Thị trường PE Việt Nam 2025: Kỳ vọng định giá tăng vọt, dòng tiền hướng về Y tế, Công nghệ sau năm 2024 'ảm đạm'?

Sau một năm 2024 tương đối trầm lắng về giá trị giao dịch, thị trường đầu tư tư nhân (Private Equity - PE) Việt Nam được dự báo sẽ lạc quan trở lại trong năm 2025. Các quỹ đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch từ chiến lược 'phòng thủ' sang 'tấn công', tập trung vào tăng trưởng, đổi mới và công nghệ số, theo Báo cáo khảo sát thị trường đầu tư tư nhân Việt Nam 2025 của Grant Thornton.

Năm 2024 chưa đạt về giá trị, kỳ vọng Q1/2025 và các thương vụ công nghệ lớn

Nhìn lại giai đoạn 2023-2024, bức tranh thị trường PE có sự tương phản rõ rệt. Năm 2023 chứng kiến tổng giá trị giao dịch PE tại Việt Nam đạt đỉnh 5 năm với con số ấn tượng 2,582 tỷ USD, theo dữ liệu từ S&P Capital IQ và GT tổng hợp. Động lực chính đến từ các "bom tấn" như Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi gần 1.5 tỷ USD mua 15% cổ phần VPBank, Thomson Medical Group rót 400 triệu USD vào Far East Medical Vietnam, Bain Capital đầu tư 250 triệu USD vào Masan Group, hay KKR rót 120 triệu USD vào EQuest Group.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thị trường lại thiếu vắng những thương vụ quy mô lớn tương tự. Mặc dù số lượng thương vụ chỉ giảm nhẹ từ 43 xuống 31 thương vụ, tổng giá trị giao dịch được công bố đã "bốc hơi" mạnh mẽ, chỉ còn 326 triệu USD. Sự sụt giảm này cũng diễn ra trong bối cảnh chung của khu vực ASEAN 5, nơi cả số lượng và giá trị giao dịch PE đều có xu hướng giảm từ năm 2022 đến 2024.

Xét theo quý trong năm 2024, hoạt động giao dịch diễn ra khá đều đặn với trung bình 7-9 thương vụ/quý. Một số khoản đầu tư đáng chú ý gồm Warburg Pincus vào Bệnh viện Xuyên Á hay CDH Investments vào chuỗi Bách Hóa Xanh.

Tín hiệu tích cực hơn đã xuất hiện trong quý đầu tiên của năm 2025. Dù chỉ ghi nhận 5 thương vụ (giảm so với 9 thương vụ quý 1/2024), tổng giá trị lại đạt 76 triệu USD, cao hơn đáng kể so với mức 12 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy giá trị trung bình mỗi thương vụ đang tăng lên, phản ánh niềm tin dần hồi phục của giới đầu tư.

Đặc biệt, đang có những dấu hiệu về sự dịch chuyển trong khẩu vị đầu tư công nghệ, hướng tới các thương vụ quy mô lớn hơn. Ví dụ điển hình là startup nông nghiệp công nghệ (agritech) Techcoop huy động thành công 70 triệu USD vòng Series A vào tháng 2/2025. Thành công này cho thấy các nhà đầu tư đang "mạnh tay" hơn với các công ty công nghệ tiềm năng, báo hiệu một năm 2025 có thể chứng kiến nhiều khoản đầu tư lớn hơn khi các công ty công nghệ Việt Nam ngày càng trưởng thành.

Nhà đầu tư lạc quan về định giá, tiềm năng ngành và kinh tế là yếu tố chủ đạo

Sau giai đoạn định giá bị nén xuống trong năm 2023 trên toàn cầu, thị trường PE thế giới đã dần ổn định trong năm 2024. Dù chưa có số liệu cụ thể cho Việt Nam, xu hướng chung cho thấy thị trường trong nước cũng không tránh khỏi làn sóng suy giảm định giá này.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cho năm 2025 lại có sự "đảo chiều ngoạn mục". Khảo sát của Grant Thornton cho thấy có đến 94% người tham gia kỳ vọng hệ số định giá sẽ tăng trong năm nay, trái ngược hoàn toàn với năm trước khi 58% dự đoán định giá giảm. Sự lạc quan này cho thấy niềm tin rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua, và nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự cải thiện của vĩ mô, giao dịch sôi động hơn và dòng vốn mới.

Vậy yếu tố nào đang định hình kỳ vọng này? Kết quả khảo sát chỉ rõ Tiềm năng tăng trưởng của từng ngành (21%)Tăng trưởng kinh tế chung (18%) là hai động lực lớn nhất. Điều này phản ánh niềm tin vào sức tăng trưởng dài hạn của kinh tế Việt Nam và các ngành trụ cột.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với Những bất ổn kinh tế toàn cầu (14%)Lãi suất cùng xu hướng lạm phát (12%). Các yếu tố bên ngoài như lạm phát, lãi suất cao hay nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn có thể tác động đến tâm lý thị trường. Bên cạnh đó, yếu tố địa chính trị, như chính sách thương mại của Mỹ, cũng là một biến số cần theo dõi.

Một điểm đáng chú ý là yếu tố Tuân thủ và thu hút đầu tư theo ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị)Các quy định, chính sách thuế chỉ chiếm tỷ lệ quan tâm lần lượt là 5%. Con số này cho thấy các tiêu chí ESG, vốn đang là xu hướng mạnh mẽ trên toàn cầu, dường như chưa phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư PE tại thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Y tế, Công nghệ, Giáo dục – nhóm ngành hút vốn PE năm 2025

Khi được hỏi về các ngành hấp dẫn nhất trong 12 tháng tới, các nhà đầu tư PE đã chỉ ra top 3 rõ ràng:

Y tế và Dược phẩm (22%): Dẫn đầu danh sách, được thúc đẩy bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, đặc biệt từ tầng lớp trung lưu đang phát triển, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ hơn của nhà nước vào hạ tầng y tế.

Công nghệ (16%): Tiếp tục là "thỏi nam châm" hút vốn nhờ quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, hệ sinh thái startup năng động và sự ứng dụng ngày càng sâu rộng của AI, Fintech, điện toán đám mây.

Giáo dục (11%): Hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với giáo dục tư nhân chất lượng cao, các nền tảng học tập trực tuyến (EdTech) và đào tạo nghề trong bối cảnh Việt Nam chú trọng nâng cao kỹ năng lao động.

Ngoài ra, Vận tải và Logistics (10%) cũng duy trì sức hút lớn, phản ánh vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam và nhu cầu cấp thiết về chuỗi cung ứng hiệu quả. Các khoản đầu tư vào logistics thông minh, giao hàng chặng cuối và chuỗi cung ứng lạnh được dự báo sẽ tăng trưởng. Các lĩnh vực khác như Fintech (7%), Bất động sản (5%), Thực phẩm và dịch vụ ăn uống (4%) cũng nằm trong tầm ngắm của các quỹ đầu tư.

Nhìn chung, thị trường PE Việt Nam đang bước vào năm 2025 với tâm thế lạc quan hơn, dù vẫn còn đó những thách thức từ môi trường kinh tế toàn cầu. Sự chuyển dịch chiến lược đầu tư và dòng vốn chảy vào các ngành trọng điểm như Y tế, Công nghệ, Giáo dục hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực mới cho thị trường trong thời gian tới.

Đồng Y

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/thi-truong-pe-viet-nam-2025-ky-vong-dinh-gia-tang-vot-dong-tien-huong-ve-y-te-cong-nghe-sau-nam-2024-am-dam-82030.html