Thực hiện tốt chủ đề năm học để nâng cao chất lượng giáo dục

Thời gian qua, hệ thống trường học trong tỉnh đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ trong tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo tính thống nhất giữa các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường để củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cơ sở vật chất ngành GD&ĐT huyện Đakrông từng bước được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy học cho học sinh- Ảnh: T.V

Cơ sở vật chất ngành GD&ĐT huyện Đakrông từng bước được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy học cho học sinh- Ảnh: T.V

Để đạt được kết quả đó, một trong những giải pháp mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai là yêu cầu các trường học kiên quyết chống lại bệnh thành tích trong giáo dục, đề cao dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất; gắn kết quả thực hiện chủ đề năm học với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể. Trong từng năm học, sở tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chủ đề năm học. Qua đó kịp thời xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai, cuối năm học có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của sở, phòng GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chủ đề năm học đảm bảo nội dung theo hướng dẫn của sở và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trong các năm học 2021-2022, 2022-2023, phòng GD&ĐT các địa phương tổ chức kiểm tra công tác triển khai thực hiện chủ đề năm học thông qua kiểm tra chuyên đề và lồng ghép trong các đợt kiểm tra đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm học của cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Các trường có cấp THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên căn cứ hướng dẫn của sở thành lập ban chỉ đạo thực hiện chủ đề năm học và triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện sát với tình hình thực tiễn của đơn vị. Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ đề năm học của cá nhân, tổ chức đoàn thể trong nhà trường. Định kỳ, các đơn vị báo cáo kết quả triển khai thực hiện chủ đề năm học về Sở GD&ĐT.

Với cách làm đó, đối với giáo dục mầm non, chất lượng bữa ăn tại trường đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với trẻ, không có tình trạng ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh xảy ra nên tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm và khống chế tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì.

Cùng với đó, thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2026 cũng như tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng, xây dựng mạng lưới kết nối để cơ sở giáo dục mầm non thuận lợi trong việc chia sẻ chuyên môn, tham quan học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Đối với giáo dục tiểu học, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất thông qua các chuyên đề dạy học cũng như tổ chức hoạt động trải nghiệm, dạy học liên môn, dạy học theo chủ đề, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như tham gia cuộc thi thiết bị dạy học số, tổ chức thi giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, đưa kế hoạch bài dạy, sổ chủ nhiệm, học bạ điện tử lên phần mềm Vnedu.

Bên cạnh đó, các trường học tăng cường đổi mới công tác kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đảm bảo thực chất, khách quan. Trong chương trình dạy học, tăng cường tích hợp các nội dung về giáo dục an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước, phòng tránh tai nạn bom mìn, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường... để hình thành và nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.

Mặt khác, ngành GD&ĐT cùng với địa phương tiếp tục linh hoạt trong thực hiện bố trí, sắp xếp mạng lưới trường, điểm trường, lớp học hợp lý và có phương án tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, dạy học môn Tiếng Anh, môn Tin học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022- 2023. Tính đến hết năm học 2022-2023, tỉ lệ học 2 buổi/ngày toàn cấp học đạt 95,6%, 100% học sinh lớp 3 được học môn Tiếng Anh, Tin học theo chương trình giáo dục mới.

Đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, ngay từ đầu năm học, trường học xây dựng nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, gắn trách nhiệm với đoàn thể, cá nhân trong hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục khác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, đảm bảo kết quả cao nhất tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào lớp 10.

Các hình thức dạy học được đa dạng hóa, chú trọng hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đặc biệt, giáo viên tích cực hướng dẫn học sinh cách học, cách tư duy, khuyến khích tự học, tạo điều kiện để học sinh tự cập nhật tri thức, kỹ năng và phát triển năng lực. Việc đổi mới sinh hoạt tổ/cụm chuyên môn được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Ngoài sinh hoạt tổ theo quy định tại điều lệ trường trung học, sinh hoạt chuyên đề liên trường, liên cụm được tổ chức theo đúng kế hoạch của hội đồng bộ môn đề ra. Phòng GD&ĐT các địa phương tổ chức nghiêm túc chuyên đề cấp cụm, đơn vị, cá nhân nhận nhiệm vụ thực hiện chuyên đề cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể và chuẩn bị công phu để tổ chức chuyên đề thành công.

Cùng với đó, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của sở, các trường có cấp THPT xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT, phụ đạo cho học sinh ngay từ đầu năm học. Để công tác ôn thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt, nhà trường bố trí kinh phí và đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm thực hiện. Việc thay đổi hình thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ xét tuyển sang kết hợp xét tuyển với thi tuyển đã tác động tích cực đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh, đáp ứng yêu cầu dạy thực chất, học thực chất nên chất lượng giáo dục được nâng cao.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/thuc-hien-tot-chu-de-nam-hoc-de-nang-cao-chat-luong-giao-duc/183571.htm