Tìm giải pháp gỡ khó cho xe kinh doanh vận tải chưa đổi đăng ký
Sáng 10/7, Bộ Xây dựng đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan nhằm giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về việc tháo gỡ vướng mắc trong đăng kiểm đối với xe kinh doanh vận tải đã đổi biển số sang nền vàng nhưng chưa đổi thông tin trên giấy đăng ký xe, một yêu cầu bắt buộc theo quy định hiện hành để được đăng kiểm phương tiện.
Cuộc họp được tổ chức theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, sau khi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phản ánh tình trạng nhiều xe kinh doanh vận tải bị từ chối kiểm định vì chưa hoàn tất thủ tục đổi giấy đăng ký xe, dù đã đổi biển số nền vàng theo đúng quy định.

Hiện cả nước có khoảng 1 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải đã chuyển sang sử dụng biển số nền vàng theo quy định, song phần lớn trong số này chưa đổi Giấy chứng nhận đăng ký xe để phù hợp với màu biển mới.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn khẳng định, trong quá trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần giữ vững tinh thần thượng tôn pháp luật. Việc tạo điều kiện phải đi đôi với đảm bảo tính pháp lý và chuẩn hóa dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước. Ông đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cần khẩn trương rà soát, thống kê chính xác số lượng xe gặp vướng mắc, đồng thời phân loại nguyên nhân cụ thể và đề xuất giải pháp phù hợp cho từng trường hợp, gắn với thời hạn xử lý cụ thể.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp chậm đổi giấy đăng ký xe là do giấy tờ này đang được thế chấp tại ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không thể mượn lại bản gốc để thực hiện thủ tục đổi thông tin. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng có thể linh hoạt xử lý bằng cách chủ xe và đại diện ngân hàng cùng đến công an cấp xã để ký xác nhận, sau đó được cấp giấy đăng ký mới. Bản sao có thể được chứng thực tại chỗ để chủ xe sử dụng khi đi đăng kiểm, còn bản chính được ngân hàng giữ lại làm tài sản đảm bảo.
Để hỗ trợ công tác thống kê, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đề nghị các Sở Xây dựng phối hợp với các Sở GTVT địa phương rà soát số lượng xe đã được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải nhưng chưa đổi đăng ký xe, đồng thời thông tin đến doanh nghiệp vận tải biết và thực hiện.
Bộ cũng đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn rõ ràng về các quy định pháp luật liên quan, để các cơ quan thực hiện có căn cứ và tránh lúng túng trong quá trình xử lý. Về phía Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề xuất có chỉ đạo chung đến hệ thống tổ chức tín dụng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được mượn hoặc làm lại đăng ký xe trong trường hợp cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm định phương tiện.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị cho phép tạm thời tiếp tục đăng kiểm các xe chưa đổi thông tin trên đăng ký xe đến hết ngày 30/6/2026. Theo ông, quy định tại Thông tư 12/2020 của Bộ Công an yêu cầu xe kinh doanh vận tải đổi từ biển nền trắng sang nền vàng, đồng thời cập nhật lại thông tin trên đăng ký xe. Tuy nhiên, giai đoạn thực hiện trùng với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khiến nhiều doanh nghiệp chưa kịp nắm bắt quy định hoặc gặp khó khăn trong thực hiện do giãn cách xã hội kéo dài. Một số trường hợp còn bị vướng do ngân hàng đang trong diện điều tra, nên doanh nghiệp không thể mượn lại giấy tờ đăng ký xe để làm thủ tục.
Về phía cơ quan quản lý đăng kiểm, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh, việc phân biệt rõ xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân là điều cần thiết vì ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ đăng kiểm. Xe kinh doanh vận tải thường xuyên hoạt động, chịu hao mòn lớn nên yêu cầu kiểm tra kỹ thuật khắt khe hơn. Do đó, sự thống nhất giữa thông tin thực tế và giấy tờ đăng ký là yếu tố bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn giao thông và hiệu quả quản lý.
Cùng quan điểm, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Cục CSGT) cho biết, Thông tư 58/2020 của Bộ Công an đã quy định rõ thời hạn hoàn tất việc đổi biển số và giấy đăng ký xe là trước ngày 31/12/2021. Sau mốc thời gian này, nếu chưa thực hiện, chủ phương tiện có thể bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công an đã đơn giản hóa thủ tục chỉ cần đổi màu nền biển số và ký hiệu trên đăng ký xe từ “T” sang “V” cho phù hợp.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện còn khoảng 15.000 xe kinh doanh vận tải chưa thực hiện việc đổi giấy đăng ký xe. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này chưa nhận được văn bản thống kê chính thức từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về số lượng xe đang gặp khó khăn trong việc rút giấy tờ từ ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu khiến ngân hàng e ngại cho mượn lại đăng ký xe là do uy tín tín dụng và khả năng trả nợ của doanh nghiệp chưa được đảm bảo.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng, vướng mắc hiện nay một phần do quy định pháp luật, phần còn lại do khâu thực thi chưa đồng bộ giữa các cơ quan. Hiện Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 166/2024 đã nêu rõ các cơ sở đăng kiểm có quyền từ chối kiểm định nếu phương tiện không thống nhất thông tin hoặc chưa hoàn tất xử lý vi phạm hành chính.
Trước đó, ngày 23/6, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp cùng Bộ Công an và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng giải pháp tổng thể, căn cơ nhằm xử lý dứt điểm bất cập này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 1 triệu xe kinh doanh vận tải đã đổi sang biển nền vàng, tuy nhiên phần lớn trong số này vẫn chưa hoàn tất việc đổi thông tin đăng ký xe. Nếu không được đăng kiểm, chuỗi hoạt động vận tải sẽ bị gián đoạn, gây thiệt hại lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà cả chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên toàn quốc.
Trước thực trạng đó, Hiệp hội đề xuất Chính phủ có lộ trình và hướng dẫn linh hoạt hơn, bảo đảm doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động, đồng thời vẫn tuân thủ các yêu cầu pháp lý, giúp ổn định sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.