Thu hút và giữ chân người tài không chỉ là ưu đãi về tiền lương
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng muốn thu hút và giữ chân người tài không chỉ là ưu đãi về tiền lương. Điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, tin tưởng và trọng dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV chiều 14/5 (Ảnh do Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cung cấp)
Chiều 14/5, tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ nhất trí cao việc sửa đổi, nhấn mạnh vào "chính sách đặc biệt" để thu hút nhân tài.
Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, đại biểu đề nghị cần nhìn nhận rõ tài năng trong hoạt động công vụ là một dạng tài năng rất đặc thù. Không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị. Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp hay qua các kỳ thi hình thức.
Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp, đặc biệt là bằng kết quả tạo ra giá trị công.
Theo đại biểu muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương. Điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ một số cơ chế then chốt. Đó là thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ chứ không chỉ dựa vào hình thức, quy trình. Cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới. Đồng thời trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, đồng thời phải kèm theo cơ chế giám sát, đánh giá khách quan.
“Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hoặc đãi ngộ không thực sự đúng đối tượng”, đại biểu Nga nêu ý kiến.
Đại biểu đưa ra một một số kinh nghiệm quốc tế để tham khảo. Ví dụ ở Singapore, người có tài năng trong khu vực công được tuyển chọn từ rất sớm, đưa vào các chương trình đào tạo chuyên sâu, có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng, đặc biệt là được giao nhiệm vụ lớn để rèn luyện, chứng minh năng lực.
Ở Pháp và Nhật Bản, hệ thống công vụ cho phép phát hiện và thăng tiến người giỏi từ cấp cơ sở kèm với chính sách đãi ngộ theo vị trí và kết quả công tác chứ không cào bằng theo thâm niên.
“Những kinh nghiệm trên cho thấy ưu đãi người tài không chỉ là tăng lương mà là tạo dựng một hệ thống công vụ minh bạch, công bằng, có động lực và có cơ hội phát triển thực sự”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị cần xây dựng riêng khung đánh giá cho các vị trí việc làm có tính chất khác nhau, không dùng chung một khung đánh giá như hiện nay đang áp dụng. Bởi mỗi vị trí việc làm của công chức sẽ có những nội dung công việc khác nhau, kết quả đầu ra, sản phẩm của công việc khác nhau.
"Nếu dùng chung một khung tiêu chí đánh giá cho tất cả các vị trí việc làm thì sẽ khó có thể đánh giá toàn diện và công bằng. Vì vậy cần xây dựng những tiêu chí riêng, rõ ràng, cụ thể và có tính định lượng để dễ dàng trong công tác đánh giá”, đại biểu Nga phân tích.
Cùng với nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, công chức, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần chú trọng biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các cán bộ, công chức có thành tích tốt, có sự đột phá, sáng tạo, cách làm hiệu quả để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ...
Đặc biệt, công tác khen thưởng phải thực chất, bảo đảm động viên, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân xứng đáng; tránh tình trạng khen thưởng “luân phiên”, tránh tâm lý nể nang khi bình xét, lựa chọn người được khen thưởng.