Thỏa thuận lịch sử tại COP27
Trong ngày làm việc cuối cùng hôm 20/11, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) tại thành phố nghỉ mát Sharm el-Sheik của Ai Cập đã đi đến một thỏa thuận mang tính lịch sử: Thành lập một quỹ 'tổn thất và thiệt hại' toàn cầu nhằm hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo bị chịu thiệt hại do thảm họa khí hậu.
Việc COP27 đạt “thỏa thuận lịch sử” được các quốc gia đang phát triển, các nước nghèo chịu tác động nặng nề của khí hậu khắc nghiệt và các nhà vận động khí hậu vui mừng, chào đón nồng nhiệt.
Sameh Shoukry, Ngoại trưởng Ai Cập và là Chủ tịch Hội nghị COP27 cho biết: “Chúng tôi đã tận dụng cơ hội này. Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm, nhưng đoàn kết làm việc vì một lợi ích, một mục đích cao cả hơn, một mục tiêu chung. Cuối cùng, chúng tôi đã đạt được mục đích. Chúng tôi đã lắng nghe tiếng gọi của sự đau khổ và tuyệt vọng”.
Sherry Rehman - Bộ trưởng Biến đổi khí hậu của Pakistan, nơi hứng chịu trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 9 vừa qua, trận lũ lụt đã trở thành biểu tượng của sự tàn phá mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt - đã ca ngợi thỏa thuận. “Đây không phải là việc nhận từ thiện. Đây là khoản chi trả để đầu tư vào tương lai của chúng ta và công lý về khí hậu”.
Sir Molwyn Joseph, Bộ trưởng Y tế, Phúc lợi và Môi trường của Antigua và Barbuda, đồng thời là Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ, cho biết: “Hôm nay, cộng đồng quốc tế đã khôi phục niềm tin toàn cầu vào quy trình quan trọng này nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Các thỏa thuận được thực hiện tại COP27 là một chiến thắng cho toàn thế giới của chúng ta. Chúng tôi đã cho những người cảm thấy bị bỏ rơi thấy rằng chúng tôi nghe thấy bạn, chúng tôi nhìn thấy bạn và chúng tôi đang dành cho bạn sự tôn trọng và chăm sóc mà bạn xứng đáng có được. Chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn nữa để giữ vững giới hạn ấm lên 1,5 độ C, vận hành quỹ “tổn thất và thiệt hại”, đồng thời tiếp tục tạo ra một thế giới an toàn, công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người”.
Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho rằng kết quả này sẽ mang lại lợi ích cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề còn lại của thỏa thuận là kinh phí. Yêu cầu quan trọng nhất là phải có nguồn tài chính cung cấp cho quỹ và về nguyên tắc phải được đóng góp bởi các quốc gia giàu có và phát thải khí nhà kính nhiều nhất trên thế giới. Cách thức vận hành quỹ, ai điều hành, ai quản lý quỹ cũng còn là những vấn đề cần phải được xác định rõ ràng, cụ thể hơn.
Mặt khác, thỏa thuận cũng còn nhiều điểm bị đánh giá là chưa hoàn hảo, với một số yếu tố chính còn khiếm khuyết hoặc thiếu. Ông Simon Stiell cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều để thực hiện các mục tiêu đã thống nhất và “không có chỗ cho sự lùi bước”. Ông cho biết các kế hoạch quốc gia mà các quốc gia đã đệ trình về cắt giảm khí thải nhà kính vào năm 2030 là không đủ để đáp ứng mục tiêu quan trọng là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở biên độ 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, phù hợp với ý kiến của các nhà khoa học. Ông nói: “Các kế hoạch quốc gia không ăn khớp với nhau. Hãy nhìn về năm 2030. Đó là vạch đích của chúng ta”.
Ngoài thỏa thuận thành lập quỹ hỗ trợ thiệt hại, COP27 năm nay hầu như chẳng đạt được gì. Một số quốc gia cho biết các cam kết về hạn chế mức tăng nhiệt độ ở khoảng 1,5 độ C năm nay không đạt được tiến triển nào so với COP26 ở Glasgow năm ngoái và ngôn ngữ về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch cũng còn yếu.
Văn bản thỏa thuận cuối cùng của COP27 có một điều khoản về thúc đẩy “năng lượng ít phát thải”. Điều đó có thể hàm chứa nhiều thứ, từ năng lượng gió và mặt trời đến các lò phản ứng hạt nhân và các nhà máy nhiệt điện than được trang bị hệ thống thu hồi và lưu trữ carbon. Nó cũng có thể được hiểu là khí đốt, có lượng khí thải thấp hơn than đá, nhưng vẫn là nhiên liệu hóa thạch chính. Nhiều quốc gia tại COP27, đặc biệt là những quốc gia từ châu Phi có trữ lượng khí đốt lớn đã đến Sharm el-Sheikh với hy vọng đạt được các hợp đồng khí đốt béo bở.
Tại COP26 ở Glasgow năm ngoái, cam kết về giảm dần việc sử dụng than đã được thống nhất, đánh dấu lần đầu tiên một nghị quyết về nhiên liệu hóa thạch được đưa vào văn bản cuối cùng - một số người cho rằng điều này thật khó tin đối với 30 năm hội nghị về biến đổi khí hậu. Tại COP27, một số quốc gia - dẫn đầu là Ấn Độ - muốn tiến xa hơn và đưa vào cam kết giảm dần tất cả nhiên liệu hóa thạch. Đó là chủ đề gây tranh cãi dữ dội vào đêm 19/11, nhưng cuối cùng ý định đó đã thất bại và giải pháp được đưa ra cũng giống như ở Glasgow.
Ngày càng có nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển kêu gọi Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính được tài trợ công khác có những thay đổi khẩn cấp. WB và các tổ chức tài chính này bị cho là đã không cung cấp nguồn vốn cần thiết để giúp các nước nghèo cắt giảm khí thải nhà kính và thích ứng với tác động của khủng hoảng khí hậu. Cải cách thuộc loại được thảo luận rộng rãi tại COP27 có thể liên quan đến việc tái cấp vốn cho các ngân hàng phát triển để cho phép họ cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho các nước đang phát triển. Nicholas Stern, một nhà kinh tế khí hậu đã tính toán rằng các nước đang phát triển sẽ cần 2.400 tỷ USD/năm kể từ năm 2030. Ông ước tính WB có thể cung cấp khoảng một nửa số tiền đó.
Kể từ COP26, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố những phần quan trọng trong đánh giá mới nhất về khoa học khí hậu, cảnh báo về những tác động thảm khốc chỉ có thể ngăn chặn được bằng cách cắt giảm mạnh và khẩn cấp lượng khí thải nhà kính. Và việc cắt giảm này cần có sự hỗ trợ kinh phí từ các định chế tài chính lớn, các quốc gia giàu có và phát thải nhiều nhất.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thoa-thuan-lich-su-tai-cop27-i675263/