Thủ tướng nêu ba mục tiêu, bảy giải pháp phát triển logistics
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại diễn đàn logistics Việt Nam 2024, nêu rõ các mục tiêu và giải pháp để thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Sáng 2/12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Diễn đàn logistics Việt Nam 2024 với chủ đề "Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Diễn đàn tập trung vào các nội dung như: Logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới; Thúc đẩy liên kết vùng thông qua kết nối hạ tầng logistics khu vực Đông Nam Bộ; Xu hướng phát triển khu thương mại tự do, cơ hội và khuyến nghị cho ngành logistics Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, logistics là ngành dịch vụ được ví như "mạch máu" của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics. Ngành dịch vụ logistics nước ta tăng bình quân 14-16%/năm, xếp hạng thuộc top 10 thị trường logistics mới nổi, top 4 thế giới về chỉ số cơ hội logistics và top 43 về chỉ số hiệu quả logistics.
Tuy nhiên ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt còn thiếu tính kết nối về hạ tầng, đây là "điểm nghẽn" lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics.
"Khu thương mại tự do sẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng và là công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích.
Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại", ông Diên cho biết.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, địa phương là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Gần đây mạng lưới giao thông liên vùng đang được đầu tư đồng bộ, cộng thêm sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình "cảng xanh, logistics xanh" đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Do đó, việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics Vùng Đông Nam Bộ.
Việc sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với sân bay Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư trên hàng lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải.
Theo ông Thanh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thu hút đầu tư có chọn lọc với công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, không thâm dụng lao động, bảo vệ môi trường.
Riêng năm 2024, ước GRDP Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng trên 10,52%. Đến nay đã thu hút đầu tư qui đổi khoảng 50 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 34 tỷ USD.
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đưa ra các nhóm giải pháp để đưa logictics trở thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao như chính sách pháp luật, thể chế.
Còn ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logictics Việt Nam cũng đề xuất nhiều nội dung, trong đó xây dựng chiến lược cho ngành, đặc biệt tập trung đổi mới sáng tạo về công nghệ và tự động hóa, có cơ chế chính sách để đầu tư khuyến khích hạ tầng logistics. Phát triển liên kết đồng bộ nội vùng giữa hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng cảng biển - sân bay - cửa khẩu…
Cơ chế, thủ tục phải thông thoáng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành đơn vị liên quan cần quan tâm ba mục tiêu, bảy giải pháp, nhiệm vụ.
Trong đó, ba mục tiêu gồm giảm chi phí logistics xuống còn 15%; nâng quy mô logistics trong GRDP lên 15% phấn đấu 20%; tăng quy mô ngành dịch vụ logicstics của Việt Nam trong tổng quy mô của thế giới từ 0,4 thành 0,5%, phấn đấu 0,6%.
Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao nhận thức, vai trò của logistics trong phát triển kinh tế để khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, tạo đột phá, góp phần đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới giàu mạnh, thịnh vượng.
Cơ chế, thủ tục phải thông thoáng để giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Đi đôi với đó là xây dựng hạ tầng logistics thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng cạnh tranh, phát triển hàng không, hàng hải, đường sắt tốc độ cao.
Đồng thời, xây dựng quản trị thông minh, đào tạo nhân lực; đẩy mạnh ngoại giao logistics và hiện đại hóa, xây dựng phát triển quốc gia thương mại tự do; kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông, kết nối đến khu thương mại tự do của thế giới…
Ngoài ra Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải tăng tự lực, tự chủ để có phương án phát triển đồng bộ riêng.
Dịp này, Bộ Công thương cũng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics 2024. Tại diễn đàn, các đơn vị cũng trao bản ghi nhớ hợp tác, công bố báo cáo logictics Việt Nam 2024.