Theo Thông tư 29, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có được phép dạy thêm?
Với các quy định hiện hành, người viết không tìm thấy quy định nào cấm hay hạn chế quyền dạy thêm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Trong bài viết xin được làm rõ nội dung theo Thông tư 29, Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có được dạy thêm trong và ngoài nhà trường hay không?
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có được phép dạy thêm theo Thông tư 29 không?
Tại Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm
1. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
2. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
3. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Luật Viên chức là viên chức quản lý, giáo viên là viên chức, với các quy định tại Điều 4 trên không có khoản nào cấm hay quy định hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được dạy thêm.
Bên cạnh đó, với các quy định khác tại Điều 5 dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Điều 6 dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của Thông tư 29 đều không có quy định nào không cho phép hiệu trưởng, hiệu phó dạy thêm kể cả trong nhà trường và ngoài nhà trường.
Bởi vì theo tìm hiểu của người viết, tuy hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, nhưng vẫn xếp lương ngạch giáo viên có mã số V.07… và vẫn có đứng lớp giảng dạy một số tiết theo quy định.
Do đó, với các quy định hiện hành, người viết không tìm thấy quy định nào cấm hay hạn chế quyền dạy thêm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo ai?
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 6 quy định về dạy thêm ngoài nhà trườngphải báo cáo như sau:
“3. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).”
Theo khoản 3 này phó hiệu trưởng dạy thêm thì cũng giống giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng về các nội dung quy định trên.
Tuy nhiên, nếu hiệu trưởng dạy thêm thì báo cáo cho ai chưa được quy định cụ thể.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dùng thời gian nào để dạy thêm?
Theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP có nêu rõ khái niệm viên chức quản lý như sau:
Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.
Qua đó, có thể thấy từ 1/7/2020, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung 2019 đã có hiệu lực và Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường công lập không còn là công chức mà được coi là viên chức quản lý.
Theo các văn bản pháp luật hiện hành, viên chức hiện nay (kể cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) phổ thông đều xếp ngạch viên chức theo hạng I, II, III có mã số V.07….
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, hưởng phụ cấp chức vụ nên thời gian làm việc hiện nay là 40 giờ/tuần.
Do đó, theo quy định đã thực hiện nhiệm vụ 40 giờ/tuần, nên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng muốn dạy thêm thì không được dạy trong giờ hành chính, nếu dạy thêm thu tiền trong giờ làm việc là không đúng quy định.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người quản lý, phân công dạy thêm,…nên nếu dạy thêm cũng khó khách quan, dễ gây mất đoàn kết.
Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn làm rõ quy định hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có dạy thêm thu tiền hay không? Nếu được thì dạy thêm thời gian nào để đúng quy định và không trái với quy định về thời gian làm việc.