Thúc đẩy du lịch từ ẩm thực
Để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam, đưa ẩm thực vươn tầm thế giới và thúc đẩy du lịch, cần thay đổi cách quảng bá, xúc tiến, trong đó cần sự định hướng rõ ràng từ phía cơ quan quản lý nhà nước để văn hóa ẩm thực thành thương hiệu quốc gia
Không phải đến khi danh sách 70 nhà hàng, quán ăn Michelin Selected (do Michelin Guide đề xuất) và các cá nhân đoạt giải Michelin Guide Special Awards (giải thưởng đặc biệt của Michelin), các nhà hàng Bib Gourmand (có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng), 4 nhà hàng gắn sao Michelin tại Hà Nội và TP HCM… được xướng tên, ẩm thực của Việt Nam mới được chú ý.
Trước đó, từ năm 2017, một trong những mục tiêu, sứ mệnh của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam khi ra đời là đưa văn hóa ẩm thực của Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia. Đồng thời, một loạt giải thưởng quốc tế cũng từng vinh danh ẩm thực Việt Nam như WTA Awards hay các chuyên trang ẩm thực của những đài quốc tế như CNN, BBC đều xướng tên và vinh danh các món ăn Việt Nam.
Còn nhớ giai đoạn 2018-2019, có cả phong trào khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam chỉ để uống cà phê trứng. Hay những đầu bếp của Việt Nam được mời tham gia phục vụ chiêu đãi những bữa ăn cho các nguyên thủ quốc gia tại nhiều sự kiện hoặc ở APEC 2017 cho thấy tiềm năng phát triển du lịch từ ẩm thực là rất lớn.
Và lần này, sự kiện Michelin Guide với việc nhiều nhà hàng, quán ăn được công nhận gắn sao Michelin là bước tiếp theo để văn hóa ẩm thực Việt Nam tiếp tục lan tỏa và phát triển ra thế giới. Câu chuyện ẩm thực gắn với phát triển du lịch là tất yếu và không chỉ du lịch, phát triển ẩm thực còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu và tạo ra sức cạnh tranh mềm cho nền kinh tế. Rất nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước đều thích thú, muốn trải nghiệm những món ăn, thức uống của Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp là những nhà hàng, quán ăn trong danh sách Michelin Guide, được gắn sao Michelin, cần giữ gìn bản sắc cũ và tạo thêm những giá trị mới để thu hút khách nhiều hơn. Muốn vậy, cần sự đồng hành từ các hiệp hội, cơ quan quản lý trong quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ nguồn nhân lực… để cùng góp phần quảng bá đưa ẩm thực ra thế giới.
Với doanh nghiệp lữ hành, trong rất nhiều chương trình, sản phẩm du lịch được giới thiệu tới khách du lịch trong nước và quốc tế đều có hoạt động thưởng thức, khám phá ẩm thực địa phương hoặc tổ chức các lớp học nấu ăn trong lịch trình tour cho du khách; các chương trình trải nghiệm vào vườn trái cây, thưởng thức tại chỗ hoặc khách tự chế biến món ăn sau khi đi câu cá… đều là gắn ẩm thực với du lịch. Những giải pháp này ngành du lịch đã làm thời gian qua và nay sẽ có thêm bước tiếp theo từ việc Michelin gắn sao và công bố những nhà hàng trong danh sách cẩm nang, thêm sự lựa chọn đa dạng cho du khách.
Để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam, đưa ẩm thực vươn tầm thế giới và thúc đẩy du lịch, cần thay đổi cách quảng bá, xúc tiến, trong đó cần sự định hướng rõ ràng từ phía cơ quan quản lý nhà nước để văn hóa ẩm thực thành thương hiệu quốc gia. Cần có chiến lược triển khai mục tiêu này. Đề xuất Chính phủ và bộ, ngành liên quan sớm có kế hoạch, mục tiêu, định vị cụ thể nhằm triển khai chương trình phát triển để Việt Nam thành cường quốc về văn hóa ẩm thực, tăng cạnh tranh mềm cho ngành du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thuc-day-du-lich-tu-am-thuc-2023061522172645.htm