THẢO LUẬN TỔ 1: THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ, ĐẢM BẢO THIẾT THỰC, BỀN VỮNG

Chiều 25/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, thảo luận tại Tổ 1, các đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội tán thành sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời, một số ý kiến đề nghị, cần thay đổi phương thức hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo thiết thực, bền vững…

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương cùng tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, do đó việc điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đồng tình với cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Chương trình được phê duyệt từ khóa XIV nhưng thực tế triển khai rất chậm và có nhiều vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ.

Chia sẻ từ thực tiễn hoạt động, đại biểu cho biết, cần xem xét, nghiên cứu lại cách thức hỗ trợ hiện nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đại biểu, để hiệu quả cần thay đổi phương thức/cách thức hỗ trợ, chuyển thành các chương trình đầu tư để đồng bào chuyển đổi cơ cấu sản xuất. “Hỗ trợ đồng bào dân tộc có nguồn sinh kế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Thay đổi chiến lược đầu tư cho đồng bào thành đầu tư hỗ trợ bền vững, chuyển đổi và phát triển tiềm năng hiện nay tại các vùng, địa phương,…”, đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cần nghiên cứu hỗ trợ, đầu tư xây dựng các trường nội trú, bán trú tại vùng cao, vùng khó khăn để tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo cho học sinh vùng cao được tới trường, từ đó giúp thay đổi được tư duy, nhận thức.

Đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Góp ý về nội dung đề nghị điều chỉnh, đại biểu Lê Nhật Thành tán thành với quan điểm cơ quan thẩm tra cho rằng, thực tế qua giám sát, không có vướng mắc trong quá trình thực hiện và các Nghị quyết của Quốc hội đã giao, ghi rõ vốn đầu tư và vốn sự nghiệp cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đủ cơ sở pháp lý. Do đó, nội dung đề nghị Quốc hội điều chỉnh, bổ sung là: “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành” sẽ được điều chỉnh cụ thể cho giai đoạn sau (2026-2030) trên cơ sở xem xét báo cáo tổng kết Chương trình giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ vào cuối năm 2025.

Đối với đề xuất điều chỉnh phạm vi đầu tư, các nội dung đề xuất đầu tư không thuộc phạm vi được quy định trong Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phần lớn xuất phát từ việc xác định địa bàn vùng DTTS&MN tại các Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 và Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 về phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển của Chính phủ. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Chương trình trong bối cảnh thời gian thực hiện còn rất ít, thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình DTTS&MN như đề xuất của Chính phủ, để bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho việc thực hiện. Việc điều chỉnh bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư và mục tiêu chương trình theo Nghị quyết 120/2020/QH14 và không vượt quá tổng mức vốn của Chương trình đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025.

Các vị đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tại phiên họp

Các vị đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tại phiên họp

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Việt Anh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, tán thành nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần bổ sung Danh mục vào Hồ sơ trình, đảm bảo nội dung Danh mục nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. "Đây là yêu cầu tại Điều 29, Luật Đầu tư công; đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình theo dõi, đánh giá sau này khi triển khai Chương trình", đại biểu Trần Việt Anh nêu rõ.

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87071