Tiêu dùng tăng thấp, kinh tế trong nước còn khó khăn?
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ở mức thấp so với trước dịch COVID-19. Đây là chỉ số báo hiệu nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, bởi sản xuất ra mà không tiêu thụ tốt sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi. Hơn nữa, tiêu dùng nội địa vốn là một trong '3 chân kiềng' động lực tăng trưởng kinh tế.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I đã phục hồi và đạt mức tăng như trước dịch COVID-19, xuất khẩu khởi sắc mạnh mẽ nhưng chỉ số tiêu dùng vẫn cho thấy nhiều yếu tố lo ngại. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%).
Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu
Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), bình quân 5 năm trước dịch, giai đoạn (2015 - 2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm. “Mức tăng 8,2% trong quý I là mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức”, bà Phương đánh giá.
Số liệu từ Sở Công Thương TP.HCM mới đây cho thấy, lượng hàng hóa tại hệ thống chợ chiếm 60 - 65% tổng lượng hàng cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố. So với lúc trước dịch, hiện lượng khách đến mua sắm tại chợ truyền thống hầu hết đều giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là ngành vải, mất tới 90%; các mặt hàng thực phẩm giảm thấp nhất, từ 10 – 30%.
Với ngành đồ uống, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, nhận định ngành là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các ngành hàng liên quan từ thương mại, vận tải, nhà hàng, thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển và luôn tiên phong trong các hoạt động cộng đồng và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống đã gặp rất nhiều khó khăn do COVID- 19, các cuộc xung đột trên thế giới, dẫn tới đã và đang sụt giảm mạnh từ doanh thu, lợi nhuận, kéo theo đó là cả hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào cũng chịu tác động gián tiếp và giảm doanh thu khá cao từ 15 - 20%, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30 - 40%...
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra thách thức, khó khăn, những điểm đáng lo của nền kinh tế. Trong đó, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019.
“Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân; thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn…
Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Nan giải bài toán kích cầu
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5 để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Qua đó, giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Song, với ngành du lịch nội địa, một trong những lo lắng hiện nay là giá vé máy bay cao chót vót, khan hiếm dẫn tới nhiều người dân “quay xe” lựa chọn du lịch quốc tế. Nếu không có giải pháp căn cơ về vấn đề này, việc kích cầu tiêu dùng thông qua cho phép người lao động nghỉ dài ngày trở nên kém hiệu quả hơn đối với mục tiêu ở trên.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nếu chỉ kích cầu đầu tư thông qua việc giảm, miễn, gia hạn các loại tiền phí, lệ phí, các loại thuế và tiền thuê đất làm giảm chi phí đầu vào nhưng nếu đầu ra không tiêu được thì không thúc đẩy được sản xuất, kinh doanh vì hàng hóa, dịch vụ làm ra biết tiêu đi đâu.
Trước những lo ngại, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục phát huy nội lực của thị trường hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp tăng tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trong đó, đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đa dạng kênh phân phối hàng hóa dịch vụ... ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường thúc đẩy du lịch thông qua ngoại giao du lịch, kích cầu du lịch nội địa, giải pháp phát triển tốt dịch vụ lưu trú ăn uống.