Tiếng vọng của rừng
Kỳ 3: “Rừng còn thì mình còn”
Thế rồi, chúng tôi cũng kịp ra khỏi rừng khi cơn mưa sầm sập đổ xuống. Các anh trong Hạt kiểm lâm phấn khởi vì chuyến đi đã thành công, quả thực là quá may mắn. Về tới trạm, bóng đêm đã giăng phủ. Bữa cơm vội nhờ được người dân nấu đón tiếp anh em chúng tôi chủ yếu là rau rừng, ít thịt gà. Ở trạm như vậy là tươm tất lắm rồi! Bụi đường, mùi ngai ngái của lá cây, những cuộc gặp gỡ, dư âm trong ngày vẫn còn vương vấn.
Bữa cơm có thêm 2 người nữa, thế là đầy đủ cả đội, anh em quây quần, giây phút hiếm hoi sum họp thật ấm cúng. Vừa ăn, chúng tôi vừa rôm rả bao câu chuyện...
Qua lời tâm giao, chúng tôi được biết: Trong trạm có anh Thuật ba mươi năm nay gắn bó với rừng, anh Đạt thì hai mươi năm… và hầu hết anh em đều ở xa, ở các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, thành phố Vĩnh Yên, có cậu Thiện, trẻ nhất (39 tuổi), từ Lào Cai chuyển về đây.
Được gợi ý, anh Đạt kể về một ngày “định mệnh” xảy ra với rừng. Hôm ấy cháy to, anh cùng đồng đội lao vào dập lửa thì va phải tổ ong lớn, phút nguy nan giữa tính mạng bản thân và “tính mạng” của rừng, không đắn đo, anh đã xả thân cứu rừng. Khi đám cháy được khống chế phần nào, không để đồng đội biết, anh gắng chạy xuống núi, đi được một đoạn, vết ong châm nhức nhối, phát sốt, anh phải nhờ người dân đưa tới bệnh viện.
3 ngày nằm viện, anh vẫn canh cánh lo rừng cháy. Đồng nghiệp biết tin vào thăm, câu đầu tiên anh hỏi: "Có cứu được nhiều rừng không, thiệt hại thế nào?". Chuyện đó, khiến anh Thuật và anh em trong Hạt kiểm lâm không bao giờ quên. Và tinh thần quả cảm, tấm gương sáng của đảng viên Đào Tuấn Đạt đã được chi bộ của hạt nêu gương trong kỳ sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo Bác.
Anh Thuật - một cựu chiến binh, người gắn bó lâu năm nhất với ngành Kiểm lâm nhớ như in: Ba mươi năm anh xa nhà thường xuyên, ít được đoàn tụ với gia đình và cũng hiếm hoi được gặp bạn bè, đồng ngũ. Trưa hôm ấy, anh tổ chức bữa cơm thân mật mời bạn bè, xong xuôi, vừa dọn lên thì nhận được tin báo rừng cháy, anh xin lỗi mọi người, vội vã lấy xe gắn máy lao đi, xong mọi việc, trở về nhà, trời đã sẩm tối...
Thế mới thấy bao khoảng lặng sau những vất vả, gian truân của công việc thường nhật. Có lẽ, các anh cũng không tiện phô trương hay kể lể. Tất cả dường như được nén lại, trở thành nguồn năng lượng vô song để các anh luôn vững vàng vượt lên phía trước, bất chấp khó khăn, nguy hiểm.
Và chúng tôi được biết, thu nhập của anh em trong Hạt cũng ở mức tiềm tiệm, mặc dù có chế độ phụ cấp, ưu đãi đặc thù.
Để có những thảm rừng xanh ngút ngàn, để bảo vệ toàn vẹn từng mảnh rừng, các “chiến sĩ” trong Hạt đã âm thầm hy sinh hạnh phúc riêng tư, gia đình. Vợ sinh con, gia đình có hiếu, hỉ... những ngày trọng đại như vậy, đôi khi, họ không thể có mặt… thay vào đó là những phiên trực ngày, trực đêm, vào mùa khô hanh phải canh chừng trên rừng, trên núi, cảnh báo cháy, cảnh giới lâm tặc… Họ giữ rừng như giữ tính mạng của mình và giữ nguồn sống cho cả cộng đồng.
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, chuyến đi làm cho mỗi chúng tôi thấm thía hơn và nhận ra rõ hơn, khí hậu toàn cầu được cảnh báo đang thay đổi ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng cực đoan, thiên tai, bão lũ bất thường mật độ ngày càng nhiều, lan rộng, dữ dội, tổn thất nặng nề của cải vật chất, làm cho cuộc sống đảo lộn, mong manh…
Rừng còn là “vàng” nữa hay không? Con người phải trả lời bằng hành động đích thực, nhân văn. Mỗi ngày, chúng ta khai thác quá mức, tận diệt rừng xanh, thì chính chúng ta đang để tuột mất nguồn “vàng xanh” quý giá, biến môi trường sống thành địa ngục trong tương lai không xa nếu triệt dần mầm xanh của rừng, còn những đám cháy oan nghiệt cho rừng…
…
Đêm muộn, chúng tôi chia tay những “chiến sĩ” kiểm lâm. Trong cái bắt tay thật chặt, hẹn ngày gặp lại, dùng giằng không nỡ rời chân, tôi vẫn cố “tra khảo” Thiện - người trẻ tuổi nhất trong hạt, tại sao để vợ con, gia đình ở tận Lào Cai mà một mình về đây để công tác? Có khi đến vài tháng mới về nhà một lần… cả người thân của Thiện cũng sẵn sàng hy sinh cho nhiệm vụ thiêng liêng của anh… Ở đây rừng xa xôi, hẻo lánh lại phức tạp, sao không chọn ở trên đó với vợ con? Và sao?… Thiện chỉ cười và nói, công việc mà chị - “Rừng còn thì mình còn”!
Nụ cười tươi rói trên môi của Thiện và câu nói “chốt” đầy ý nghĩa của “chiến sĩ” trẻ nhất hạt làm cho chúng tôi thật sự ấm lòng, vững tâm.