Thiết kế sáng tạo của Hà Nội: Đánh thức những di sản công nghiệp

Những ngày này, Hà Nội đang tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023 với chủ đề 'Dòng chảy'. Nhiều hoạt động hấp dẫn, mới mẻ, độc đáo do TP Hà Nội tổ chức thực sự đã gây ấn tượng mạnh đối với du khách trong và ngoài nước. Những di sản đã thực sự bừng tỉnh và tỏa sáng khi được thiết kế, sáng tạo xuất sắc.

Là trung tâm của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Nhà máy xe lửa Gia Lâm diễn ra khoảng 10 không gian nghệ thuật và địa điểm tổ chức sự kiện. Ảnh: Khánh Huy

Là trung tâm của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Nhà máy xe lửa Gia Lâm diễn ra khoảng 10 không gian nghệ thuật và địa điểm tổ chức sự kiện. Ảnh: Khánh Huy

Thí điểm mô hình trải nghiệm văn hóa sáng tạo

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - nơi diễn ra đêm khai mạc, bế mạc lễ hội, cùng hàng loạt sự kiện âm nhạc, thời trang, nghệ thuật độc đáo, các hôịworkshop, hội chợ, vui chơi, trưng bày về lịch sử nhà ga đã “biến hình” thành một điểm đến hấp dẫn với rất nhiều du khách. Nằm ở vị trí chiến lược, là điểm giao cắt của 4 tuyến đường sắt phía Bắc, như một chứng nhân lịch sử của Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến chiến tranh chống Mỹ.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là một trong những công trình đường sắt trọng yếu do người Pháp xây dựng tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, hiện là một di sản công nghiệp quan trọng của ngành đường sắt và của Việt Nam nói chung.

Là địa điểm chính tổ chức lễ hội, các phân xưởng trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng được cải tạo, thiết kế trở thành không gian Pavilion mới. Điểm nhấn là không gian kiến trúc Bến chờ được cải tạo từ khu vực Cầu lăn chìm của nhà máy. Bến chờ đặt tại một đoạn đường ray trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm, lấy cảm hứng từ một nhà ga không chỉ là nơi trung chuyển, còn khơi gợi cảm xúc về những cuộc đợi chờ, từ nỗi buồn chia xa đến niềm vui khi gặp lại.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang - tác giả Pavilion: không gian kiến trúc và nghệ thuật Phân xưởng Nóng”, với ai yêu thích nghệ thuật, ê-kíp tin rằng, mọi người sẽ có những cái nhìn, cảm nhận dễ dàng hơn đối với không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm này. Công chúng không hẳn ai cũng thích máy móc, ai cũng thích sắt thép nên mục tiêu của chương trình là mang vẻ đẹp của nhà máy tới công chúng, tới số đông. Bởi càng ngày mọi người càng nhìn nhận hơn về vẻ đẹp di sản và mong muốn phát triển nó trong đời sống mới.

Cũng tại lễ hội, lần đầu tiên sau 130 năm kể từ khi xây dựng, Tháp nước Hàng Đậu mở cửa cho khách tham quan. Đây là công trình được người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19, cùng thời điểm xây dựng Nhà máy nước Yên Phụ, để phục vụ việc cung cấp nước sinh hoạt cho quan chức, binh lính người Pháp và người dân ở khu vực trung tâm Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc.

Tháp nước Hàng Đậu có hình trụ tròn, đường kính 19m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi. Tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250m3, nằm ở vị trí cao nhất trên những bức tường đá. Không gian sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu được kiến trúc sư Cao Thế Anh và họa sĩ Nguyễn Đức Phương cùng cộng sự cải tạo, tổ chức trưng bày.

Kiến trúc sư Cao Thế Anh chia sẻ, là một người con Thủ đô mang nhiều ký ức tuổi thơ về Tháp nước Hàng Đậu, anh cũng giống như nhiều đứa bé ngày đó mỗi khi ngồi sau xe bố mẹ chở ngang qua tháp nước Hàng Đậu đều tò mò đây là gì, bên trong bốt này sẽ trông ra sao... Giờ đây, khi biết sẽ được trực tiếp tham gia dự án cải tạo Tháp nước Hàng Đậu, anh đã xem nó như một cái duyên để trả lời cho những thắc mắc năm xưa của chính mình.

Khi khảo sát, các tác giả đã nhận định Tháp nước Hàng Đậu cấu thành từ những khối hình trụ gồm các bức tường vòm tròn, tạo nên hướng đi vòng tròn vô cùng độc đáo. Tận dụng đặc điểm này, kiến trúc sư Cao Thế Anh cùng đội ngũ đã biến nơi đây thành cuộc dạo chơi đầy thú vị. Xen kẽ giữa những khoảng không gian sáng và tối, những khoảng đặc và rỗng, để mỗi lần đi qua mỗi ô vòm của tháp, người tham quan lại nhận ra những cảm xúc, sự bất ngờ khác nhau.

Lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, trưng bày mang lại trải nghiệm không gian nghệ thuật mới lạ, sáng tạo với âm thanh và ánh sáng, họa sĩ Nguyễn Đức Phương - đồng tác giả “Không gian sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” bày tỏ: “Đầu tiên khi chúng tôi bước vào đây như một không gian thiêng về nước. Vậy nên concept chúng tôi đưa ra là không gian về nước, nói về tầm quan trọng của nước trong đô thị”.

Đơn vị tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO với danh hiệu TP Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Sau gần 4 năm thực hiện, Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng thành phố sáng tạo.

Lễ hội với chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo… Những hoạt động này đem đến những ý tưởng cho việc tái thiết những di sản công nghiệp thành những không gian hữu ích, đem lại những giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội.

Bà Ramla Khalidi - Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội có chủ đề “Dòng chảy” là một sự kiện quan trọng đối với người dân Hà Nội cũng như du khách để tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của Thủ đô.

Qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, chúng ta có thể nhìn và cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong TP đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này. Với hơn 1.000 năm bề dày truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ, Hà Nội đang sở hữu tiềm năng để trở thành đơn vị tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển.

Cùng với đó, lễ hội là một trong những sáng kiến mà Hà Nội cam kết thực hiện, là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của TP trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Thông qua quan hệ đối tác công - tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến Hà Nội thành một nơi tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình.

Việc chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp sáng tạo thông qua lễ hội 2023 chính là nền tảng, tiền đề thúc đẩy ý tưởng biến những di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo, trở thành hiện thực trong tương lai gần. Sự đam mê sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cùng những khát khao được cống hiến của đội ngũ kiến trúc sư và giới nghệ sĩ, sáng tạo,... sẽ là động lực để phát triển hoạt động sáng tạo của Thủ đô ngày càng lớn mạnh, khẳng định Hà Nội thực sự là TP Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thiet-ke-sang-tao-cua-ha-noi-danh-thuc-nhung-di-san-cong-nghiep-360714.html