Mở lối hợp tác công tư trong khoa học, công nghệ

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hợp tác công tư (PPP) trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang được xây dựng với kỳ vọng sẽ hình thành một hành lang pháp lý riêng, có tính đặc thù và đột phá, phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội cho những lĩnh vực chiến lược.

Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách PPP trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách PPP trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ảnh minh họa

Xây dựng hành lang pháp lý riêng cho mô hình PPP

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, PPP không chỉ là nhu cầu thực tiễn mà còn là động lực tất yếu để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, việc triển khai PPP trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý riêng, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này.

Vì vậy, Dự thảo lần này đặt mục tiêu xây dựng cơ chế pháp lý có tính đặc thù, thậm chí chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn để khuyến khích đầu tư. Cụ thể, Dự thảo đề xuất áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lên tới 70% tổng mức đầu tư để hỗ trợ xây dựng công trình, chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và cả hạng mục công trình tạm.

Đáng chú ý, cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu được đề xuất ở mức cao, cho phép Nhà nước chia sẻ tới 100% phần chênh lệch giảm doanh thu nếu kết quả thực tế thấp hơn phương án tài chính đã duyệt, theo quy định của Luật PPP. Trong trường hợp doanh thu thực tế giảm dưới 50% so với dự kiến, nhà đầu tư có thể đề xuất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Một điểm nổi bật khác là các dự án PPP có hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ được áp dụng các quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, nhà đầu tư được miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả kinh phí từ ngân sách nhà nước nếu kết quả nghiên cứu không đạt, miễn là đã tuân thủ đầy đủ quy trình chuyên môn.

Việc xây dựng Dự thảo Nghị định không cầu toàn quá mức nhưng cũng không nóng vội, các quy định đảm bảo tính khả thi để sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Để khai thác hiệu quả tiềm lực sẵn có, Dự thảo cũng khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp nhà nước sử dụng tài sản công, bao gồm cả dữ liệu, để liên doanh, liên kết nghiên cứu phát triển công nghệ chiến lược, đào tạo nhân lực và thương mại hóa sản phẩm. Đồng thời, kết quả của các nhiệm vụ khoa học công nghệ cũng được phép sử dụng để tham gia hợp tác và hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ) - kiến nghị đưa mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm có vốn Nhà nước và tư nhân cùng tham gia, nhưng Nhà nước không giữ cổ phần chi phối, vào Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để đảm bảo sự vận hành độc lập, hiệu quả.

Giám đốc Tập đoàn BKAV Nguyễn Tử Quảng đề xuất mô hình quỹ vận hành phi lợi nhuận, theo kinh nghiệm của Trung Quốc. Vingroup kiến nghị lựa chọn dự án đầu tư theo tiêu chí minh bạch, khuyến khích quỹ tư nhân cùng tham gia. Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh sự cần thiết của một chương riêng quy định về mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo theo hình thức đầu tư công, quản trị tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và địa phương để hoàn thiện Dự thảo. “Chính sách chỉ thực sự có ý nghĩa khi doanh nghiệp tin tưởng, sẵn sàng tham gia, có dự án cụ thể và mang lại kết quả rõ ràng. Nếu không, đó sẽ là sự lãng phí lớn về nguồn lực, kỳ vọng và niềm tin”, ông nhấn mạnh.

Đa dạng hình thức hợp tác công tư

Theo ông Phạm Thi Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính), Dự thảo Nghị định tạo hành lang pháp lý cho ba nhóm hợp tác chính: (1) PPP theo Luật PPP hiện hành, dành cho các dự án quy mô lớn, dài hạn; (2) liên doanh sử dụng tài sản công giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp; (3) hợp tác không hình thành dự án đầu tư như tài trợ nghiên cứu hoặc hợp tác ba bên giữa Nhà nước - viện nghiên cứu - doanh nghiệp.

Một điểm mới đáng chú ý là Dự thảo cho phép dự án PPP trong lĩnh vực này được nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia lên tối đa 70%, áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu trong ba năm đầu vận hành, thậm chí cho phép nhà đầu tư yêu cầu chấm dứt hợp đồng nếu doanh thu thực tế giảm sâu. Nhà đầu tư cũng được hưởng ưu đãi thuế theo quy định hiện hành, đồng thời khuyến khích huy động vốn từ các quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ nghiên cứu của doanh nghiệp… nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Về cơ sở dữ liệu, Dự thảo đẩy mạnh cơ chế chia sẻ và truy cập dữ liệu phục vụ nghiên cứu, đặc biệt miễn phí cho các dự án khoa học, phi lợi nhuận. Thủ tục hành chính được cải cách đáng kể: thời gian thẩm định, phê duyệt giảm mạnh; phân cấp tối đa cho địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và các đơn vị sự nghiệp công lập. Ví dụ, thời gian phê duyệt liên kết sử dụng tài sản công giảm từ 30 ngày xuống còn 15 ngày, thời gian thẩm định một số thủ tục PPP rút ngắn từ 14 ngày xuống 7 ngày.

Bên cạnh đó, các quy định về quản lý tài sản công cũng được tháo gỡ đáng kể. Theo đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự xác định giá trị tài sản; quy trình phê duyệt đề án liên doanh, liên kết được đơn giản hóa. Chính sách miễn, giảm nghĩa vụ tài chính với tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp nhà nước cũng được đưa vào Dự thảo, nhằm khuyến khích tham gia các dự án nghiên cứu công nghệ chiến lược và đào tạo nhân lực.

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng được mở rộng, cho phép áp dụng hình thức chỉ định trong các dự án đảm bảo an ninh - quốc phòng, bên cạnh các hình thức như đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh hoặc lựa chọn đặc biệt. Đối với dự án do nhà đầu tư tự đề xuất, quy trình được rút gọn đáng kể: chỉ cần nộp hồ sơ để thẩm định, sau đó phê duyệt và tiến hành ký kết hợp đồng.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là những cơ chế được trông đợi từ lâu, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc sử dụng tài sản công của viện nghiên cứu, trường đại học - những vướng mắc lớn trong chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương khẳng định: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng hành lang pháp lý riêng cho hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bộ Tài chính sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, viện nghiên cứu để tháo gỡ từng vướng mắc, từng bước triển khai hiệu quả trong thực tiễn”./.

MINH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/mo-loi-hop-tac-cong-tu-trong-khoa-hoc-cong-nghe-41512.html