Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường học
Hiện nay, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng. Với sức lan tỏa rộng rãi, làn gió khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sớm vươn tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) PHAN HỮU HUYỆN.
-Giáo dục có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, việc đẩy mạnh đào tạo kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục là yêu cầu cấp thiết.
Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và vươn ra quốc tế. Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Mục tiêu của đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp. Đây là một trong những chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phù hợp với yêu cầu, xu thế của thời đại, tạo bước đột phá trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Chủ trương này một lần nữa thể hiện rõ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
- Vậy, thời gian qua, ngành Giáo dục Quảng Trị đã có những nỗ lực như thế nào để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
-Để triển khai hiệu quả hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học quán triệt, phổ biến văn bản hướng dẫn về công tác, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Sở chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn.
Căn cứ tình hình thực tiễn, sở đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của ngành và từng đơn vị. Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia các cuộc thi cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Theo ghi nhận, thời gian qua, phong trào nghiên cứu khoa học và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn ngành giáo dục tỉnh đã có những bước khởi sắc rõ nét, lan tỏa rộng rãi. Mỗi năm, toàn ngành có gần 950 đề tài khoa học, sáng kiến được hội đồng khoa học, sáng kiến cấp ngành, huyện, tỉnh công nhận. Nhiều cán bộ, giáo viên có bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Số lượng sản phẩm khoa học - kỹ thuật, đồ dùng dạy học của giáo viên, học sinh đoạt giải cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế ngày càng tăng. Một số sản phẩm được đưa vào ứng dụng trong dạy học và quản lý góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường.
Những năm học qua, ngành đã tổ chức thành công cuộc thi khoa học - kỹ thuật và cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh dành cho học sinh trung học. Mỗi năm, trung bình có 90 dự án đăng ký tham gia hai cuộc thi này. Những dự án đoạt giải cao được ngành chọn tham gia cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế. Điều đáng mừng là nhiều dự án đã mang tin vui về cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tỉnh tổ chức, ngành GD&ĐT thường tham gia với số lượng bài dự thi lớn, có đề tài phong phú. Nhiều đề tài được đánh giá cao bởi ý tưởng mới mẻ, sáng tạo; kế hoạch nghiên cứu được lập một cách công phu, hợp lý, chặt chẽ; giải quyết khá thấu đáo mục tiêu đề ra...
- Bên cạnh kết quả đạt được, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục tỉnh còn những tồn tại, hạn chế gì, thưa ông?
-Nhìn thẳng vào thực tế, có thể khẳng định phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục Quảng Trị vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hiện nay, ngành chưa hình thành được đội ngũ tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn hẹp.
Điều kiện cơ sở vật chất ở các trường học còn nhiều hạn chế, chưa có không gian khởi nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa được triển khai đồng bộ, còn thiếu chiều sâu, chủ yếu mới dừng ở hoạt động truyền cảm hứng. Trên địa bàn có ít trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo được mở để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh.
- Từ sự nhận thức sâu sắc ấy, ông có thể cho biết ngành giáo dục tỉnh sẽ làm gì để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
-Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có ý nghĩa rất to lớn và hết sức cần thiết. Để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục tỉnh nhà, theo tôi, trước tiên chúng ta phải làm tốt công tác truyền thông.
Cùng với đó, nhiệm vụ cần thiết là tập trung hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp. Các đơn vị, trường học cần sớm hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp. Hiện nay, mô hình câu lạc bộ khởi nghiệp trong trường học đã ra đời tại nhiều cơ sở giáo dục. Vì vậy cần tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này.
Ngành giáo dục tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học tích cực tham gia cuộc thi về khoa học - kỹ thuật, ý tưởng khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chủ động phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng, chuyên gia trong nước tổ chức hội thảo, diễn đàn hỗ trợ học sinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Công tác khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần phải đúng lúc, kịp thời; kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ những dự án đoạt giải cao, có tính khả thi tại các cuộc thi; liên kết với doanh nghiệp để xúc tiến ươm mầm sáng tạo trong nhà trường và hỗ trợ học sinh thực hành, trải nghiệm. Tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp...
Để làm được những điều đó, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp từ các sở, ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sự quan tâm ấy sẽ góp phần tạo cơ chế, chính sách, môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp các em hiện thực hóa những dự án, ý tưởng có giá trị của mình.
- Xin cảm ơn ông!
Tây Long (thực hiện)