Thiếu cát san lấp, đề xuất làm cầu cạn cho hạ tầng giao thông phía Nam
Việc thi công cầu cạn không chỉ rút ngắn thời gian mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
Nhiều giải pháp thi công cầu cạn trên các công trình giao thông, đặc biệt là đường cao tốc, được các chuyên gia, kỹ sư, nhà khoa học chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Giải pháp cầu cạn cho hạ tầng giao thông khu vực phía Nam" do Tổng Công ty Xây dựng Số 1-CTCP (CC1) tổ chức ngày 12-4.
Giải pháp thi công cầu cạn được đặt ra trong bối cảnh cả nước đặt mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối diện với hàng loạt thách thức như thiếu hụt vật liệu đắp nền đường, điều kiện địa chất yếu, và những yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường.
TS Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây dựng Số 1-CTCP, cho biết lượng cát đổ về ĐBSCL chỉ còn 2 đến 4 triệu m3/năm trong khi công suất khai thác cao hơn gấp 10 lần, từ 35-55 triệu m3/năm, để phục vụ thi công các công trình cầu, đường, cao tốc.
Như vậy, nguồn cung cát quá thấp so với nhu cầu bởi hiện nay, hệ thống đường cao tốc dài hơn 1.000 km ở phía Nam đã và đang được đầu tư xây dựng, do đó tình trạng thiếu cát thi công cũng rất nghiêm trọng.

TS Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ thông tin tại hội thảo
Trước thực trạng này, TS Phan Hữu Duy Quốc cho rằng việc tìm kiếm các giải pháp hạ tầng bền vững và phù hợp với điều kiện địa phương trở thành yêu cầu cấp thiết. Trong đó, giải pháp cầu cạn sẽ giảm thiểu tác động môi trường của đường trên đất đắp, giúp rút ngắn thời gian thi công công trình…
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia chia sẻ mô hình cầu cạn được áp dụng ở nhiều công trình giao thông như đường nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Nguyễn Hữu Cảnh, cao tốc TP HCM – Trung Lương có 14/61km cầu cạn…, giúp tiết kiệm diện tích mặt đường, giảm thời gian thi công tại công trường, tăng thời gian thi công tại công xưởng, hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân khi dự án được rút ngắn thời gian.
Cho rằng giải pháp cầu cạn không mới, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, đặt vấn đề: Tại sao không được ứng dụng trong khi tình trạng nạo vét cát ở ĐBSCL tràn lan? Môi trường và đời sống của người dân sẽ thế nào nếu tiếp tục làm đường bằng cát đắp nền, gây hệ lụy như dậy phèn, ngập mặn…? Ông đề nghị các bộ, ngành cần sớm đưa quy chuẩn giải pháp cầu cạn khi thi công các công trình, nhằm hạn chế sử dụng cát san lấp.

Giải pháp cầu cạn giúp tiết kiệm thời gian thi công, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường do khai thác cát
Kết thúc hội thảo, Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã thành lập nhóm nghiên cứu giải pháp cầu cạn với sự tham dự của 10 đơn vị.
Mục tiêu của nhóm là nghiên cứu, phát triển và đề xuất các phương án tối ưu cho hạ tầng giao thông khu vực phía Nam, đặc biệt là giải pháp tối ưu hóa hệ thống cầu cạn. Cùng với các sáng kiến, nhóm nghiên cứu sẽ có những đề xuất cụ thể đến các bộ, ngành liên quan nhằm đưa những phương án vào ứng dụng thực tế.