Thuế quan - 'cú sốc cầu' đối với kinh tế toàn cầu
Nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách thuế quan thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cản trở bánh xe của nền kinh tế thế giới vốn đã được bôi trơn trong nhiều thập kỷ nhờ hoạt động thương mại tương đối tự do.

Cú sốc nghiêm trọng
Ông Trump cho biết trong một phỏng vấn trên truyền hình hôm Chủ Nhật là ông tin Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận thương mại. Chính quyền Trump cũng cho biết họ sắp đạt được thỏa thuận với các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản để tránh thêm thuế quan trong những tuần tới.
Tuy nhiên hiện chưa có bất kỳ một thông tin cụ thể nào về các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác, và cũng chưa rõ cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi nào sẽ bắt đầu chứ chưa nói tới việc nó sẽ kết thúc thế nào. Trong khi mức thuế quan tổng cộng mà ông Trump đang áp dụng đối với hàng hóa từ Trung Quốc lên tới 145%.
Chính sự không chắc chắn này đang là yếu tố cản trở chính đối với hoạt động của các doanh nghiệp và rộng hơn là kinh tế toàn cầu. Hiện hầu hết các nhà kinh tế đang gọi chính sách thuế quan của ông Trump là “cú sốc cầu” đối với nền kinh tế thế giới, bằng cách khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, sẽ làm suy yếu hoạt động ở những nơi khác.
“Chính sách thuế quan của Mỹ là một cú sốc tiêu cực nghiêm trọng đối với thế giới trong tương lai gần”, Isabelle Mateos y Lago - Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Pháp BNP Paribas cho biết. “Trò chơi kết thúc thuế quan của Mỹ có thể còn xa hơn và ở mức cao hơn so với suy nghĩ trước đây”, bà nói về thuế quan toàn diện của Mỹ hiện được đặt ở mức cơ sở là 10% cùng với các mức thuế quan cao hơn đối với các sản phẩm như thép, nhôm và ô tô.
Sản xuất đang gặp khó
Trên thực tế không ít doanh nghiệp, từ các công ty thương mại điện tử nhỏ cho tới các tập đoàn đa quốc gia tuần trước đã cắt giảm mục tiêu bán hàng, cảnh báo về việc cắt giảm việc làm và xem xét lại các kế hoạch kinh doanh của họ.
Chẳng hạn nhà sản xuất thiết bị gia dụng Electrolux của Thụy Điển đã cắt giảm triển vọng trong khi Volvo Cars, hay nhà sản xuất thiết bị máy tính Logitech và gã khổng lồ đồ uống Diageo đã từ bỏ mục tiêu của họ vì sự không chắc chắn xung quanh chính sách thuế quan.
Đặc biệt, việc xóa bỏ chế độ miễn thuế “de minimis” (đối với hàng hóa có giá trị nhỏ, khối lượng nhập khẩu không lớn) vào tuần trước đối với các gói thương mại điện tử có giá trị dưới 800 USD đối với các sản phẩm từ Trung Quốc là một đòn giáng mạnh vào nhiều công ty nhỏ hơn.
“Chúng ta đang đi từ con số 0 lên 145%, điều này thực sự không thể duy trì đối với các công ty và không thể duy trì đối với khách hàng”, Cindy Allen - Tổng giám đốc điều hành của Trade Force Multiplier, một công ty tư vấn thương mại toàn cầu, cho biết. “Tôi đã thấy rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ chọn cách rời khỏi thị trường hoàn toàn”.
Không chỉ doanh nghiệp mà hầu hết các nền kinh tế đều bị hạ dự báo tăng trưởng do những bất ổn liên quan tới chính sách thuế quan của Mỹ. Chẳng hạn NHTW Nhật Bản vào tuần trước đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của nước này, trong khi căng thẳng thương mại cũng được các nhà dự báo viện dẫn để hạ triển vọng tăng trưởng cho Hà Lan và khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA).
Các thước đo về hoạt động ở nhiều nền kinh tế lớn cũng cho thấy rõ điều đó, như hoạt động của nhà máy Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng vào tháng 4, trong khi một báo cáo tương tự của Vương quốc Anh cho thấy xuất khẩu của nhà máy Anh trong tháng trước đã giảm với tốc độ mạnh nhất trong gần 5 năm...

Khảo sát của Reuters: Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn
Điểm tích cực duy nhất
Theo các chuyên gia, điểm tích cực duy nhất của căng thẳng thương mại là nó có thể làm giảm áp lực lạm phát và do đó sẽ tạo điều kiện cho các NHTW có nhiều dư địa hơn để thúc đẩy nền kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất, điều mà NHTW châu Âu đã thực hiện hôm 17/4 và rất có thể NHTW Anh sẽ thực hiện trong tuần này.
Tuy nhiên điều đó không diễn ra ở Mỹ khi mà theo các nhà kinh tế, chính sách thuế quan có thể làm tăng lạm phát trong ngắn hạn và đó chính là lý do khiến Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất vào ngày 7/5 tới, nhất là khi thị trường lao động Mỹ vẫn đang vững chắc.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thue-quan-cu-soc-cau-doi-voi-kinh-te-toan-cau-163697.html