Tiêu chuẩn khí thải xe máy của các nước trên thế giới thực hiện ra sao?

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cách thức quản lý và mức độ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải xe máy khác nhau tùy vào điều kiện thực tế về bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội môi trường của từng quốc gia.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

Các nước trên thế giới thực hiện ra sao?

Tại Dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ này cho biết hiện nay, trên thế giới, nhiều quốc gia đã có sự chuyển biến mạnh mẽ đối với các chính sách môi trường trong đó việc tăng cường quản lý phát thải từ phương tiện giao thông cơ giới cũng được chú trọng. Các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải không chỉ áp dụng riêng đối với ô tô, mà còn được mở rộng sang xe mô tô và xe gắn máy, nhằm kiểm soát chặt chẽ và giảm thiểu lượng phát thải từ hoạt động giao thông vận tải.

 Tại Việt Nam tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng gia tăng, do đó cần sớm ban hành lộ trình tiêu chuẩn khí thải xe máy. Ảnh: TN

Tại Việt Nam tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng gia tăng, do đó cần sớm ban hành lộ trình tiêu chuẩn khí thải xe máy. Ảnh: TN

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhằm giảm tác động tiêu cực của khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình sử dụng tới môi trường không khí gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, thực hiện các cam kết quốc tế và biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia... đã đưa ra nhiều giải pháp như có lộ trình phát triển hệ thống giao thông để giảm di chuyển không cần thiết, giảm tiêu hao nhiên liệu trên một đơn vị hành trình di chuyển, sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế, kiểm soát khí thải đang lưu hành, song song với các giải pháp ở trên, giải pháp kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành là giải pháp phù hợp mang lại hiệu quả cao. Việc kiểm soát khí thải được thực hiện thông qua quy định về định kỳ kiểm tra khí thải không tải (Idling). Qua đó xe mô tô, xe gắn máy nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải CO và HC thì phải bảo dưỡng, thay thế phụ tùng hoặc dừng sử dụng.

Lộ trình và quy định đối với khí thải xe máy giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí đặc biệt đối với các quốc gia có số lượng lớn, tỷ lệ xe máy chiếm trọng số ví dụ như: Nhật Bản là một trong những quốc gia tiên phong trong việc kiểm soát khí thải từ xe máy. Tiêu chuẩn khí thải tại Nhật Bản do Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) quản lý và tương tự như tiêu chuẩn Euro, được chia thành nhiều giai đoạn với mức độ nghiêm ngặt tăng dần; Ấn Độ là một trong quốc gia có số lượng xe máy lớn nhất thế giới, để kiểm soát khí thải từ xe máy, chính phủ Ấn Độ đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Bharat Stage,...

Có quy định và lộ trình áp dụng đối với khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành là một biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí. Mặc dù mỗi quốc gia có áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định riêng, nhưng mục tiêu chủ đạo hướng tới vẫn là kiểm soát, giảm thiểu khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, cách thức quản lý và mức độ nghiêm ngặt khác nhau tùy vào điều kiện thực tế về bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội – môi trường của từng quốc gia.

Cần thiết để ban hành lộ trình tiêu chuẩn khí thải cho xe máy

Cũng tại báo cáo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại Việt Nam tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

 Khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện cũng là giải pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí. Ảnh: TN

Khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện cũng là giải pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí. Ảnh: TN

Tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc có tính quy luật về mặt thời gian (“mùa” ô nhiễm không khí, mang tính thời điểm trong ngày) và có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian tại các thành phố, đô thị lớn như thành phố Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt là khu vực Thủ đô Hà Nội trong 3 tháng cuối năm 2024 và tháng 1 năm 2025 có nhiều ngày trong một số thời điểm đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí(AQI) ở mức “rất xấu”, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Một số khu vực trong nội thành Hà Nội, chất lượng không khí đã ở mức kém và xấu, giá trị PM2.5 đã vượt QCVN, có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm. Như vậy, có thể nhận định vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM nói riêng và các đô thị khác trong toàn quốc chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Thực trạng ô nhiễm không khí kéo dài, đặc biệt là vào “mùa” ô nhiễm không khí diễn ra các năm trở lại đây đã gây tác động không nhỏ đến kinh tế xã hội. Cụ thể, có rất nhiều nguồn tin không chính thống, thu thập số liệu không chính xác hoặc các bài báo mang thiên hướng giật tít với mục đích thu hút người đọc mà không quan tâm đến nội dung đã gây hoang mang cho người dân và trong khoảng thời gian “mùa” ô nhiễm nhu cầu trang bị khẩu trang, máy lọc không khí và chi phí cho y tế đặc biệt với nhóm người già, trẻ nhỏ, người nhạy cảm tăng cao do mắc các bệnh liên quan đến hô hấp.

Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là hoạt động giao thông vận tải, trong đó có hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành. Kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia môi trường cho thấy tỷ lệ đóng góp ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải giao động trong khoảng từ 20% đến 60%.

Lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải

Từ đó, tại Dự thảo Quyết định Quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải như sau:

1. Thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành:

Từ 01 tháng 01 năm 2027 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn 02 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm thành phố Hà Nội và TP.HCM.

Từ 01 tháng 01 năm 2028 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn 04 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, gồm thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ và thành phố Huế.

Từ 01 tháng 01 năm 2030 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn lại. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố này có thể quy định áp dụng thời hạn sớm hơn.

2. Xe mô tô sản xuất trước năm 2008, áp dụng Mức 1 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

3. Xe mô tô sản xuất từ năm 2008 đến năm 2016, áp dụng Mức 2 -Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

4. Xe mô tô sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2026, áp dụng Mức 3 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

5. Xe mô tô sản xuất sau ngày 01 tháng 7 năm 2026, áp dụng Mức 4 -Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

6. Xe gắn máy sản xuất trước năm 2016, áp dụng Mức 1 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

7. Xe gắn máy sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2027, áp dụng Mức 2 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

8. Xe gắn máy sản xuất từ ngày 01 tháng 7 năm 2027, áp dụng Mức 4 Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

9. Xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM phải đáp ứng quy định về khí thải Mức 2 trở lên, tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2032.

10.Xe mô tô, xe gắn máy lưu hành vào “vùng phát thải thấp” của thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô phải đáp ứng quy định về khí thải theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tieu-chuan-khi-thai-xe-may-cua-cac-nuoc-tren-the-gioi-thuc-hien-ra-sao-post849169.html