Thông hầm dài nhất tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt
Liên danh Nhà đầu tư Hòa Hiệp - CIENCO4 - Trường Sơn - Núi Hồng - Vina2 và Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) tổ chức thông hầm Thần Vũ, thuộc Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
"Vượt nắng, thắng mưa", đưa công trình về đích đúng cam kết
Chiều 14/10, Liên danh Nhà đầu tư Hòa Hiệp - CIENCO4 - Trường Sơn - Núi Hồng - Vina2 và Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) tổ chức Lễ thông hầm Thần Vũ và cam kết hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt theo hình thức BOT.
Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của hạng mục đường găng tiến độ, phấn đấu tiến tới đưa toàn dự án hoàn thành theo đúng hợp đồng mà liên danh nhà đầu tư đã ký với Bộ GTVT.
Hầm Thần Vũ có tổng chiều dài 1,13km xuyên qua núi Thần Vũ. Phía Bắc thuộc huyện Diễn Châu và phía Nam thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hầm được thiết kế với quy mô hai hầm riêng biệt, chiều rộng mỗi hầm là 13,78m, khoảng cách 2 tim hầm là 45m.
Giai đoạn 1 xây dựng hoàn chỉnh ống hầm nhánh phải để khai thác 2 chiều, xây dựng vỏ hầm và hệ thống thoát nước ngầm cho ống hầm nhánh trái để đóng vai trò là hầm thoát hiểm. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện toàn bộ hầm theo quy mô hoàn chỉnh với 6 làn xe cơ giới.
Đây là một trong những hạng mục công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp và liên quan đường găng tiến độ rất quan trọng của dự án.
Hầm Thần Vũ do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4. Trong đó, Công ty Hòa Hiệp thi công toàn bộ ống hầm hoàn thiện nhánh phải và 1/2 ống hầm tạm nhánh trái. Công trình được chính thức được thi công vào tháng 7/2022, theo phương pháp NATM của Áo. Công nghệ này giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ xây hầm truyền thống.
Ông Trương Đức Liên, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết: Ngay từ bước thiết kế, hầm Thần Vũ được xác định là một hạng mục khó khăn, phức tạp nhất trong các hầm xuyên núi trên cao tốc Bắc - Nam.
Với đặc thù địa chất yếu, đá phong hóa mạnh, rời rạc và xen kẹp... trong suốt quá trình thi công, các bên liên quan nhóm họp và thảo luận liên tục, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp với ứng xử địa chất thực tế, tuân thủ phương châm kỹ càng về nội nghiệp để đảm bảo an toàn, chất lượng về ngoại nghiệp.
Thực tế, trong quá trình triển khai nhà thầu đã gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt là quá trình thi công từ 2 mũi phía Nam hầm, đến vị trí gần hợp long thì gặp phải đới địa chất yếu, đá phong hóa rất mạnh, rời rạc... nếu không thận trọng rất dễ xảy ra nguy cơ đổ sập, sự cố không lường trước được.
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, năng lực và kinh nghiệm của mình, Công ty TNHH Hòa Hiệp đã chủ động cùng các bên liên quan đánh giá tình hình. Cụ thể, đưa các diễn biến thành chuỗi dữ liệu, từ đó đánh giá vùng có nguy cơ sạt trượt, khoanh vùng địa chất cần xử lý trên từng gương hầm...
Các đánh giá chính xác là cơ sở đề xuất các giải pháp đáp ứng đồng thời các tiêu chí an toàn, kỹ thuật, tiến độ, tiết kiệm áp dụng vào quá trình thi công như: Điều chỉnh bước kết cấu chống đỡ, mật độ neo; bơm đan xen tổ hợp vữa xi măng, bê tông; phun phủ bê tông...
Đồng thời với giải pháp, Hòa Hiệp đã tập trung các nhân sự có kinh nghiệm, vật tư, máy móc thiết bị sẵn sàng thi công 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ để bù đắp tiến độ bị chậm do quá trình xử lý địa chất, đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Sau hơn 15 tháng triển khai thi công, với sự nỗ lực của các thành phần tham gia dự án, đặc biệt bằng kinh nghiệm và sự nỗ lực hết mình của Công ty TNHH Hòa Hiệp đến nay đã chính thức thông hầm.
“Việc thông hầm có ý nghĩa rất quan trọng, kể từ hôm nay công tác điều phối nhân sự, phương tiện, vật tư vật liệu có thể đi xuyên qua hầm mà không phải đi vòng bằng đường công vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công hầm Thần Vũ nói riêng và toàn dự án.
Đây cũng là kết quả của quá trình phối hợp nhịp nhàng, sự quan tâm sâu sát của Bộ GTVT và các cơ quan chuyên môn của Bộ, Ban QLDA 6; sự đồng hành, tạo điều kiện của các địa phương có tuyến đi qua là các sở, ban, ngành, các huyện, các xã của tỉnh Nghệ An; sự nỗ lực khắc phục khó khăn, “vượt nắng, thắng mưa” của Liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu”, ông Liên cho biết thêm.
Hoàn thành đúng tiến độ nhưng chất lượng phải tốt nhất
Ông Phạm Đình Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Hiệp, đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết: Hầm Thần Vũ là hầm dài thứ 2 trên hệ thống hầm cao tốc Bắc - Nam, nhưng lại khó thi công nhất.
Thông thường hầm xuyên qua núi đá, địa chất càng cứng càng tạo độ chắc cho mái vòm. Nhưng hầm này, khi thi công ở hầm phía Nam gặp 320m đất yếu. Đơn vị đã phải khắc phục bằng các biện pháp xử lý đất yếu mái vòm, kết hợp kinh nghiệm làm hầm thủy điện và những công nghệ mới nhất mới có được kết quả như hôm nay.
“Sự kiện thông hầm hôm nay là dấu mốc quan trọng tạo tiền đề, động lực cho Hòa Hiệp cũng như các nhà thầu tiếp tục huy động nguồn lực hoàn thành dự án đúng tiến độ, về đích trước ngày 22/5/2024 theo chỉ đạo của Chính phủ và cam kết của nhà đầu tư với Bộ GTVT”, ông Hạnh nói.
Chia vui cùng liên danh nhà đầu tư, Bộ GTVT, ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Công trình giao thông nào cũng có ý nghĩa, cũng quan trọng, nhưng cao tốc Bắc - Nam là công trình đặc biệt quan trọng.
Trước đây, Nghệ An đi Hà Nội mất 5 - 6 tiếng, nhưng sau khi cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào sử dụng chỉ còn hơn 3 tiếng. Điều này càng chứng minh hiệu quả của tuyến đường, nhất là những địa phương nằm xa cực phát triển đất nước.
“Tôi tin tưởng tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Nghệ An nói riêng và các tỉnh nói chung. Đây cũng là cơ hội để địa phương thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, giải quyết việc làm cho người lao động”, ông Vinh chia sẻ.
Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư, đơn vị thi công, doanh nghiệp dự án; đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ, tạo điều kiện của tỉnh Nghệ An, các sở, ngành và 2 huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Thông hầm hôm nay chỉ là bước đầu tiên, sau đây khối lượng công việc các nhà thầu còn lại phải thực hiện là rất lớn.
Ngoài hầm Thần Vũ, dự án còn 20km xử lý đất yếu, xây dựng các cầu vượt nút giao... Với tổng giá trị xây lắp còn lại hơn 4.000 tỷ đồng. Muốn đạt mục tiêu, chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
“Với kết quả hôm nay và cam kết của nhà đầu tư, chúng tôi tin tưởng các nhà đầu tư, các nhà thầu sẽ làm được. Bộ, địa phương cũng sẽ cùng đồng hành với nhà đầu tư, nhà thầu trong suốt quá trình triển khai dự án. Bộ GTVT cũng chỉ đạo và đặt mục tiêu 30/4/2024 sẽ xong toàn bộ 44km đường đoạn qua Nghệ An. Sau khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo hoàn trả tất cả các đường địa phương, khai thác hiệu quả, an toàn”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng lưu ý thêm: Đây là dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng, khai thác, chuyển giao) nên thi công đạt tiến độ cũng phải đảm bảo chất lượng, thậm chí chất lượng hơn cả công trình nhà nước. Hơn nữa, đây cũng là công trình mà sau này các nhà đầu tư sẽ quản lý, khai thác để thu hồi vốn.
Dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài là 49,3km, đi qua 2 tỉnh: Nghệ An (44,4km), Hà Tĩnh (4,9km), có tổng mức đầu tư 11.157tỷ đồng; được khởi công vào ngày 22/5/2021, dự kiến hoàn thành vào ngày 22/5/2024.
Dự án được thực hiện theo hình thức PPP, do liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2; doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng.
Đây là một trong ba dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).