng quy định; đồng thời, sớm ban hành bộ tiêu chí cụ thể làm cơ sở phân chia nguồn thu, xác định nhiệm vụ chi, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh các xã cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy hệ thống chính trị, gồm cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc. UBND tỉnh cũng cần có kế hoạch tập huấn toàn diện, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phát huy hiệu quả.

Còn đại biểu Trần Khánh Linh thì nhìn nhận mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã phát huy ưu điểm giảm đầu mối trung gian, thuận tiện phối hợp chỉ đạo… Tuy nhiên, để vận hành ổn định, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tài chính, bố trí nhân lực, đầu tư hệ thống hội nghị trực tuyến, bảo đảm công việc thông suốt.

Đại biểu Dương Đình Chỉnh thẳng thắn chỉ ra: sau sáp nhập xã, nhiều nơi lúng túng khi thực hiện chức năng mới, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, đất đai. Do đó, đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh cần chủ động rà soát, hướng dẫn cụ thể, tổ chức tập huấn để bảo đảm “sợi dây” phối hợp xuyên suốt từ tỉnh xuống xã; đồng thời, cần có chỉ đạo rõ ràng về bố trí, sử dụng cơ sở y tế sau sáp nhập, tránh lãng phí hoặc chồng chéo; kịp thời tuyển dụng giáo viên còn thiếu.

Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là chính sách cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đại biểu Trần Phan Long và Nguyễn Thị Hương đề nghị rà soát, sắp xếp, bố trí phù hợp, tránh lãng phí nguồn nhân lực sau sáp nhập… Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Công Văn đề nghị tỉnh quan tâm, giải quyết chế độ cho hội viên Hội Cựu chiến binh cấp xã nghỉ công tác sau khi tinh gọn bộ máy. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vi Ngọc Quỳnh cho biết: Chính phủ đã ban hành quy định giải quyết theo 4 phương án: tiếp tục bố trí tạm thời, sắp xếp về thôn, xóm; tuyển dụng vào công chức nếu đủ điều kiện; hoặc nghỉ hưởng chế độ chính sách.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng thông tin thêm: thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ, điều chỉnh hợp lý nơi thừa, nơi thiếu, đồng thời đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn... Về nguồn lực, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết sẽ phân bổ hợp lý, ưu tiên các xã sáp nhập, xã miền núi. Theo đó, mỗi xã giảm bớt được hỗ trợ 500 triệu đồng, các nguồn tăng thêm sẽ được cân nhắc bố trí theo thứ tự ưu tiên.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quý Linh thẳng thắn: bộ máy chính quyền 2 cấp đang vận hành theo kiểu “vừa chạy, vừa xếp hàng”. “Sở đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp các đơn vị viễn thông cử cán bộ túc trực 24/24 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ xã”, ông Linh cho biết.

Tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Phú Hiền khẳng định: từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, ưu tiên đầu tư các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vào hoạt động ổn định, hiệu quả, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Thực tế trên cho thấy: để chính quyền cơ sở sau sáp nhập vận hành hiệu quả, yêu cầu đặt ra không chỉ là sắp xếp con người, cơ sở vật chất mà còn cần sự đồng bộ về cơ chế, chính sách tài chính và đào tạo… Do đó, việc lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu HĐND các cấp. Từ đó, có giải pháp kịp thời, phù hợp với thực tiễn tháo gỡ từng "nút thắt" để chính quyền cơ sở hoạt động ổn định, từng bước phát huy hiệu quả.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thao-luan-tai-ky-hop-thu-31-hdnd-tinh-nghe-an-go-vuong-cho-chinh-quyen-co-so-sau-sap-nhap-10379355.html