Tiếng vọng phương Nam

Với việc Malaysia trở thành quốc gia đang phát triển mới nhất bộc lộ nguyện vọng muốn gia nhập trong tương lai gần, vị thế của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) càng lúc càng được tôn cao. Và, với đà phát triển ấy, có thể nói, những âm vang từ Nam bán cầu cũng mỗi lúc lại được gia tăng thêm trọng lượng trên trường quốc tế.

“Bữa tiệc” đầy hứa hẹn

Kể từ đầu năm 2024 này, khi chính thức kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), số lượng thành viên của BRICS đã tăng gấp đôi. So với lần mở rộng đầu tiên (kết nạp Nam Phi năm 2011), hiển nhiên, quy mô của BRICS đã được khuếch trương thêm gấp bội. Điều đó thể hiện rõ ràng sức hấp dẫn của khối, với những tiềm năng hợp tác phát triển, cùng những thông điệp mới mẻ được thêm vào cơ cấu kinh tế toàn cầu.

Thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của các nước phương Nam.

Thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của các nước phương Nam.

Chính vì thế, chuyện Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết: Đất nước Đông Nam Á - khu vực phát triển kinh tế năng động bậc nhất hiện tại - này sẽ sớm triển khai các thủ tục để chính thức gia nhập khối BRICS, là một bước đi hoàn toàn dễ hiểu, phù hợp với xu thế chung đa phương hóa.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Anwar hé lộ rằng Malaysia đang hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva về việc mở rộng số thành viên của BRICS và hiện đang chờ kết quả cuối cùng cũng như phản hồi từ Chính phủ Nam Phi. Không còn nghi ngờ gì, Malaysia - đại diện cho không ít nền kinh tế đang phát triển - có đầy đủ lý do để mong muốn tham dự những mối quan hệ win-win mới, hướng vào các thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng đang mời gọi.

Có lẽ, cũng cần nhắc lại, trước Malaysia, trong những ngày đầu tháng 6/2024, một quốc gia khác cũng đề đạt nguyện vọng gia nhập BRICS, trong một động thái cũng thu hút được rất nhiều sự chú ý từ giới quan sát quốc tế, đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyện vọng này được Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan công khai nhấn mạnh, trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 4/6. Điều đáng nói, là từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ - xem việc gia nhập BRICS như là sự lựa chọn thay thế cho quá trình xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đã bị “đóng băng” quá lâu, nhằm thúc đẩy triển vọng kinh tế cho chính mình - bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được sự hiện hữu của một kỷ nguyên mới trước mắt, với rất nhiều thay đổi.

"Chắc chắn, chúng tôi mong muốn trở thành thành viên của BRICS. Chúng ta sẽ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào trong năm nay", ông Fidan nói, tô đậm thêm kế hoạch khám phá những cơ hội hợp tác mới mà Ankara đang ấp ủ. Ở chiều ngược lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Tất nhiên, tất cả chúng tôi đều hoan nghênh sự quan tâm ngày càng tăng này đối với BRICS của các quốc gia láng giềng, bao gồm cả các đối tác quan trọng của chúng tôi như Thổ Nhĩ Kỳ”. Cũng rất “gọn ghẽ”, ông thông báo: Chủ đề về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS do Nga chủ trì (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2024, tại Kazan).

Và, như để “phả thêm hơi nóng vào gáy” của những thiết chế kinh tế hàng đầu thế giới mà phương Tây - Bắc bán cầu nắm quyền lãnh đạo, như EU hay Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7), ông Dmitry Peskov nói thêm: Dù hiện tại, BRICS khó có thể đáp ứng đầy đủ mong đợi của tất cả các quốc gia thể hiện sự quan tâm đến khối, song tổ chức này vẫn quan tâm đến mọi mối liên kết. Còn theo ông Anton Kobykov, cố vấn của Tổng thống Nga: Đã có tới 59 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS trong năm 2024. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác cũng nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) trong năm nay. Lý do, theo ông, là “một số quốc gia quan tâm đến khái niệm đa cực và muốn tránh xa đồng USD”.

Malaysia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS.

Malaysia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS.

BRICS, trong năm 2024 này, đang mang hình hài của một “bữa tiệc” kinh tế thịnh soạn, cạnh tranh mạnh mẽ với sức hấp dẫn truyền thống của các kết cấu mang màu sắc phương Tây - vốn nắm quyền thống trị kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trận chiến vô hình

Nhưng, không chỉ là các tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế, hệ quả quan trọng của việc BRICS không ngừng phát triển còn là những tác động mạnh mẽ đến cấu trúc địa chính trị thể giới. Các nền kinh tế đang lên ấy sở hữu những nguồn lực khổng lồ, nên đương nhiên, họ có nhu cầu/đòi hỏi chính đáng về việc ý kiến của mình cần phải được lắng nghe và tôn trọng.

Thí dụ tiêu biểu nhất và cụ thể nhất có thể nhắc tới, đương nhiên là chuyện vào ngày 11/6, BRICS tuyên bố: Hệ thống thanh toán mới của họ đã được xác nhận và sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với hệ thống thanh toán bằng đồng USD - đồng tiền dự trữ toàn cầu hiện tại. Theo các thông tin từ cuộc họp ngày hôm đó, Bộ trưởng Kinh tế của các nước thành viên BRICS hàng đầu thông báo rằng họ “đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn tất quá trình phi USD hóa”, nghĩa là sẵn sàng cho một “hệ thống trao đổi tiền tệ quốc tế đa cực”.

Đánh giá về cục diện hiện tại, nhà kinh tế học Joe Sullivan, cựu Cố vấn đặc biệt của Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, nhận xét: “Đồng USD đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các nước BRICS, do kế hoạch mở rộng của khối này và nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại giữa các nước thành viên”. Thậm chí, ông còn cho rằng: BRICS có khả năng xóa bỏ sự thống trị của đồng USD trong thương mại quốc tế.

Như ông Joe Sullivan phân tích: 3 trong số các thành viên sáng lập của khối (Brazil, Trung Quốc và Nga) là những nước xuất khẩu kim loại quý và đất hiếm có vai trò hết sức quan trọng. Thêm vào đó, việc bổ sung Ai Cập, Ethiopia và Saudi Arabia - 3 quốc gia nằm quanh kênh đào Suez, tuyến thương mại huyết mạch quan trọng - sẽ mang lại cho khối ảnh hưởng trên 12% thương mại toàn cầu. Saudi Arabia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), những nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu, sẽ mang lại cho khối này tầm ảnh hưởng lớn hơn trên thị trường hàng hóa. Bên cạnh đó, Saudi Arabia còn sở hữu hơn 100 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ, điều này có khả năng "mở rộng đòn bẩy kinh tế của BRICS+ trong việc nắm giữ tài chính", ông Sullivan nhận định.

Vì thế, trung tuần tháng 6, dù đã được truyền thông phương Tây nhanh chóng xác nhận là “tin giả”, thông tin Saudi Arabia - nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới - “chấm dứt thỏa thuận 50 năm, cũng như phá hủy vị thế độc tôn của khái niệm Petrodollar” vẫn gây chấn động và xôn xao trong dư luận thế giới. Bởi lẽ, thực tế, điều không thể phủ nhận là kể cả khi Saudi Arabia không làm như vậy thì với việc kiểm soát phần lớn trong tổng nguồn cung dầu mỏ toàn cầu (nghĩa là nắm trong tay huyết mạch của mọi chuỗi sản xuất - phân phối sản phẩm, hàng hóa), vị trí của BRICS trong guồng máy kinh tế thế giới sẽ còn mỗi lúc một trở nên quan trọng. Họ thậm chí có thể tác động mạnh mẽ một cách ghê gớm đến tất cả các chuỗi cung ứng, như điều đã và đang diễn ra, chỉ với việc thống nhất cắt giảm sản lượng dầu mỏ khai thác.

Mà, như chuyên gia Sullivan ước tính, đến năm 2040, BRICS mở rộng (hay có thể gọi là BRICS+) đủ khả năng chiếm tới 50% GDP toàn cầu. Hiển nhiên, tiềm lực kinh tế càng mạnh thì cơ hội thay đổi trật tự địa chính trị quốc tế càng mở rộng, nghĩa là sự thách thức dành cho trật tự đơn cực cũ do Mỹ và phương Tây dẫn dắt càng gia tăng.

Trong cuộc đọ sức vô hình nhưng cực kỳ gay gắt này, BRICS thu hút được nhiều và rất nhiều sự ủng hộ từ các quốc gia Nam bán cầu, điển hình như châu Phi - châu lục chưa từng có được những cơ hội vươn mình đích thực trong lịch sử cận và hiện đại. Chúng ta đã thấy một trong những cường quốc hàng đầu của phương Tây - nước Pháp - dần đánh mất ảnh hưởng truyền thống của mình ở khu vực này như thế nào và chúng ta cũng đã thấy những mối liên hệ cũ đó được thay thế bởi những sự kết nối mới, với Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ một cách nhanh chóng ra sao. Tìm thấy ở BRICS cùng các cơ chế đa phương khác những cánh cửa bước ra dưới ánh nắng mặt trời, phương Nam đang phát đi những thông điệp ngày một vang vọng về nhu cầu thay đổi đích thực.

Thiên Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tieng-vong-phuong-nam-i735387/