Tiễn biệt nhà khảo cổ học khả kính
Trưa ngày 6/5/2025, nhận được tin PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã rời cõi nhân gian sau nửa năm chống chọi với bạo bệnh, tôi liền gọi điện thoại chia buồn với GS Nguyễn Lân Dũng – người anh ruột của nhà khảo cổ được mệnh danh là chuyên gia 'cổ nhân học'. Quen biết PGS.TS Nguyễn Lân Cường và từ lâu được ông coi là một người bạn vong niên, với tôi đó là vinh hạnh và tôi luôn trân trọng, cảm phục ông, một nhà khoa học đúng nghĩa, luôn say mê với khảo cổ và nhiệt huyết với cuộc đời…
Mùa hè năm 2008, tôi đến dự Lễ kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi – Chu Văn An (Hà Nội). Ai cũng biết đây là ngôi trường rất nổi tiếng Đông Dương thời thuộc Pháp và hàng chục năm qua vẫn có điểm đầu vào luôn cao nhất Hà Nội. Trước 1945, đây là ngôi trường có những vị giáo sư nổi tiếng, có thể coi là tinh hoa của trí thức Việt Nam và Đông Dương; học sinh của trường qua các thời kỳ cũng có nhiều người được coi là “Danh nhân”, có đóng góp quan trọng với sự phát triển của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường là nhà khảo cổ học, một chuyên gia "cổ nhân học".
Trở lại Lễ kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi – Chu Văn An hôm ấy, một chương trình văn nghệ đặc sắc chào mừng được đạo diễn bởi cựu học sinh Nguyễn Lân Cường, năm đó đã gần tuổi thất thập. Ông bận bộ đồ trắng áo đuôi tôm, giày trắng, cổ áo thắt nơ, lịch lãm và oai như một vị nhạc trưởng thực thụ. Vừa đạo diễn các tiết mục văn nghệ, ông vừa chỉ huy dàn hợp xướng, tốp ca… khiến quan khách đều trầm trồ về sự tài hoa của thầy và trò trường Trường Bưởi – Chu Văn An…
PGS.TS Nguyễn Lân Cường khá đa năng và tài hoa ở nhiều lĩnh vực nhưng tôi mến mộ ông nhất với tư cách là nhà khảo cổ, một chuyên gia ngành “Cổ nhân học”, có lẽ vì tôi mê lịch sử và luôn trăn trở tìm hiểu những bài học, kinh nghiệm của quá khứ để liên hệ với cuộc sống hôm nay; nói một cách “vĩ mô” là: “Dùng lịch sử làm gương soi thì có thể thấy được nguyên nhân hưng vong của đất nước”. Bởi vậy, tôi nhanh chóng kết thân và được ông coi là một người bạn vong niên; lúc thì tôi gọi ông là “thầy”, lúc gọi là “anh”, còn ông thì thân mật xưng hô với tôi là “tớ, cậu” hoặc “anh, em”.

PGS.TS, nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, cựu học sinh Trường Bưởi – Chu Văn An, chỉ huy dàn hợp xướng trong chương trình văn nghệ kỷ niệm 100 năm thành lập ngôi trường từng nổi tiếng cả Đông Dương (Hà Nội, 18/5/2008). Ảnh: Duy Hiển
Nguyễn Lân Cường là người quảng giao, dễ gần và “quá dồi dào năng lượng”. Những năm ở tuổi 70 đến ngoài 80, ông vẫn phóng xe máy ầm ầm; tạng người ông nhỏ thó, nhanh như… con sóc và ông chạy xe máy cũng kiểu “nhích ga là bay lướt”. Chiếc xe máy trung thành với ông, tôi vẫn nhớ là Honda Vision màu xám đen; ông luôn đặt một chiếc catap loại nhỏ ở giữa thân xe, chủ yếu đựng tài liệu và một số thiết bị nhỏ phục vụ công tác khảo cổ. Tôi đã nhiều lần theo chân PGS.TS Nguyễn Lân Cường đi điền dã các di chỉ khảo cổ học nổi tiếng, thậm chí tham gia cả việc khai quật mộ cổ - một công việc mà tôi chả có chuyên môn gì nhưng luôn quan tâm, nghe ngóng để “viết được cái gì hay thì viết”.

PGS.TS, nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Bưởi – Chu Văn An (Hà Nội, ngày 18/5/2008). Ảnh: Duy Hiển
Không ít lần, dù biết ông mới về từ một di chỉ đang khai quật, khi tôi ngỏ lời “Hay ngày mai anh đưa em đến đó?”, thì ông vẫn vui vẻ nhận lời và hai anh em lại phóng xe máy đến nơi, bất kể mưa nắng… Đam mê khoa học và sâu sát tới từng chi tiết công việc khảo cổ, ông không ngại nắng gió ẩm thấp, cứ trằn mình giữa những hang động hoặc hố khai quật để lượm tìm dấu tích người xưa rồi chắp nối, phục dựng, bảo tồn những giá trị của quá khứ. Đầu năm 2009 tại xã Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội), di tích khảo cổ Thành Dền được giới khảo cổ học quan tâm vì những kết quả nghiên cứu mới. Trên diện tích khai quật rộng khoảng 300m2, đã phát hiện, thu được nhiều hiện vật. Đáng chú ý là đồ đồng, với sự có mặt của hầu hết các loại công cụ, vũ khí và trang sức bằng đồng điển hình của văn hóa Đồng Đậu (3.500 - 3.000 năm). Tại đây cũng thu được khuôn đúc bằng đá, đất nung, xỉ đồng, mảnh nồi nấu đồng…

Nhà khảo cổ học, PGS.TS Nguyễn Lân Cường và các đồng nghiệp quốc tế trong một cuộc khai quật khảo cổ.
Người đưa tôi đến Thành Dền và trực tiếp làm hướng dẫn viên cho tôi hôm đó chính là PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Giữa cái nắng chói chang đầu hè, mồ hôi ướt hết cả chiếc áo sơ mi nhưng ông vẫn tẩn mẩn xem kĩ từng hiện vật thu được rồi “đọc” cho tôi hiểu: “Cái này là đốt sống của một con cá, đây là bộ hàm dưới của con chuột. Chúng đã nằm yên trong lòng đất từ ngàn năm rồi!”. Ông đặt hàm răng của chú chuột trong lòng bàn tay mình, xem đi xem lại rồi chặc lưỡi bảo: “Nó đã được qua lửa rồi. Thuở xưa, chuột là một món khoái khẩu của các cụ đấy!”. Trong sự ngột ngạt, oi bức của một ngày hè, Nguyễn Lân Cường bỏ chiếc mũ lá đang đội, dùng tay phe phẩy quạt, điệu bộ nom thật hài hước, hóm hỉnh...; trên vầng trán rộng lấm tấm những giọt mồ hôi.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường thuyết minh về một số hiện vật trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010),
Lại nhớ mùa đông năm 2009, Báo CAND liên tục có tin, bài đấu tranh, bảo vệ “Bảo tàng trong lòng đất” (tức khu di chỉ khảo cổ Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) không bị xóa sổ bởi dự án khu đô thị Di Trạch – Kim Chung. Hôm ấy, đã là ngày cận tết nguyên đán Canh dần, tôi cùng PGS.TS Nguyễn Lân Cường và một số nhà khảo cổ có mặt ngay trên cánh đồng Vườn Chuối. Ông đã khảo sát tỉ mỉ thực địa, xem xét những hiện vật thu được trong đợt khảo cổ do Khoa Lịch sử (Đại học KHXH & NV Hà Nội) tiến hành.
Hôm ấy, ông đã khẳng định với chúng tôi: “Vườn Chuối nằm trong cụm di chỉ khảo cổ Lai Xá phản ánh quá trình phát triển của cư dân Việt cổ về văn hóa, đời sống, sản xuất thời kì tiền sơ sử cách nay 3.500 – 3.000 năm. Cụm di tích như thế này là rất hiếm, kể cả sau khi Hà Nội đã được mở rộng; nó là tài nguyên văn hóa, tuy không làm ra tiền ngay nhưng là vô giá. Hà Nội nên và cần phải giữ lại khu di chỉ khảo cổ này. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, nếu để mất đi thì không thể tái tạo được”... Với sự vào cuộc kịp thời các nhà khoa học lịch sử và báo chí, khu Di chỉ khảo cổ Lai Xá – một “Bảo tàng trong lòng đất” đã cơ bản thoát khỏi nguy cơ bị xóa sổ…

PGS.TS Nguyễn Lân Cường và tác giả (bìa trái ảnh) tại di chỉ khảo cổ học nổi tiếng Vườn Chuối. (Ảnh chụp năm 2010).
Có lần, ông kể với tôi thời tuổi thơ êm đềm và sống động của mình: “Năm 1951, ba tôi (Giáo sư Nguyễn Lân - lúc đó đang là Giám đốc giáo dục Liên khu Việt Bắc, PV), được cử sang Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc, cùng với một số Giáo sư khác như: Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Lê Văn Thiêm, nhà văn Hoài Thanh, nhà sử học Trần Văn Giáp, nhạc sĩ Phạm Tuyên, họa sĩ Nguyễn Khang... để đào tạo các giáo viên Việt Nam, rồi trở về nước phục vụ ngành giáo dục. Các vị Giáo sư và nhiều cán bộ được mang theo gia đình, chính vì vậy mà cả 6 anh chị em tôi được sang Khu học xá ngay từ năm 1951. Sau đó 2 em trai của tôi mà nay là GS.TS Nguyễn Lân Việt và PGS.TS Nguyễn Lân Trung, lần lượt ra đời tại nước bạn; nên cha tôi đã đặt tên 2 em để kỷ niệm mối tình hữu nghị Việt - Trung.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường làm các thủ tục tâm linh trước khi mở nắp chiếc quan tài cổ phát lộ năm 2013 tại cánh đồng Chằm thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Lúc sang Trung Quốc tôi tròn 10 tuổi và học lớp 3. Mãi tới năm 1958 - năm lớp 8, tôi mới trở về nước và theo học ở Trường Chu Văn An và sau một năm chuyển về trường Phổ thông cấp 3 Việt - Đức. Tám năm ở nước bạn, lứa học sinh phổ thông của chúng tôi được đào tạo khá toàn diện. Ngoài văn hóa chúng tôi còn được học âm nhạc, hội họa, chơi thể thao đặc biệt tôi mê bóng đá và nhận vai thủ môn. Cứ mỗi lần giao lưu thể thao với các bạn Trung Quốc thì hầu như bóng đá là chúng tôi thắng, còn bóng rổ - chúng tôi luôn bị thua. Tôi học nhạc từ năm 1951 tại Trung Quốc do Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu và Thầy Túc (người Trung Quốc) dạy. Lứa anh em học sinh chúng tôi sau này hầu hết đều thành đạt... Nhiều người trở thành những nhà hoạt động chính trị, khoa học hay kinh doanh nổi tiếng.
Năm 1959 -1963, tôi hoạt động âm nhạc rất sôi nổi. Tôi vừa sáng tác, vừa dàn dựng và chỉ huy luôn dàn hợp xướng gần trăm người với dàn nhạc đầy đủ cả bộ dây lẫn bộ kèn với 30 nhạc công của Trường phổ thông cấp 3 Việt - Đức. Các bạn trong dàn nhạc đều là học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam - sáng học văn hóa, chiều học âm nhạc”.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường trong lần tham gia khai quật di chỉ khảo cổ Thành Dền năm 2010. Ảnh: Duy Hiển
Căn nguyên để Nguyễn Lân Cường trở thành nhà khảo cổ học, kể cũng lạ. Năm 1960, tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Lân Cường thi vào Khoa Sinh vật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học được một năm, thì nghe phong thanh có lớp đi học về kịch nói ở Matxcơva. Ông xin phép nhà trường đi thi; qua 2 vòng thi tuyển với hàng trăm thí sinh, ông trúng tuyển, cùng 15 bạn trẻ khác. Số sinh viên này được triệu tập đi học ngoại ngữ tiếng Nga 1 năm. Nhưng trước ngày lên đường khoảng một tuần, thì Bộ Văn hóa quyết định cả đoàn không đi nữa! Mọi người buồn quá và mãi sau mới biết lý do không được đi do vấn đề ... “xét lại” đang diễn ra khá phức tạp ở nước bạn. “Trong cái rủi có cái may, bởi nếu không, hôm nay đã không có một ông “Cổ nhân học” Nguyễn Lân Cường! Thầy có nghĩ thế không?” – tôi hỏi PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Ông trả lời tôi bằng nụ cười hóm hỉnh, đôi mắt nhỏ sáng lấp lánh đang chứa đầy hoài niệm.
Theo hồi ức của Nguyễn Lân Cường, lỡ dở mộng du học, ông về học tiếp Đại học Tổng hợp năm thứ 2. Gần chục anh chị em khác trong lớp cũng trở về trường cũ, chỉ có Trọng Khôi vẫn tiếp tục theo nghiệp kịch nói và sau này trở thành NSND tên tuổi...
Tốt nghiệp khoa sinh vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với Luận văn “Phương pháp nuôi cá mè ở ruộng nước”, Nguyễn Lân Cường được phân về Viện Dược liệu để... vẽ cây thuốc và dạy hát; do ông được dạy nhạc họa từ hồi học phổ thông bên Trung Quốc, đặc biệt ông viết chữ rất đẹp. Vốn là người ưa hoạt động, nay lại bị “nhốt” trong 4 bức tường, chỉ chưa đầy 2 tháng ông đã xin chuyển về công tác tại Đội Khảo cổ học mà sau này là Viện Khảo cổ học…


PGS.TS Nguyễn Lân Cường trao tặng tác giả một số cuốn sách, công trình của ông.
Năm 1969, một bước ngoặt đến với cuộc đời Nguyễn Lân Cường. Viện trưởng Viện Khảo cổ học Phạm Huy Thông và Phó Viện trưởng Văn Trọng sang thăm Liên Xô. Hai ông có gặp GS Ghêraximôp - cha đẻ của ngành khoa học phục chế lại mặt theo xương sọ. Trở về nước, lãnh đạo Viện thấy Nguyễn Lân Cường có khả năng về hội họa lại được Viện phân công nghiên cứu về di cốt người cổ nên quyết định cử ông đi thực tập sinh về chuyên đề này; nhưng không may, năm 1971, GS Ghêraximốp qua đời, nên việc này bị đình lại. Mãi tới năm 1979, ông mới được cử sang Viện Hàn lâm khoa học của CHDC Đức ở Berlin để theo học TS Herbert Ullrich (học trò khóa 1 của Ghêraximốp) và tới năm 1981 mới trở về nước. Cho đến nay, ông là người Việt Nam đầu tiên trong số rất ít người được học, đào tạo bài bản về bộ môn khoa học khá hấp dẫn này…. Nhiều năm trước, ông và các cộng sự được dư luận đặc biệt chú ý và hoan nghênh khi thực hiện thành công một số dự án văn hóa – tâm linh như: tu bổ và bảo quản nhục thân 2 vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội); tu bổ và bảo quản nhục thân thiền sư Như Trí tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh)…
Với Báo CAND, PGS.TS Nguyễn Lân Cường là bạn đọc và cộng tác viên thân thiết. Ông đã có nhiều bài về đề tài khảo cổ đăng trên các ấn phẩm của báo. Tuổi 80 ông vẫn năng đi, năng hoạt động nên có lần bị ngã xe, trẹo xương chân (mùa hè năm 2021). Hay tin, tôi liền đến thăm ông ở nhà riêng trong khu tập thể phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ông ngồi trên chiếc sofa trải đệm ở phòng khách, cười rổn rảng khi thấy tôi đến và bảo: “Anh ổn rồi, chắc vài hôm nữa đi lại bình thường”. Tôi thăm hỏi, động viên ông và nhắc: “Anh giờ là ngoài tuổi 80 rồi, ham vui vừa thôi, đừng đi xe máy nữa!”... Nguyễn Lân Cường nhìn tôi và cười bằng ánh mắt dí dỏm: “Cậu yên tâm, tớ còn khỏe lắm!”.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - cộng tác viên, người bạn thân thiết của Báo CAND. Ảnh: Duy Hiển
Đầu tháng 3/2025, hay tin PGS.TS Nguyễn Lân Cường lâm trọng bệnh, tôi vội đến bệnh viện thăm ông. Một con người luôn dồi dào năng lượng như ông, nay phải nằm xẹp lép trên giường bệnh, người gầy rộc đi, khuôn mặt hốc hác, tóc tai bơ phờ nhưng vẫn ánh mắt tinh nhanh ấy, nụ cười dí dỏm và lối nói chuyện hài hước, thông minh. Ông đưa bàn tay chỉ còn da bọc xương nắm lấy tay tôi và kể: "Hôm đó là gần cuối năm 2024, mình đang cùng anh em làm việc ở Vườn Chuối (khu di chỉ khảo cổ học nổi tiếng tại xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội), thì thấy bụng đau dữ dội. Vội đi khám và phải nhập viện ngay. Các bác sĩ hút trong ổ bụng mình gần 2 xô to toàn nước và dịch đen. Trước đó, mình thấy người mỏi mệt, ăn không ngon, sút cân nhưng chủ quan không đi khám... Thế là mình phải nằm viện từ đó đến giờ".
Ông kể tóm tắt quá trình điều trị bệnh với giọng điệu dí dỏm như vốn thế. Lúc sau, ông bảo tôi: "Em chụp với anh bức ảnh. Ai đến thăm anh, anh cũng đề nghị chụp ảnh. Em biết để làm gì không? Cuối tháng 12/2025, anh tổ chức sinh nhật lần thứ 84; anh sẽ mời tất cả những người bạn thân quý đến dự chia vui, có hình ảnh, clip về họ một cách trang trọng trình chiếu hôm đó"…
Tính từ hôm tôi đến thăm ông, tới ngày nhận được tin ông rời xa cõi nhân gian là gần 2 tháng! Kiếp nhân sinh được trời cho 84 mùa Xuân, sống một cuộc đời vui vẻ và hữu ích như ông, thực cũng là ao ước của bao người.
Xin tiễn biệt PGS.TS Nguyễn Lân Cường, một người anh khả kính của tôi!
Hà Nội, 7/5/2025
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/tien-biet-nha-khao-co-hoc-kha-kinh-i767739/