Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Ưu tiên quyền lợi quốc gia

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, quan điểm của đơn vị này khi nghiên cứu về thuế tối thiểu toàn cầu đó là ưu tiên quyền lợi quốc gia.

Ảnh minh họa: Internet.

Ảnh minh họa: Internet.

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập được miễn, giảm thuế tại nước nhận đầu tư.

Hiện tại, Chính phủ các nước đầu tư và nhận đầu tư đều đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu. Nhiều nước sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Vấn đề này cũng đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam trong duy trì tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, đòi hỏi cần có những chiến lược cụ thể hơn.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về tác động và ảnh hưởng của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ nhấn mạnh cần tập trung vào việc quá trình hình thành và nội hàm thuế suất tối thiểu toàn cầu; khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia; làm rõ hơn chính sách thuế của ta trong thời gian vừa qua; phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam.

Trong đó, tập trung đánh giá tác động đến: Ngân sách nhà nước; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam; giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.

Đánh giá về thuế tối thiểu toàn cầu, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và chiến lược phát triển cho rằng, hiện nay, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn đa quốc gia lớn chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2 Thuế tối thiểu toàn cầu đang được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện ưu đãi về đầu tư trong địa bàn ưu tiên, lĩnh vực ưu tiên, hoặc quy mô đầu tư lớn, với mức thuế suất áp dụng thấp hơn nhiều so với mức 15%.

Tuy nhiên, các ưu đãi này sẽ không còn tác dụng khi phát sinh thêm thuế phải nộp bổ sung, cộng thêm với việc doanh nghiệp thường phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn ở giai đoạn đầu cho cơ sở vật chất, nhân lực... Điều này sẽ gây bất lợi lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, ưu đãi thuế hiện là một công cụ để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, khiến các biện pháp ưu đãi thuế không còn mang lại nhiều tác dụng.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Việt Nam có quyền đánh thuế hoặc không đánh thuế bổ sung phần thuế suất chênh lệch theo Trụ cột 2, song Việt Nam không có quyền yêu cầu các nước khác không đánh thuế bổ sung hoặc không thực hiện các quy tắc Trụ cột 2 đối với các công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Minh cho rằng, khi áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có những tác động cả về mặt cơ hội và những thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Trong đó, đối với những cơ hội theo chiều hướng tích cực, việc đánh thuế bổ sung lên thuế suất tối thiểu 15% sẽ góp phần tăng cường hội nhập quốc tế Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua việc sửa đổi chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan đến thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Việc đánh thuế bổ sung lên thuế suất tối thiểu 15% có thể tăng thu ngân sách nhà nước về thuế Thu nhập doanh nghiệp trong ngắn hạn do nâng mức thuế suất lên mức tối thiểu toàn cầu, đồng thời tránh việc phải cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và hạn chế các hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Trong trường hợp Việt Nam đánh thuế bổ sung, nâng thuế suất tối thiểu lên 15%, Chính phủ Việt Nam sẽ phải chịu sức ép từ các doanh nghiệp bị tác động bởi Trụ cột 2 và việc sửa đổi chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan đến thuế Thu nhập doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, nhiều công ty đa quốc gia đã đưa ra khuyến nghị về việc áp dụng cơ chế ưu đãi bằng tiền nhằm hỗ trợ một phần chi phí đầu tư. Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng, khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất và mang tính dài hạn.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, hiện nay, Tổng cục Thuế là cơ quan được giao quản lý thu ngân sách đã và đang theo dõi sát diễn biến của các nước áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài và nhận đầu tư từ nước ngoài. Quan điểm của Tổng cục Thuế khi nghiên cứu về Trụ cột 2 đó là quan trọng nhất phải là quyền lợi quốc gia.

Văn Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuc-thi-thue-toi-thieu-toan-cau-uu-tien-quyen-loi-quoc-gia-5715085.html