Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Việt Nam thẳng thắn đối thoại về tình hình quyền con người
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, với những vấn đề được đề cập nhưng chưa chính xác, chưa khách quan về tình hình quyền con người tại Việt Nam, Việt Nam sẽ thẳng thắn đối thoại, không né tránh tại Phiên đối thoại về Công ước ICCPR tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Trong các ngày từ 7/7 - 8/7, Đoàn Việt Nam với đại diện của 9 cơ quan, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn sẽ tham dự Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneve, Thụy Sỹ.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã có trao đổi với báo chí về sự kiện quan trọng này.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. Ảnh: Trọng Quỳnh
PV: Được biết thời gian qua Việt Nam rất tích cực trong việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR), ông có thể cho biết Việt Nam tham gia Công ước này từ thời điểm nào?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) là điều ước quốc tế đa phương quan trọng với số lượng các quốc gia tham gia đông đảo (173 quốc gia). Nội dung Công ước quy định các quyền gắn liền với các cá nhân từ khi sinh ra đến hết cuộc đời (quyền sống, quyền được bảo đảm an ninh, an toàn cá nhân, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tham gia quản lý xã hội…).
Một số quyền trong Công ước ICCPR sau này được Liên Hợp Quốc phát triển thành những điều ước quốc tế riêng như quyền không bị tra tấn, quyền bình đẳng giới…. Việt Nam đã gia nhập Công ước ICCPR vào ngày 24/9/1982.
Tại Phiên đối thoại lần thứ 3 giữa Việt Nam và Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc về việc thực thi Công ước ICCPR đã diễn ra vào ngày 11-12/3/2019 tại Geneve, Thụy Sĩ, Việt Nam đã trình bày Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 (giai đoạn 2002-2017).
Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra các khuyến nghị sau phiên đối thoại và Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc thực hiện các khuyến nghị này, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thực tiễn thực hiện các quyền dân sự, chính trị.
PV: Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng ta trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được triển khai thực hiện ra sao, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Quan điểm xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển đã được thể chế hóa đầy đủ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thông qua nhiều luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến quyền con người, quyền công dân; qua đó góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Cùng với đó, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng được hoàn thiện, với các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục lấy ý kiến nhân dân để đảm bảo quyền của đối tượng tác động – cũng là đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Đồng thời tăng cường sự tham gia của người dân và xã hội vào công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm quy định pháp luật sớm đi vào thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Các hành vi xâm phạm quyền con người cũng được phòng ngừa thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về xử lý các hành vi này. Các quy định nhằm bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội, qua đó bảo vệ tốt hơn các quyền của người dân cũng ngày càng được hoàn thiện.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật có liên quan để tạo điều kiện cho các cá nhân được thụ hưởng quyền của mình ở mức độ cao nhất có thể. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, xã hội.
Có thể kể đến hàng loạt các Chương trình mục tiêu quốc gia, các kế hoạch, chương trình hành động đã được ban hành nhằm tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên mọi mặt. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
PV: Đoàn Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào cho Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền tại Geneve lần này, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Để chuẩn bị cho việc báo cáo tình hình thực hiện Công ước ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam, Bộ Tư pháp đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng Báo cáo với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến các nội dung của Công ước. Dự thảo báo cáo được tham vấn các cơ quan, tổ chức liên quan theo đúng hướng dẫn của Ủy ban Nhân quyền.
Ngày 22/3/2023, Việt Nam đã gửi Báo cáo ICCPR lần thứ 4 tới Ủy ban Nhân quyền. Trên cơ sở Báo cáo quốc gia lần thứ 4 của Việt Nam, theo quy trình của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ngày 28/5/2024, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra danh sách các vấn đề quan tâm đối với Báo cáo ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam.
Trên cơ sở danh sách các vấn đề quan tâm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo trả lời danh sách các vấn đề quan tâm. Ngày 19/12/2024, Việt Nam đã gửi Báo cáo trả lời danh sách các vấn đề quan tâm đối với Báo cáo ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam tới Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho Phiên đối thoại này, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ Công ước ICCPR lần thứ 4. Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã thành lập Đoàn công tác liên ngành với sự tham gia của đại diện 9 bộ, ngành có liên quan. Đây là những đơn vị có nhiều nội dung liên quan đến tình hình thực thi các quy định cụ thể của Công ước ICCPR, trong đó có nhiều nội dung khó và phức tạp.
Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành có liên quan đã thực hiện rà soát Danh sách các vấn đề quan tâm năm 2024, khuyến nghị năm 2019 của Ủy ban Nhân quyền và hơn 50 Báo cáo của các tổ chức phi chính phủ (Báo cáo độc lập) về tình hình thực thi Công ước tại Việt Nam để chủ động cho việc chuẩn bị nội dung tham gia Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền.
PV: Xin ông cho biết thêm về mục tiêu, những dự định của Đoàn Việt Nam tại Phiên đối thoại?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Đoàn Việt Nam sẽ tham gia Phiên đối thoại trên tinh thần cởi mở, chân thành, hợp tác và xây dựng. Trong Phiên đối thoại, chúng tôi sẽ tập trung vào một số thông điệp như Việt Nam đang tập trung thực hiện nhiều đột phá có tính cách mạng để đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó có việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý Nhà nước ngày càng được chú trọng hơn, bảo đảm và bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân; khẳng định Việt Nam luôn dành sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực tốt nhất có thể và sẽ tiến hành các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền dân sự, chính trị… Những thông tin, bằng chứng được đưa ra tại Báo cáo cũng như Phiên đối thoại sẽ là câu trả lời rõ ràng, phản bác những thông tin còn sai lệch về tình hình quyền con người tại Việt Nam.
Với những vấn đề được đề cập nhưng chưa chính xác, chưa khách quan về tình hình quyền con người tại Việt Nam, chúng tôi xác định sẽ thẳng thắn đối thoại, không né tránh. Đối với những nội dung đã rõ, chúng tôi sẽ thông tin ngay, còn vấn đề chưa đủ thông tin chúng tôi sẽ đề nghị cung cấp thông tin để kiểm tra và trả lời sau.
Chúng tôi cũng xác định tham gia Phiên đối thoại trên tinh thần cầu thị, cởi mở đối với các vấn đề được đề cập để tiếp thu, tiếp tục thúc đẩy những nội dung chúng ta đã thực hiện tốt. Đồng thời, cũng có cách tiếp cận phù hợp để thúc đẩy thực thi Công ước một cách hiệu quả hơn nữa.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.