Thị trường rạp phim Việt Nam trong tay doanh nghiệp ngoại

Thị trường rạp chiếu phim tại Việt Nam phần lớn đang nằm trong tay 2 'ông lớn' Hàn Quốc là CGV và Lotte Cinema.

 CGV nắm 45% thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

CGV nắm 45% thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

Aeon Entertainment, nhà điều hành rạp chiếu phim Nhật Bản, đang có kế hoạch khai trương rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam trong năm nay và đầu tư 134-200 triệu USD đến năm 2035 để mở rộng các rạp/cụm rạp chiếu phim.

Doanh nghiệp này dự kiến vào Việt Nam thông qua liên doanh với Beta Media của ông Bùi Quang Minh (Shark Minh Beta).

Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên mà Aeon Entertainment mở rộng hoạt động kinh doanh. Công ty nhận thấy tiềm năng phát triển ở quốc gia có dân số trên 100 triệu người nhưng số lượng rạp chiếu phim còn hạn chế.

Thực tế, Việt Nam vốn đã là mảnh đất màu mỡ cho các "ông lớn" rạp phim Hàn Quốc như CGV hay Lotte Cinema.

CGV và Lotte Cinema: Kẻ lời, người lỗ

Tại Việt Nam, theo ước tính, CGV hiện vẫn là nhà rạp thống lĩnh thị trường chiếu phim với 45% thị phần thông qua 83 cụm rạp, tiếp đến là Lotte Cinema chiếm 26% thị phần với 50 cụm rạp trên cả nước; Galaxy Cinema chiếm vị trí thứ 3 với khoảng 10%.

Các chuỗi rạp phim nhỏ hơn bao gồm Beta Cinema ước tính năm 8% thị phần; CineStar BHD năm 5,5%; phần còn lại dành cho CineStar, Mega GS và các chuỗi rạp phim thuộc Nhà nước quản lý và vận hành.

Theo thống kê của Box Office Vietnam, cả nước hiện có khoảng 1.200 phòng chiếu và 212 cụm rạp. Trong đó, CGV dẫn đầu với 83 cụm rạp và 478 phòng chiếu.

Năm vừa qua, thị trường Việt Nam đem về cho CGV 207 tỷ won (khoảng 159 triệu USD), tăng 12% so với năm 2023. Lợi nhuận hoạt động của nhà rạp tới từ Hàn Quốc cũng tăng mạnh 89% lên 26,3 tỷ won (20 triệu USD) nhờ tối ưu chi phí cố định và nhân sự.

Theo lý giải từ CJ CGV, sự thành công của các bộ phim nội địa do hãng đầu tư và phát hành đã mang lại nguồn thu lớn. Ngoài ra, các bộ phim hoạt hình Nhật Bản cũng đóng góp đáng kể vào doanh thu rạp chiếu.

Với Lotte Cinema, sau gần 15 năm gia nhập thị trường, "ông lớn" Hàn Quốc đang sở hữu 45 cụm rạp tại Việt Nam.

Báo cáo tài chính của Lotte Shopping LTD. cho thấy tình hình kinh doanh mảng rạp chiếu phim nói chung tại các chi nhánh của công ty, trong đó có Việt Nam không mấy khả quan.

Đáng chú ý, năm 2023, Lotte Cinema Việt Nam lỗ hơn 10 tỷ won (gần 7 triệu USD).

Vẫn còn đất cho "tân binh"

Dữ liệu từ Statista cho thấy tổng doanh thu của ngành chiếu phim Việt Nam năm 2023 đã tăng hơn 30% so với mức trước đại dịch (năm 2019), từ 62,3 triệu USD lên 80,5 triệu USD. Doanh thu dự kiến tiếp tục tăng trong 5 năm tới (2024-2029) với tốc độ tỷ suất lợi nhuận trung bình năm (CAGR) khoảng 4,9% và có thể đạt 110,7 triệu USD vào năm 2029.

Shark Minh Beta từng khẳng định điện ảnh Việt Nam đang phát triển tốt với các bộ phim ngày càng có doanh thu cao hơn với những kỷ lục liên tục được phá bỏ. Nền công nghiệp điện ảnh cũng ngày càng chuyên nghiệp, bài bản với sự đầu tư nghiêm túc, cam kết với công việc nhiều hơn.

Nói về việc cạnh tranh với những tên tuổi khác trên thị trường, ông Minh cho rằng thị trường còn rất nhiều dư địa và nhiều cách để các bên cùng nhau tồn tại, không nhất thiết phải cạnh tranh quá khốc liệt.

 Aeon Entertainment sẽ trở thành đối thủ của CDV, Lotte tại thị trường chiếu phim Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia.

Aeon Entertainment sẽ trở thành đối thủ của CDV, Lotte tại thị trường chiếu phim Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia.

"Số lượng rạp chiếu phim/đầu người ở Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực trong khi thu nhập và nhu cầu giải trí lại đang tăng lên. Vì vậy, tôi và các đơn vị khác hoàn toàn có thể cùng nhau chung tay xây dựng một nền điện ảnh phát triển rực rỡ", vị này nói thêm.

Được biết, cụm rạp Aeon Beta Cinema hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp và sẽ được khai trương trong năm 2025.

Bên cạnh phát triển hệ thống rạp Aeon Beta Cinema, Shark Minh cho biết sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển cụm rạp Beta Cinemas hiện đã có 20 cụm rạp trên toàn quốc. Beta Cinemas nhắm vào phân khúc khách hàng trung cấp với giá vé từ 50.000 đồng

“Do 2 cụm rạp nhắm đến 2 phân khúc khách hàng khác nhau nên chúng tôi hoàn toàn có thể phát triển song song mà không mâu thuẫn về lợi ích", ông Minh cho biết.

Trong khi đó, phía Aeon Entertaiment nhận định ngành điện ảnh Việt Nam sẽ còn phát triển và còn nhiều dư địa để phía Nhật Bản có thể đóng góp.

"Trong những năm gần đây, chúng tôi đầu tư rất nhiều vào Việt Nam về mảng bán lẻ. Đối với tập đoàn, hiện tại, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư mà chúng tôi chú trọng nhất", ông Nobuyuki Fujiwara cho biết.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thi-truong-rap-phim-viet-nam-trong-tay-doanh-nghiep-ngoai-post1541102.html