Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số

Nền tảng số ra đời đã thúc đẩy mô hình kinh doanh công nghệ số. Khai thác thế mạnh này, Bắc Giang đang thực hiện các giải pháp tiêu thụ nông sản dựa trên nền tảng số nhằm tăng cường quảng bá, từng bước mở rộng thị trường cho sản phẩm địa phương.

Đưa sản phẩm tiếp cận đông đảo khách hàng

Theo Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương), sự phát triển của các nền tảng số đã mang lại nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp (DN), cá nhân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tiêu thụ nông sản. Nắm rõ xu hướng này, vừa qua, Cục TMĐT và Kinh tế số, Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp tổ chức livestream quảng bá vải thiều trên TikTox ngay tại vườn vải của hộ anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên). Sau khoảng 2 giờ thực hiện, livestream đã thu hút hơn 130 nghìn người theo dõi. Qua đó, nhiều người dùng mạng xã hội đã biết đến vải thiều sớm Tân Yên, liên hệ mua sản phẩm.

 Livestream quảng bá vải thiều Phúc Hòa (Tân Yên) trên TikTok.

Livestream quảng bá vải thiều Phúc Hòa (Tân Yên) trên TikTok.

Ngoài mạng xã hội, các sàn TMĐT cũng đồng hành tiêu thụ nông sản của tỉnh trong những năm qua như: Buudien.vn (trước đây là Postmart.vn); Sendo, Lazada, Alibaba… Theo ông Đinh Cao Điền, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan trong tỉnh, các hợp tác xã (HTX), người làm vườn quảng bá tiêu thụ vải thiều đến người dân cả nước thông qua mạng lưới của Bưu điện Việt Nam.

Đơn vị sử dụng đường bộ, đường sắt, đường hàng không… vận chuyển vải tươi của tỉnh đến trung tâm 62 tỉnh, TP trong toàn quốc. Cùng đó, đưa vải thiều lên sàn TMĐT Buudien.vn; hướng dẫn HTX, nông dân có sản phẩm nông nghiệp bán hàng trên nền tảng số. Sau khoảng 3 năm, đến nay có hơn 7,3 nghìn tài khoản người dùng tại tỉnh bán hàng trên sàn TMĐT Buudien.vn với hơn 1,7 nghìn sản phẩm, trong đó có 92 sản phẩm OCOP của tỉnh; phát sinh gần 90 nghìn giao dịch, tổng giá trị hơn 48,6 tỷ đồng. Hiện nay, Bưu điện tỉnh đang kết nối, tiêu thụ vải thiều chính vụ, mỳ Chũ (Lục Ngạn).

Theo Sở Công Thương, thông qua nền tảng số, nhiều nông sản của tỉnh đã được quảng bá rộng rãi, không chỉ dừng lại ở trong nước mà còn vươn tới thị trường quốc tế. Sau thời gian dài chuẩn bị, tháng 3/2024, Công ty TNHH một thành viên Thiên An (TP Bắc Giang) đã xây dựng gian bán hàng trên sàn TMĐT quốc tế Amazon.com. Đến nay, sản phẩm nước hoa ô tô và trà hương thảo của DN đã được bán trên sàn với doanh thu bình quân hơn 1 tỷ đồng/tháng cho khách hàng tại Hoa Kỳ. Hiện khách hàng thuộc các nước như Pháp, Đức đã tiếp cận sản phẩm của DN. Để đáp ứng nhu cầu, thời gian tới, DN tiếp tục mở rộng quy mô, nghiên cứu đầu tư sản phẩm mới cung cấp cho khách hàng.

Thay đổi tư duy, kết nối khâu vận chuyển

Lợi thế của nền tảng số là vậy nhưng nhiều DN trong tỉnh vẫn chưa quan tâm khai thác. Bà Nguyễn Thị Thủy, phụ trách Sàn TMĐT Alibaba.com tại Việt Nam chia sẻ, Alibaba là nền tảng TMĐT xuyên biên giới, chỉ bán sỉ, không bán lẻ. Qua tìm hiểu, phần lớn nông sản của tỉnh được tiêu thụ theo mô hình truyền thống, trong đó vải thiều vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ, các thị trường khác như: Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ… chiếm tỷ lệ không nhiều. Nguyên nhân là do nhiều DN vẫn chưa biết bắt đầu xây dựng, vận hành nền tảng TMĐT ra sao, vận chuyển, thanh toán qua sàn như thế nào để bảo đảm an toàn. Những vấn đề này, DN sẽ được hỗ trợ khi đến với sàn Alibaba. Sản phẩm có thể tiếp cận khách hàng đến từ 200 quốc gia trên toàn cầu. Khi khách hàng có nhu cầu sẽ để lại thông tin, từ đó Alibaba kết nối khách hàng với DN của tỉnh, góp phần đưa sản phẩm đến khắp nơi trên thế giới.

 Sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Thiên An được bán trên sàn TMĐT Amazon.

Sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Thiên An được bán trên sàn TMĐT Amazon.

Theo Sở Công Thương, đã có 5 DN tại Bắc Giang mở gian hàng trên sàn Alibaba hoạt động từ 3-9 năm và vẫn đang vận hành hiệu quả.

Một yếu tố nữa cũng khiến DN hạn chế trong khai thác nền tảng số tiêu thụ nông sản, đó là khó khăn trong vận chuyển, nhất là nông sản tươi. Nếu không bảo quản tốt, nông sản tươi sẽ bị giảm phẩm cấp. Nhiều ý kiến cho rằng, khắc phục hạn chế này cần tăng cường kết nối hạ tầng logistics vận chuyển nông sản. Để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống logistics, phục vụ tốt hơn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, TP khẩn trương hoàn thiện trình Đề án phát triển hệ thống dịch vụ logistics, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050".

Về phía tỉnh Bắc Giang, địa phương quy hoạch các trung tâm logistics; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng trung tâm logistics tại TP Bắc Giang; tiếp tục thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các trung tâm dịch vụ logistics tại khu vực đã được quy hoạch. Hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tại các vùng nguyên liệu chủ lực theo mô hình tổ hợp tác, HTX liên kết với DN để cung cấp nông sản bảo đảm chất lượng.

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng nổi tiếng, Bắc Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng, trọng tâm là Sở Công Thương tích cực tham mưu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Cùng với các giải pháp đang thực hiện, Sở Công Thương tiếp tục tuyên truyền để người dân, DN thay đổi tư duy, chuyển từ phương thức truyền thống sang mô hình kinh doanh số.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, các đại sứ quán, tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam ở các nước tìm kiếm, mở rộng và đa dạng thị trường; kết nối huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Người sản xuất quan tâm đổi mới đa dạng mẫu mã, bao bì, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-day-tieu-thu-nong-san-tren-nen-tang-so-081144.bbg