Tiền vào ồ ạt, VN-Index có đỉnh lịch sử mới, khối ngoại tranh thủ bán ròng
Thị trường 'vỡ òa' trong phiên sáng nay khi sức mạnh của nhóm cổ phiếu blue-chips đã đưa VN-Index hoàn toàn vượt qua vùng đỉnh lịch sử, lên mức 1550,06 điểm...

Với việc dòng tiền đổ vào dữ dội đẩy thanh khoản HOSE gia tăng đột biến 43% so với phiên trước lên mức 25.943 tỷ đồng. Theo đó, việc VN-Index có đỉnh cao mới là không bất ngờ.
Chỉ số này có thêm 18,93 điểm tương đương 1,24% trong sáng nay với sức mạnh của nhóm cổ phiếu blue-chips. VN30-Index cũng tăng 1,11% với 8/10 mã vốn hóa lớn nhất tăng giá.
VHM giảm 1,6% và FPT giảm 0,09% là lực cản nhẹ của chỉ số sáng nay. Thực ra ảnh hưởng cũng chỉ rõ nét ở VHM khi lấy đi hơn 1,4 điểm. Sự suy yếu của cổ phiếu trụ này chỉ là nét chấm phá “khác màu”, còn tác động tới chỉ số không đáng kể vì số lớn các mã khác tăng tốt.
VCB tăng 1,13%, VIC tăng 0,96%, BID tăng 1,54%, HPG tăng 2,11%, VPB tăng 3,74% đều là các mã vốn hóa hàng đầu. Ngoài ra cả rổ VN30 có 20 mã tăng/7 mã giảm thì 12 mã tăng trên 1%, trong đó 9 mã tăng quá 2%.
Xét về biên độ, SHB đang dẫn đầu rổ VN30 với mức tăng 5,98%, tiếp đó là VJC tăng 4,59% và SSI tăng 4,41%. Các cổ phiếu này đại diện cho nhóm vốn hóa trung bình. MSN, TPB, LPB, HDB là các mã khác cũng tăng từ 2% trở lên và vốn hóa chưa lọt được vào top 10 sàn HOSE. Mở rộng ra, nhóm Midcap cũng đang mạnh nhất, chỉ số đại diện rổ tăng 2,94%.
Độ rộng toàn sàn này áp đảo hoàn toàn từ phía tăng với 241 mã xanh và 90 mã đỏ. Có 15 mã kịch trần với nhiều tên tuổi đã đột biến từ trước như NKG, VSC, GEX, VIX, VND. Các cổ phiếu này giao dịch hàng trăm tỷ đồng mỗi mã trong sáng nay, tiếp tục thể hiện khả năng thu hút dòng tiền mạnh mẽ dù giá đã tăng dữ dội.
Khả năng đẩy giá của bên mua cực kỳ ấn tượng. Sàn này có 108 cổ phiếu tăng từ 2% trở lên đã chiếm tới 63,5% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Mức tăng giá hơn 2% trong một phiên đã là cực kỳ mạnh và thanh khoản lớn như vậy xác nhận sức mạnh giá rất đáng tin cậy.
Dĩ nhiên với mức giao dịch đột biến được ghi nhận thì phải có nhà đầu tư bán ra mới có khả năng tạo nên thanh khoản. Nhìn từ góc độ bán, sức ép chưa thể hiện rõ lên giá. Số ít cổ phiếu có tình trạng bị kiềm chế đà tăng với nên thanh khoản cao như VCI bị ép xuống 1,96% so với giá đỉnh, hiện còn tăng 4,76% với thanh khoản 565,4 tỷ đồng; HCM bị ép xuống 1,83%, còn tăng 4,27% với 527,3 tỷ; NVL tụt 3,06% còn tăng 2,05% với 482,8 tỷ…
Thống kê trong 108 cổ phiếu tăng giá tốt nhất từ 2% trở lên của VN-Index, 46 mã tụt giá quá 1% so với mức đỉnh, đồng thời chiếm 39% giao dịch của cả nhóm. Điều này cho thấy bên bán vẫn chỉ là chọn giá tốt để xả hàng thay vì hạ giá quá nhiều.
Một diễn biến khá bất ngờ là nhà đầu tư nước ngoài quay ra bán ròng khá lớn 771 tỷ đồng trên sàn HOSE. Đây là phiên sáng bán ròng thứ 7 liên tiếp. Khối này tuần qua đã bán ròng 1.602 tỷ đồng và có tuần bán ròng đầu tiên sau 3 tuần mua ròng liên tiếp.
Các cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất sáng nay là HPG -295,3 tỷ, VIX -106,8 tỷ, SSI -96,2 tỷ, GEX -79,3 tỷ, FPT -74,1 tỷ, GVR -64,5 tỷ, HCM -64 tỷ, HDB -58,5 tỷ, NVL -57 tỷ, CTG -54,5 tỷ. Phía mua ròng có SHB +224,5 tỷ, OCB +49,6 tỷ, VNM +48,9 tỷ, MSN +46,3 tỷ, BID +41 tỷ.
Tại một diễn biến khác, theo số liệu từ HOSE, trong quý 2/2025, dư nợ margin ước khoảng 292.000 tỷ đồng, tăng 19.000 tỷ đồng so với cuối quý 1 và cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Sự bùng nổ này phản ánh tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư nhưng cũng đặt ra những cảnh báo về rủi ro khi nhiều công ty chứng khoán lớn đang tiến gần đến ngưỡng cạn room cho vay.
Thực tế, khả năng mở rộng margin của một số công ty chứng khoán đang dần cạn kiệt. Với dư nợ margin hiện tại, nhiều công ty chứng khoán lớn đã sử dụng gần hết room cho vay, với tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu vượt 100% ở một số đơn vị.
Các công ty chứng khoán hàng đầu như SSI, VPBankS hay TCBS báo cáo tỷ lệ sử dụng room margin chạm mức 90-95%. Nhiều công ty trong nhóm top thị phần như chứng khoán HSC (HCM),Mirae Asset Vietnam (MAS) và KIS Vietnam (KIS)... gần như đã cạn room cho vay.
Các công ty chứng khoán nhỏ hơn, với quy mô vốn hạn chế, đã gần chạm ngưỡng tối đa theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, buộc phải tạm dừng hoặc hạn chế cho vay mới.
Theo quy định, mỗi công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay margin tối đa gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Thống kê cho thấy dư địa cho vay còn lại (tỷ lệ giữa dư nợ hiện tại với giới hạn tối đa) của gần 40 công ty chứng khoán đã giảm về mức 45,6%, thấp nhất kể sau quý 2/2022 và giảm gần 3 điểm phần trăm so với quý trước.