Thúc đẩy nông nghiệp xanh
Nông nghiệp Việt Nam đang thu hút đầu tư theo hướng xanh, sạch, an toàn, bền vững. Tuy nhiên, còn khá nhiều vướng mắc khiến nông nghiệp xanh phát triển chưa hết tiềm năng.

Trồng lúa phát thải thấp, lợi nhuận cao. Ảnh: N.A.
Ông Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nền nông nghiệp đang dần chuyển đổi mô hình sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và tiêu dùng xanh, dựa trên tiền đề tôn trọng tự nhiên, với mục tiêu phối hợp giữa lợi ích về kinh tế - xã hội và sinh thái, đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và quản lý, công nghệ số hiện đại tham gia xuyên xuất vào quá trình sản xuất (từ gieo hạt cho đến lúc lên bàn ăn).
Nói về lợi ích của nông nghiệp xanh mang lại, ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam chia sẻ, phát triển bền vững diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đã giúp giảm 50% lượng giống, giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm phát thải trung bình 5 tấn CO2/ha/vụ, đồng thời tăng lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/ha/vụ. Đối với đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã được thí điểm tại TP Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh.
Tại hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Australia (VASEA) tổ chức tại Hà Nội vừa qua, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp cũng đối diện với nhiều thách thức.
Một trong những thách thức lớn chính là nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại vấn đề thiếu chuyên gia, đội ngũ có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao; ngoài ra tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn lớn. Những người nông dân cần được đào tạo bài bản về các phương pháp canh tác tiên tiến, quản lý đất đai bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các công nghệ xanh, giống cây trồng mới và nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh cũng gặp khó khăn trong việc kết nối với các chuyên gia, tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô sản xuất. Thiếu hụt cơ sở hạ tầng và nguồn lực cũng là một rào cản lớn cần được giải quyết để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp này. Để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp, bà Ngọc cho rằng, chúng ta cần xây dựng một cơ chế thị trường linh hoạt, nơi các sản phẩm nông nghiệp xanh được khuyến khích và hỗ trợ phát triển.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp cho biết, nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, với dự báo khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước sẽ mất từ 500.000 đến 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2050 do nước biển dâng, gây thiệt hại hàng năm lên tới 3% GDP. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và ít phát thải hơn.
Báo cáo kết quả dự án thí điểm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nông nghiệp của Công ty Sorimachi Việt Nam cũng chỉ ra, các địa phương chưa có ngân sách cho việc nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số của các hợp tác xã; đa phần hợp tác xã quản lý tài chính chưa tốt, yếu hoặc không có nhân sự chuyên về kế toán; ít doanh nghiệp hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực quản lý tài chính, chuyển đổi số…
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-day-nong-nghiep-xanh-10300218.html