Thích ứng sản xuất khi giá phân bón tăng cao

Từ nhiều năm nay, cây chè đã đem lại thu nhập ổn định cho nông dân ở một số xã trên địa bàn huyện Thuận Châu. Tuy nhiên, hiện nay, giá phân bón tăng cao làm người trồng chè đang gặp khó khăn trong việc chăm sóc. Hiện, cơ quan chức năng huyện Thuận Châu đang vận động, hướng dẫn người dân chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, để khắc phục khó khăn về giá phân bón vô cơ tăng cao, đảm bảo thu nhập.

Người dân xã Mường É mua phân bón tại cửa hàng vật tư nông nghiệp.

Người dân xã Mường É mua phân bón tại cửa hàng vật tư nông nghiệp.

Xã Phổng Lái hiện có hơn 400 hộ trồng chè, với tổng diện tích trên 750 ha. Hằng năm, cây chè tạo việc làm và thu nhập cho trên 2.000 lao động địa phương. Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, cho biết: HTX liên kết, bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân tại các xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É. Năm nay, giá phân bón tăng cao, gây ra nhiều khó khăn cho các hộ trồng chè, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. HTX đã cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con theo giá thị trường, nhưng phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của đơn vị. Đồng hành gỡ khó về giá phân bón tăng cho thành viên HTX, hiện nay, chúng tôi đã và đang chuyển đổi 10 ha chè sang trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hoàn toàn từ hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, vận động, tuyên truyền các hộ liên kết trồng chè với HTX chuyển hướng dần sang hữu cơ, bảo đảm chất lượng, đầu ra ổn định, chi phí đầu vào sẽ ít hơn.

Ông Nguyễn Văn Điệt, thành viên HTX cho biết: Giá phân bón tăng cao, gia đình tôi đã chuyển đổi 2,5 ha chè sang chăm sóc theo hướng hữu cơ, phân bón dùng hoàn toàn từ phân chuồng, đạm cá và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sản lượng đạt từ 9 -10 tấn/ha, đem lại thu nhập ổn định từ 80 triệu đồng trở lên/năm.

Còn tại xã Mường É, hiện đang có khoảng 300 ha chè, để khắc phục khó khăn do giá vật tư đầu vào cao, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng liều lượng, kỹ thuật theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây chè. Ông Lường Văn Thân, hộ trồng chè ở bản Chiềng Ve, xã Mường É, nói: Giá phân bón năm nay tăng cao, gia đình tôi cũng như các hộ đã trộn phân chuồng với phân đạm theo tỷ lệ 40% đạm và 60% phân chuồng để bón thúc cho cây và chia ra làm 3 đợt bón, đồng thời tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây. Gia đình tôi có 6000 m² trồng chè, mỗi lần bón cần khoảng 5 tạ phân hỗn hợp phân chuồng và phân đạm, giảm chi phí và vẫn có thu nhập từ trồng chè.

Ông Nguyễn Hồng Tráng, quản lý tại cửa hàng vật tư Tráng Hương, tiểu khu 10, thị trấn Thuận Châu: Năm ngoái, giá phân đạm đầu trâu, Hà Bắc chỉ 300.000 - 400.000 đồng một bao 50 kg, thì nay, tăng lên 900.000 - 1.000.000 đồng một bao tùy loại. Sức mua của người dân cũng giảm rõ rệt, 3 tháng đầu năm chỉ bán bằng 25% so với năm 2021.

Huyện Thuận Châu hiện có hơn 1.400 ha chè, trong đó, gần 1.200 ha chè cho thu hoạch, sản lượng hơn 11.500 tấn/năm. Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tập trung hướng dẫn bà con căn cứ vào mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc “5 đúng”, đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm lượng phân bón hóa học, vô cơ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Đặc biệt, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng, sử dụng men vi sinh ủ tạo nguồn phân hữu cơ, đảm bảo cho năng suất đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, huyện cũng khuyến cáo người dân nên tham gia các tổ hợp tác, hoặc liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để mua phân bón với khối lượng lớn để có giá tốt hơn so với mua lẻ qua đại lý. Đặc biệt, cần bón phân đúng liều lượng và đúng thời điểm sinh trưởng của cây chè theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cán bộ kỹ thuật.

Với những giải pháp kịp thời, chăm sóc theo quy trình hữu cơ tốn công sức nhiều hơn nhưng sẽ kéo dài thời gian thu hoạch, sinh trưởng và không ảnh hưởng đến chất lượng của búp chè. Vậy nên, xét về mặt kinh tế và môi trường, thì chăm sóc theo quy trình hữu cơ ở thời điểm hiện tại đang là sự lựa chọn hợp lý, thích ứng để nông dân Thuận Châu vẫn bảo đảm có thu nhập từ cây chè.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thich-ung-san-xuat-khi-gia-phan-bon-tang-cao-49175