Tiền Giang: Huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận 72 ngày 23-2-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13 ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.ĐẨY MẠNH HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Thông qua nhiều nỗ lực, huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau, thời gian qua tỉnh Tiền Giang đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Từ đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được định hình, mang lại ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Cầu Mỹ Thuận 2 đi vào khai thác giúp Tiền Giang tăng cường kết nối với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Minh Thành

Cầu Mỹ Thuận 2 đi vào khai thác giúp Tiền Giang tăng cường kết nối với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Minh Thành

Điều này còn tạo nên tiền đề rất quan trọng để Tiền Giang kết nối với các tỉnh, thành khác trong vùng. Tiếp nối những kết quả của chặng đường đã qua, giai đoạn 2020 - 2025, Tiền Giang tiếp tục chọn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn là một trong những khâu đột phá.

Theo đó, Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long...; trong đó, ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền.

Cụ thể hóa các khâu đột phá, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, từ nhiều nguồn lực khác nhau, Tiền Giang đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mà trọng điểm là hạ tầng giao thông, đã mang lại hiệu quả tích cực.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã có chủ trương ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Tỉnh đã và đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiền Giang cũng sẽ tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa kết nối các địa phương, vùng và khu vực; phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số.

Theo đó, Tiền Giang tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận triển khai đầu tư xây dựng các tuyến: Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; Dự án mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận; trục động lực TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang (Quốc lộ 50B); nâng cấp quản lý 3 tuyến đường địa phương thành Quốc lộ (Quốc lộ 30B, Quốc lộ 30C, Quốc lộ 62); tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Tiền Giang nối tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre; tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh Tiền Giang...; đồng thời, nâng cấp và xây dựng một số hệ thống hồ trữ nước quan trọng, chủ động phòng, chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Cụ thể, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh cho ngành Giao thông là 9.615 tỷ đồng, chiếm gần 38% trên tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, việc đầu tư các cầu để kết nối, phục vụ nhu cầu giao thông của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội tại các cù lao trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xác định là trọng tâm, trọng điểm.

Kết quả cụ thể cho thấy, trong năm 2022 - 2023, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư thêm 2 cầu lớn trên địa bàn huyện Cái Bè với tổng mức đầu tư khoảng 232 tỷ đồng (cầu Vàm Cái Thia và cầu Mỹ Đức Tây). Mới đây, tỉnh tiếp tục đầu tư 2 cầu lớn với tổng mức đầu tư hơn 384 tỷ đồng bắc qua cồn Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông) và cầu Tân Phong bắc qua cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), hiện cầu Tân Thạnh đã đưa vào khai thác. Riêng cù lao Thới Sơn được Trung ương đầu tư cầu Rạch Miễu nối liền tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre qua cù lao Thới Sơn.

Như vậy, sau khi cầu Tân Phong đi vào khai thác, trên địa bàn tỉnh chỉ còn lại cù lao Lợi Quan (huyện Tân Phú Đông) sẽ được đầu tư cầu kết hợp với Dự án Tuyến đường ven biển nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre, còn cầu qua cồn Tân Long (thuộc TP. Mỹ Tho) sẽ được tỉnh xem xét, đầu tư vào thời điểm thích hợp.

Chưa kể, nhiều dự án giao thông đã và đang được triển khai như: Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền), đường và kè sông Bảo Định, tuyến đường phát triển Đồng Tháp Mười… Đây là những dự án lớn, mang tính động lực nhằm kết nối phát triển trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo sức bật mới cho Tiền Giang.

THU HẸP KHOẢNG CÁCH GIỮA THÀNH THỊ VÀ NÔNG THÔN

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh còn là bước đi dài, cần nhiều nguồn lực. Dựa trên cơ sở nhu cầu thực tiễn và để triển khai có hiệu quả Kết luận 72, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hợp lý, hiệu quả giữa các ngành, địa phương trong tỉnh, đảm bảo tính kết nối với các tỉnh trong vùng và cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.

Thi công Dự án đường và kè sông Bảo Định. Ảnh: Minh Thành

Thi công Dự án đường và kè sông Bảo Định. Ảnh: Minh Thành

Song song đó là giải quyết những yêu cầu bức xúc của ngành, địa phương nhưng đồng thời từng nơi phải hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng dựa trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển về hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi và thích ứng biến đổi khí hậu, đô thị, khu - cụm công nghiệp, thương mại, thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và các giải pháp chủ yếu để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại; có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những lĩnh vực đột phá, cơ bản.

Cùng với đó là phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, khu vực, thu hẹp khoảng cách vùng; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nước và các tài nguyên khác.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị.

Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2030, nhất là triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công - tư, ngân sách nhà nước, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số...

Đồng thời, nghiên cứu tổ chức thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; phát triển mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); triển khai hiệu quả cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hóa, xã hội; ưu tiên thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, có đủ nguồn lực, năng lực hiện đại, tiếp cận, chuyển giao và làm chủ được công nghệ tiên tiến trong đầu tư, xây dựng những công trình hạ tầng lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh.

ANH PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202405/tien-giang-huy-dong-va-su-dung-cac-nguon-luc-de-dau-tu-dong-bo-ket-cau-ha-tang-1011249/