Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
Đến nay, toàn tỉnh có 39 dự án công nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp. Nhiều dự án công nghiệp lớn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đã có dự án nộp 100 tỷ đồng ngân sách Nhà nước/năm.
Tiếp tục thu hút đầu tư
Để các khu, cụm công nghiệp thực hiện được mục tiêu về phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, đồng thời, thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp của tỉnh đã có bước tăng trưởng đột phá về cả quy mô và năng lực sản xuất, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng GRDP của tỉnh. Tính đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 2 khu, 6 cụm công nghiệp thu hút được 39 dự án công nghiệp, cơ bản lấp đầy các khu, cụm công nghiệp có lợi thế, nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) được thành lập tại Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 18/01/2019 của UBND tỉnh với diện tích 75 ha, trong đó đất công nghiệp 43,04 ha. Đây là cụm công nghiệp phát huy được vai trò động lực phát triển kinh tế của huyện. Đồng chí Ma Đức Kính, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Dương cho biết: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào cụm công nghiệp, UBND huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phúc Ứng với diện tích 75 ha với tổng mức 15,6 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: Xây dựng đường nội bộ, hệ thống rãnh, cống thoát nước... Đến nay, công trình đã hoàn thành các hạng mục chính, hiện đang thi công các hạng mục bổ sung. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khi lựa chọn Sơn Dương là điểm đến đầu tư. Tính đến thời điểm này, các dự án đăng ký đầu tư đạt 40 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 92,9%, trong đó đã có 11 dự án được thực hiện và đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) từ khi hình thành đến nay đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia vào xây dựng dự án và đi vào hoạt động. Đồng chí Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, đã có 11 dự án đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp, trong đó 7 dự án đã đi vào hoạt động và 4 dự án đang trong quá trình lập thủ tục và đầu tư xây dựng, tỷ lệ lấp đầy đạt 90,3% (bao gồm cả diện tích Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đăng ký mở rộng).
Công ty TNHH Sao Việt đang đầu tư 2 nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Long Bình An. Bà Cao Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt cho biết, hiện doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng 2 nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng xuất khẩu với quy mô 6,15 ha, tổng đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất ván ép xuất khẩu sẽ đi vào hoạt động trong tháng 12-2022. Nhà máy sản xuất đồ nội thất xuất khẩu dự kiến đi vào hoạt động quý I-2024.
Tại Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) có 8 dự án, riêng năm 2022 có 2 dự án đi vào sản xuất Nhà máy chế biến gỗ Chiêm Hóa của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Nhà máy bê tông và sản xuất vật liệu của Công ty TNHH Thành Hưng. Dự án Nhà máy May LGG của Công ty cổ phần Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Đồng chí Vũ Đình Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết: Huyện đã tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp An Thịnh. Hiện diện tích đã lấp đầy đạt trên 60%. Huyện tiếp tục kêu gọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Thịnh theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Mở rộng các khu, cụm công nghiệp
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giá trị công nghiệp của tỉnh đạt trên 27.700 tỷ đồng, cơ cấu tổ chức ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt 24,7%. Thực hiện mục tiêu trên, cùng với phát huy năng lực sản xuất của các dự án công nghiệp đã và đang đầu tư, tỉnh phấn đấu hoàn thành quy hoạch, xây dựng mới: Khu công nghiệp Nam Sơn Dương, Khu công nghiệp Tam Đa (Sơn Dương) và Khu công nghiệp Long Bình An mở rộng (TP.Tuyên Quang); quy hoạch, xây dựng mới tối thiểu 5 cụm công nghiệp. Đồng thời tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư để phấn đấu lấp đầy khu, cụm công nghiệp đạt trên 60%.
Đồng chí Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nội dung Thông báo số 12/TB-VPCP về Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất của tỉnh Tuyên Quang về việc mở rộng khu, cụm công nghiệp. Theo đó, Sở căn cứ vào tiềm năng lợi thế của các trục đường huyết mạch giao thông như: Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 37; đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đấu nối tỉnh Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để rà soát và xây dựng phương án phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, dự kiến quy hoạch, thành lập 23 cụm công nghiệp gồm duy trì, mở rộng các cụm công nghiệp hiện có và thành lập các cụm công nghiệp mới.
Theo đồng chí Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thì đối với Khu công nghiệp Long Bình An, tỉnh đã xây dựng đề án mở rộng. Tổng diện tích quy hoạch khu công nghiệp là 333 ha, trong đó diện tích quy hoạch hiện có là 170 ha; diện tích quy hoạch mở rộng là 163 ha. Mục tiêu đặt ra là phát triển, mở rộng các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, định hướng sản phẩm công nghệ cao, ngành nghề không ô nhiễm và tăng trưởng xanh, đồng thời bảo đảm khu công nghiệp liên kết hạ tầng đồng bộ với các đô thị và các ngành dịch vụ khác.
Mở rộng các khu, cụm công nghiệp cộng với môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng sẽ tạo sức hút với các nhà đầu tư. Đây cũng chính là cơ hội để tỉnh phát triển, góp phần tích cực vào việc tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước.