Thiết lập quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi

Chăn nuôi Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu, đang hướng tới ngành hàng xuất khẩu tỷ USD, cùng với đó là nhiệm vụ đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu trong nước. Trước xu hướng sản xuất xanh, giảm phát thải, ngành chăn nuôi đang có nhiều vấn đề phải giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt là việc thiết lập quy trình an toàn sinh học trong sản xuất.

Chuồng nuôi heo quy mô lớn tại xã Hưng Thịnh (Trảng Bom, Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Chuồng nuôi heo quy mô lớn tại xã Hưng Thịnh (Trảng Bom, Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Giữ vai trò quan trọng trong ngành chăn nuôi, Việt Nam luôn duy trì đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con với tổng đàn lợn của cả nước khoảng 25,5 triệu con và đứng thứ 6 về sản lượng, cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt lợn hơi mỗi năm. Trong cơ cấu sản lượng thịt của thế giới thì thịt lợn chiếm 41%, thịt gia cầm chiếm 37%; thịt trâu, bò chiếm 22%.

Trong rổ thực phẩm, thịt lợn chiếm 65% chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong cơ cấu đàn vật nuôi của nước, lợn chiếm từ 60 - 64%; gia cầm chiếm từ 28 - 29%; trâu, bò, cừu, dê chiếm 9%. Cơ cấu tiêu dùng thịt lợn của Việt Nam cao hơn trung bình của thế giới khoảng 20 điểm phần trăm.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với tầm quan trọng của ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030; Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 và Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Đầu tháng 8/2024, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Đó là các vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, sự phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tình trạng kháng kháng sinh... Đặc biệt, vấn đề quản lý môi trường đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành cần phải giải quyết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng có ưu thế hơn trên thị trường Việt Nam về nguồn cung thực phẩm chăn nuôi. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; trong đó, có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài, chiếm tỷ lệ 32% nhưng lại nắm giữ 65% thị phần.

Hơn nữa thách thức lớn trong chăn nuôi lợn đang đối mặt đó là yêu cầu bảo đảm tăng trưởng, duy trì nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường, song cũng phải có giải pháp để giá thịt lợn chỉ tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi.

Một khó khăn nữa tác động tới chăn nuôi lợn là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện nay, như: dịch tả lợn châu Phi, tiêu chảy cấp, bệnh lợn tai xanh... vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi lại đang có chiều hướng diễn biến rất phức tạp, nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh.

Về vấn đề này ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm lây lan, bùng phát thì việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là hết sức cần thiết. Cùng với đó, việc tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine là điều kiện đặc biệt quan trọng để bảo vệ đàn lợn, giảm nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng khẳng định: Ngoài những khó khăn trên, ngành chăn nuôi đang đối mặt khó khăn với yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính. Chất thải, nước thải trong chăn nuôi phải được xử lý bằng công nghệ, kỹ thuật để giảm thiểu tác động đến môi trường. Chất thải, nước thải sau khi xử lý sẽ là nguồn nguyên liệu tái tạo cho các hoạt động sản xuất khác như: phân bón, khí đốt, thức ăn để nuôi cá... và giải quyết được vấn đề này sẽ giúp gia tăng giá trị cho chăn nuôi lợn.

Để khắc phục hạn chế trên, thời gian gần đây ngành chăn nuôi đã dần chuyển hướng chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, do đó số lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ nhỏ lẻ đã giảm từ 15 - 20%. Tỷ trọng sản xuất trong hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, trang trại chiếm từ 60 - 65%. Chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết khép kín là giải pháp cốt lõi để phát triển bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi phải sớm triển khai xây dựng và thiết lập các quy trình vừa bảo đảm an toàn sinh học, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, đồng thời phải chăn nuôi theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để làm được điều đó ngành chăn nuôi phải có những khoản đầu tư lớn.

Để nuôi lợn phát triển bền vững, đáp ứng nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ngành chăn nuôi cũng phải sớm giải quyết những thách thức khác như: con giống, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ứng dụng khoa học, công nghệ... giúp giảm sự phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, tạo sự chủ động và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Ngọc Trần (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thiet-lap-quy-trinh-an-toan-sinh-hoc-trong-chan-nuoi-20241215135839993.htm