Tiếp biến để định dạng các giá trị mới
Ý nghĩa đúng đắn nhất của việc bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa Tây Nguyên vẫn là gìn giữ những cái hay, cái quý giá mà các dân tộc nơi đây đã tạo dựng. Cao hơn nữa là phát triển nó đúng với quy luật phát triển của cái đẹp, bên cạnh tiếp biến một cách có chủ đích những tinh hoa văn hóa, những giá trị tinh thần mới của các dân tộc khác.
SỰ HỖN DUNG VĂN HÓA ĐANG THẮNG THẾ
Nay, ở kỷ nguyên số, từ thực địa Tây Nguyên ai cũng thấy ranh giới về văn hóa tộc người gần như bị xóa nhòa bởi sự giao thoa giữa các cơ tầng văn hóa và những giá trị riêng biệt có xu hướng nhòe lẫn trước sự xâm nhập rất sâu của các nhân tố mới. Nếu một nền văn hóa không đủ sức tự kháng, rất dễ bị trộn lẫn hoặc bị các hình thái văn hóa mạnh chiếm lĩnh, o ép. Thực tế cũng đã chứng minh, việc có nhiều dân tộc cư trú xen kẽ trên cùng một vùng đất, dân tộc có các giá trị văn hóa hiện đại hơn ắt chiếm vị trí trung tâm, khiến các dân tộc khác trở nên lép vế. Trong quá trình chung sống, nền văn hóa có sức tự kháng yếu lại phải vặn mình tìm cách ứng xử để hòa nhập sự khác biệt giữa cơ tầng văn hóa sở tại với người nơi khác, dẫn đến việc văn hóa nguyên gốc dần bị biến cải theo chiều hướng tiêu cực. Ngoài ra, hôn nhân ngoại tộc, kết hôn giữa các cá nhân khác dân tộc, cũng góp phần làm ẩn sâu thêm văn hóa gốc.
Nguy cơ bị lai căng, bị phai lạt bản sắc văn hóa tộc người còn đến từ chính cộng đồng các dân tộc thiểu số, khi nhiều người trẻ hiện nay không biết viết chữ, nói tiếng mẹ đẻ, không mặc trang phục dân tộc mình. Thêm nữa, vì thời đại mới, kỹ thuật hiện đại và văn hóa hội nhập, thanh niên dân tộc thiểu số không chỉ sống quẩn quanh tại một địa bàn biệt lập mà lan rộng ra nhiều địa phương để đi học, đi làm, chủ động sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ làm công cụ kiếm sống, nên yếu tố văn hóa gốc buộc phải nén lại, giấu đi. Trong khi đó, những thanh niên dân tộc thiểu số sống ở quê xứ cũng thay đổi hẳn cách nói năng, đi đứng, phục trang và hòa nhập rất nhanh với các yếu tố văn hóa hiện đại.
THAY ĐỔI LÀ TẤT YẾU
Thiên nhiên - địa văn hóa - và hình thái kinh tế là hai yếu tố tạo nên nét đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Nhưng ngày nay, cả hai yếu tố trên, đang có quá nhiều những đổi thay và xáo trộn, đặc biệt là bản sắc văn hóa của người Tây Nguyên. “Trước, hễ nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến cồng chiêng, lễ hội và hệ sinh thái rừng, cùng nét đặc sắc văn hóa tộc người. Giờ thì hình thái kinh tế đã thay đổi, kéo theo phương thức sản xuất thay đổi, hệ tín ngưỡng nguyên thủy thay đổi, môi trường tự nhiên thay đổi và tất nhiên các giá trị văn hóa bản địa truyền thống Tây Nguyên cũng đang thay đổi”, Nghệ nhân Ưu tú K’Bon (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng) nhận định. Ông chia sẻ thêm: “Mỗi hình thái kinh tế sẽ có một hệ giá trị các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội tương ứng. Một khi hình thái kinh tế thay đổi, cụ thể ở Tây Nguyên là hệ sinh thái kinh tế công nghiệp đã thay thế hoàn toàn hệ sinh thái kinh tế thảo mộc, không còn cách nào khác, cư dân sở tại phải tự điều chỉnh hành vi văn hóa cho phù hợp”. “Thay đổi thấy rõ nhất, đó là loại hình văn hóa cồng chiêng. Giờ đây, nó chỉ còn xuất hiện trong các tour du lịch, điểm dịch vụ du lịch, hay các chương trình hội diễn, phục dựng... Tiếng chiêng, tiếng cồng, múa xoang thành sản phẩm phục vụ du lịch, chứ không còn là nhu cầu riêng tư tự thân của cộng đồng người cao nguyên nữa. Ai muốn nghe - xem diễn xướng cồng chiêng phải bỏ tiền ra mua tour, mua vé, hoặc chờ những dịp có chương trình biểu diễn cồng chiêng phục vụ các lễ lạt để xem - nghe miễn phí”, ông Nguyễn Minh Phúc, người có hơn 40 năm sống và tìm hiểu văn hóa văn nghệ dân gian ở Tây Nguyên, cho hay.
HÃY TIẾP BIẾN TRÊN NỀN BÀI BẢN VÀ CHUYÊN SÂU
Tuy vậy, ông Phúc không coi đấy là một sự giả trang làm biến tướng các giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên, mà nhìn nhận: Thế giới hội nhập đã tạo ra sự hỗn dung văn hóa, cơ tầng văn hóa sở tại buộc phải tiếp biến các nhân tố mới để định dạng lại các giá trị văn hóa theo chuẩn mực mới, đủ khả năng biểu đạt những khái niệm, nhu cầu nội tại, nhận thức về thời đại mình đang sống. Cố nhiên, việc kiến tạo bản sắc văn hóa mới là cả một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy bức tranh văn hóa Tây Nguyên lại khá đa dạng, đan xen như hiện nay.
“Thực ra, tiếp biến cũng là một cách thức phát triển. Chúng ta kêu gọi gìn giữ bản sắc văn hóa không đồng nghĩa với việc đóng chặt cửa, khư khư giữ lấy những thứ đã có, từ chối giao lưu, trao đổi, không tạo điều kiện để cái bản sắc ấy phát triển bằng cách tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác”, Nghệ nhân Ưu tú K’Bon nói rõ. Tiếp biến là cách khả dĩ để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh dân tộc và nhân loại đang xích đến gần nhau. Những người trẻ Tây Nguyên, nếu được đào tạo bài bản và chuyên sâu, sẽ tự biết cách tiếp như thế nào, biến ra làm sao, lấy cái gì để hội nhập, không những không làm tổn hại đến bản sắc văn hóa, còn tạo tính phản biện mới cho những giá trị truyền thống. Đó là khẳng định, cũng là gợi mở của ông Nguyễn Ry, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Nghệ nhân Ưu tú Touneh Ma Bio (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cảm nhận, văn hóa cồng chiêng cần được quảng bá sâu rộng hơn, không chỉ trong nước mà cần phải hướng ra thế giới để giá trị của nó được lan tỏa, hồi sinh sức sống.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202201/tiep-bien-de-dinh-dang-cac-gia-tri-moi-3096998/