Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mạnh dạn thí điểm cơ chế đặc thù, tiếp tục phân cấp, phân quyền

Sáng nay (8/11), tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình và làm rõ thêm các vấn đề liên quan ở nhiều lĩnh vực và trả lời chất vấn của ĐBQH.

Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%, tạo đà thực hiện kế hoạch 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình và làm rõ thêm các vấn đề liên quan ở nhiều lĩnh vực và trả lời chất vấn của ĐBQH

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình và làm rõ thêm các vấn đề liên quan ở nhiều lĩnh vực và trả lời chất vấn của ĐBQH

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua các báo cáo và các cuộc thảo luận tại tổ, tại Hội trường và các phiên chất vấn của Quốc hội, các vị ĐBQH đã có nhiều ý kiến đánh giá, phân tích, chia sẻ, đóng góp sâu sắc trí tuệ, tâm huyết, thực tiễn với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội thời gian qua. "Hầu hết các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với việc khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, nhiều ĐBQH đã đồng hành với Chính phủ, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những định hướng, giải pháp quan trọng, khả thi, sát thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực.

Cập nhật về tình hình kết quả phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng và dự báo cả năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng tăng 3,2%; khu vực công nghiệp phục hồi tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Các khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt; xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD, vừa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa xuất khẩu 7,12 triệu tấn gạo, trị giá 3,97 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập; sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; thiên tai bão lũ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay (8/11)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay (8/11)

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Các địa phương đầu tàu phát triển thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ, Tết.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu, đồng thời theo dõi sát, nắm chắc tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh; nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà việc thực hiện kế hoạch năm 2024.

Về rà soát hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

"Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc cả về quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện", Thủ tướng nói.

Chi 560 nghìn tỷ cho cải cách tiền lương

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) về thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương, một số ngành, Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc trình các cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan, bởi Việt Nam là nước đang phát triển, có xuất phát điểm thấp, khả năng chống chịu với tác động bên ngoài còn hạn chế; tình hình thế giới cũng thay đổi nhanh nên các văn bản pháp luật có nhiều lúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc ra cơ chế đặc thù là có cơ sở chính trị vững chắc. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa này đều mang tinh thần những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm luật hóa.

"Điều gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định, thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này", Thủ tướng nói và cho hay, về cơ sở thực tiễn, việc thực hiện các Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương hiện đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp.

"Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH TP.. Hồ Chí Minh)

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH TP.. Hồ Chí Minh)

Trước vấn đề cải cách tiền lương được đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nêu ra, Thủ tướng cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Vừa qua, do đại dịch Covid-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ chi cho cải cách tiền lương", người đứng đầu Chính phủ thông tin và cho biết, song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp.

"Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động", Thủ tướng chia sẻ thêm.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên)

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên)

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) về phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo chủ động của các cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đáp ứng yều và mong muốn của cử tri và nhân dân.

Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp phân quyền; năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là việc lớn, việc mới còn khó khăn; việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên công tác này chưa đạt yêu cầu đề ra.

"Công tác chỉ đạo, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy", Thủ tướng nêu giải pháp.

Tại phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc di dời đường dây 500 KV, phát triển du lịch… và đưa ra một số định hướng, giải pháp để giải quyết các vấn đề mà cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) liên quan đến định hướng đường lối đối ngoại, Thủ tướng khẳng định, chúng ta đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng cho biết, gần đây chúng ta đã và đang nâng cấp quan hệ với các nước, đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 20 nước G20.

Năm 2024, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và đang xây dựng chương trình đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế để triển khai chủ trương của Đảng và Ban Bí thư về kinh tế đối ngoại…

L. Chi

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-manh-dan-thi-diem-co-che-dac-thu-tiep-tuc-phan-cap-phan-quyen-183231108122333482.htm