Tiền Giang: Tiếp tục đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đạt thấp
Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang trong 6 tháng đầu năm 2024. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2024, tỉnh đang tập trung đôn đốc đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt thấp.TỐP ĐẦU VỀ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Trên thực tế, những năm qua, Tiền Giang luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Kết quả này có được là nhờ tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong triển khai các giải pháp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang, để triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024, Sở đã tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp trọng tâm. Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư.
Cụ thể, tỉnh đã nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, định mức theo quy định khi lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt dự án.
Ngay từ kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã trình HĐND tỉnh thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024 để làm cơ sở cho chủ đầu tư chủ động chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án.
Một trong những giải pháp trọng tâm khác để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn là giao vốn sớm cho các chủ đầu tư, hoàn thành trước ngày 15-12-2023. Đồng thời, theo dõi sát tình hình triển khai đầu tư xây dựng, giải ngân các dự án.
Đặc biệt là kịp thời điều chuyển vốn từ những công trình, dự án có khối lượng thấp sang các công trình, dự án có khối lượng cao. Tỉnh còn chú trọng đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiệm thu, thanh toán khi có khối lượng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Thời gian qua, các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh Tiền Giang đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư. Từ sự tập trung quyết liệt, đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đạt kết quả cao.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung, đến thời điểm này, đơn vị được giao tổng nguồn vốn hơn 479 tỷ đồng để thực hiện 11 dự án.
Trong đó, các dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai như: Đường tỉnh 864, cầu Tân Phong, cầu Tân Thạnh, đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông… Nhờ tập trung kiểm tra đôn đốc tiến độ các dự án, đến nay, giá trị thực hiện các công trình đạt khoảng 89%; tỷ lệ giải ngân vốn đạt hơn 87%.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, ngoài các giải pháp trên, tỉnh đã tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB và chỉ đạo Quỹ Phát triển đất thực hiện tạm ứng vốn để các chủ đầu tư đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện GPMB nhằm tạo mặt bằng sạch, sớm thi công các công trình, dự án.
UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành và địa phương nâng cao chất lượng lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ thời gian thực hiện các gói thầu thi công, để nhanh chóng đưa công trình vào khai thác, sử dụng, đáp ứng công tác xây dựng nông thôn mới.
Song song đó, tỉnh Tiền Giang thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện công tác đầu tư công do Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn và thông qua các buổi làm việc giữa UBND tỉnh với UBND cấp huyện, từ đó giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp tích cực với các bộ, ngành Trung ương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình triển khai đầu tư công của Tiền Giang trong những tháng đầu năm 2024 tiếp tục đạt những kết quả tích cực. Theo đồng chí Nguyễn Đình Thông, kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 4.974 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 3.573 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hơn 1.400 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt 49,6% kế hoạch. Kết quả này giúp tỉnh tiếp tục thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ giải ngân cao.
Tính đến ngày 12-7, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 hơn 2.600 tỷ đồng, đạt 52,3% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân 1.618,9 tỷ đồng, đạt 45,3% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương giải ngân 981,3 tỷ đồng, đạt 70,3% kế hoạch (cùng kỳ đạt 46,7%).
TIẾP TỤC ĐẨY NHANH
Dù vẫn duy trì được kết quả tích cực, nhưng công tác đầu tư công của tỉnh vẫn còn một số khó khăn. Theo đó, tổng kế hoạch năm 2024 nguồn vốn phân cấp, bổ sung có mục tiêu đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã là hơn 1.203 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương mới giải ngân được 447,7 tỷ đồng, đạt 37,2% kế hoạch.
Cụ thể, vốn ngân sách địa phương kế hoạch năm 2024 hơn 1.047 tỷ đồng, giải ngân 383,3 tỷ đồng, đạt 36,6% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 155,78 tỷ đồng, giá trị giải ngân 64,4 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Thông, để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2024 và năm 2025, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tất cả các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đã giao. Đặc biệt, UBND các huyện, thành phố, thị xã phải chỉ đạo Ban Quản lý dự án cấp huyện và cấp xã làm chủ đầu tư khẩn trương triển khai thi công dự án kịp tiến độ.
Một trong những công việc quan trọng là thực hiện tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định; giải ngân vốn ngay sau khi có khối lượng phát sinh, không đợi đến cuối năm mới thanh toán 1 lần cho đơn vị thi công.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân các địa phương giải ngân vốn còn chậm là do Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23-6-2023 có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2024, nhưng đến ngày 27-2-2024, Chính phủ mới ban hành Nghị định 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công tác tổ chức đấu thầu thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, đấu thầu thi công... trong khoảng 2 tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, các công trình, dự án thuộc thẩm quyền cấp huyện phần lớn là khởi công mới. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đấu thầu nên chưa giải ngân, hoặc chưa có khối lượng giải ngân.
Một số Ban Quản lý dự án cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn chậm dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn.
Mặt khác, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, GPMB đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai thi công của dự án…
UBND tỉnh sẽ xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện gắn với kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm (đối với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư). Do đó, UBND cấp huyện cũng thực hiện tương tự đối với UBND cấp xã.
Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác đầu tư công đến cấp huyện, cấp xã để nâng cao năng lực quản lý, điều hành về lĩnh vực này. Trong đó, chú trọng công tác cán bộ làm công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, nhất là người đứng đầu phải đáp ứng về năng lực công tác.
Ngoài ra, UBND cấp huyện, cấp xã cần trình HĐND cùng cấp dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 để lập danh mục dự án chi tiết kế hoạch năm 2025 ngay từ giữa năm 2024 làm cơ sở hoàn tất hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư và GPMB trong năm 2024. Đồng thời, thực hiện phân bổ và giao vốn ngay trong năm 2024 nhằm triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2025, khắc phục các hạn chế trong năm 2024.