Thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua chuyển đổi số
Chuyển đổi số cấp xã là một chủ trương lớn của Chính phủ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Về chuyên đề chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Bởi lẽ, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đặc biệt là thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột gồm: phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Mục tiêu của tỉnh là phải phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn. Để đạt được mục tiêu trên, trong công tác chuyển đổi số ở cấp xã, người đứng đầu cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách, đồng thời tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Lãnh đạo UBND cấp xã chỉ đạo, lên kế hoạch triển khai chi tiết và chịu trách nhiệm chính về việc thực hiện các nội dung trong triển khai chuyển đổi số cấp xã. Chủ động tìm hiểu về các nội dung chuyển đổi số gắn liền với cấp xã, tìm các nội dung chuyển đổi số phù hợp với tình hình, đặc thù kinh tế, xã hội của địa phương. Xác định cụ thể chuyển đổi số cấp xã là một quá trình, không phải là một đích đến từ đó thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về chuyển đổi số. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến đến từng nhà, từng người dân trong xã hiểu được ý nghĩa của việc triển khai mô hình chuyển đổi số cấp xã qua các kênh của UBND cấp xã như: hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử, nhóm zalo.
Thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị
Nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có nhiều bước triển khai cụ thể thông qua các chương trình thí điểm hoặc lồng ghép trong các chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua quá trình triển khai, nhiều địa phương đã có những kết quả nhất định, nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng các kết quả thí điểm và thành công bước đầu trên địa bàn toàn tỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời việc triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử. Ngoài các xã đã được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí như xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 hoặc xã có khả năng áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ số và trong lĩnh vực nổi trội, hoặc có các điều kiện khác về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hay tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh. Để hỗ trợ người dân nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nông thôn, Bộ TT&TT cũng đã xuất bản cuốn “Làng số” ra đời tiếp sau cuốn Cẩm nang chuyển đổi số, viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống. Trong đó, mỗi câu chuyện đều khắc họa con người cụ thể, công việc cụ thể, vấn đề cụ thể, cách làm cụ thể, kết quả cụ thể... Hiện nay sách điện tử được xuất bản tại địa chỉ https://langso.dx.gov.vn/. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng triển khai nhiều nội dung theo các Quyết định, Chiến lược, kế hoạch chung liên quan đến các trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số ở các cấp chính quyền nhằm thu hẹp các khoảng cách này, trong đó lấy người dân làm trung tâm, nâng cao chất lượng cuộc sống, sản xuất.