Thực thi hiệu quả các cam kết về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật

Lần đầu tiên Việt Nam có Đề án Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ FTA.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Lần đầu tiên Việt Nam có Đề án Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do. Để tìm hiểu rõ hơn về việc thực hiện đề án này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam).

Phóng viên: Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Quyết định số 534/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cam kết SPS trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do. Ông có thể chia sẻ thêm về vai trò, ý nghĩa của đề án này?

Ông Ngô Xuân Nam:

Đây là một đề án tổng thể có sự phối hợp 8 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành cũng như các hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao năng lực được thực thi Hiệp định SPS của WTO và các cam kết về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đề án sẽ nâng cao năng lực các bên để thực thi các cam kết về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật. Đây là những cam kết cao của Việt Nam khi tham gia WTO, cũng như các hiệp định thương mại tự do nhằm đảm bảo nông sản xuất khẩu chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu của từng thị trường.

Thực hiện đề án, đến năm 2025, Việt Nam sẽ kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng SPS Việt Nam ở Trung ương và các địa phương nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan trong việc tiếp cận các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật của các thị trường. Có khoảng 80% các sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cẩm nang hướng dẫn tuân thủ các biện pháp SPS; 100% các cán bộ phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm an toàn được đào tạo để nâng cao năng lực; kiện toàn hệ thống các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm nâng cao năng lực.

Phóng viên:Mới đây sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam được EU cho ra khỏi danh sách kiểm soát. Từ việc này, ông có đánh giá như thế nào việc thực thi các quy định về SPS?

Ông Ngô Xuân Nam:

Đây là kết quả của sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực quốc gia về SPS với Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước, với các cơ quan thường trực Việt Nam tại nước ngoài. Các cơ quan có sự phối hợp chặt chẽ để cập nhật cũng như thông báo, hướng dẫn, phối hợp để xử lý, theo dõi, cảnh báo về sản phẩm.

Nhưng điều quan trọng chính là nội lực của các cơ sở sản xuất, chế biến đã kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế, chế biến sản phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, không có sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vi phạm quy định EU. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để EU xem xét để tháo gỡ sản phẩm này.

Mở rộng ra các ngành hàng khác khi xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp phải hiểu đúng các quy định của thị trường. Đối với thị trường EU, định kỳ 6 tháng, EU sẽ xem xét đánh giá để gỡ bỏ các quy định, hay tăng các biện pháp kiểm soát, thậm chí cấm nhập khẩu. EU áp dụng điều này với tất cả các quốc gia có sản phẩm vào EU.

Bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Phóng viên: Nhìn lại hơn 17 năm Việt Nam gia nhập WTO cũng như tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ông có đánh giá gì về sự thay đổi về SPS của các nước?

Ông Ngô Xuân Nam: Qua hơn 17 năm Việt Nam gia nhập WTO, đặc biệt là giai đoạn gần đây, khi hàng rào thuế quan các mặt hàng nông sản thực phẩm bằng 0, xu thế các nước đều gia tăng các biện pháp kiểm soát về SPS. Mục tiêu là đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; bảo vệ sức khỏe động, thực vật. Các quy định đều đảm bảo hài hòa chứ không làm cản trở hoạt động thương mại.

Ngay Việt Nam cũng ban hành nhiều thông tư nhằm quản lý, bảo đảm an toàn nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Việt Nam cũng đưa ra nhiều quy định để nâng cao chất lượng hàng nông sản, thực phẩm thì các thành viên WTO cũng tương tự như vậy.

Với xu thế như vậy, đề án được ban hành rất phù hợp và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và đòi hỏi phải thích ứng ngay với các quy định của thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại mới. Khi thực hiện tốt các cam kết này, chất lượng hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam sẽ được nâng cao; người tiêu dùng trong nước cũng như trên thế giới sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm được đảm bảo an toàn, chất lượng.

Phóng viên: Theo ông vai trò của địa phương, hiệp hội ngành hàng trong việc thực hiện đề án trên là gì?

Ông Ngô Xuân Nam:

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều tỉnh, thành đã chỉ đạo ngay các đơn vị chuyên môn tham mưu triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Ở góc độ khác, các tỉnh, thành phố phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nội dung của đề án, đặc biệt là vai trò về tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân các quy định của thị trường cũng như cập nhật các thông tin của thị trường cho các đối tượng này.

Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất. Khi địa phương làm tốt hai nội dung này, tôi tin là hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu của các thị trường.

Hiệp hội ngành hàng cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối các hội viên cũng như phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, tuy nhiên cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy, trong đề án, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến vai trò của các hiệp hội ngành hàng về hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Đề án có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành; nhiều lực lượng trong và ngoài nước; các ngành hàng; các tổ chức chính trị xã hội với mục tiêu cuối cùng là nâng cao được năng lực thực thi Hiệp định SPS và các cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật mà Việt Nam đã cam kết cũng như xây dựng hình ảnh, thương hiệu về chất lượng nông sản Việt.
Phóng viên:Xin cảm ơn ông!

Bích Hồng (Thực hiện)/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuc-thi-hieu-qua-cac-cam-ket-ve-ve-sinh-dich-te-va-kiem-dich-dong-thuc-vat/338514.html