Tìm hiểu về bệnh viêm màng não do não mô cầu

Viêm màng não do não mô cầu là một bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng, có nguy cơ để lại di chứng hoặc gây tử vong cho người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BsCKII. Tạc Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh viêm màng não do não mô cầu ngày 12/6.

Bệnh nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện của bệnh thường gặp là viêm màng não mủ và/hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm Neisseria meningitidis, khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các vi rút đường hô hấp.

Bệnh xảy ra rải rác hoặc thành dịch ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu vào mùa đông xuân. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi, những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư…) và các cơ địa suy giảm miễn dịch

Chẩn đoán ca bệnh dựa vào: (1)Yếu tố dịch tễ: Có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại,…) có người đã được xác định bị mắc bệnh do não mô cầu. (2) Dựa vào lâm sàng: Thời kỳ ủ bệnh trung bình là 4 ngày (2-10 ngày); Biểu hiện nhiễm trùng rõ: Sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu. Dấu hiệu màng não – não: Đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, táo bón, gáy cứng, (trẻ nhỏ có thể có tiêu chảy, thóp phồng và gáy mềm). Rối loạn ý thức, li bì, kích thích vật vã, có thể có co giật, hôn mê. Ban xuất huyết hoại tử hình sao, xuất hiện sớm và lan nhanh, thường gặp ở hai chi dưới. Tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, nhanh chóng vào tình trạng sốc: Mạch nhanh, huyết áp hạ hoặc huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tâm thu – tâm trương < 20 mmHg), thiểu niệu, vô niệu, đông máu nội mạch rải rác, suy thượng thận, suy đa tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24h.

Chẩn đoán xác định ca bệnh: Là ca bệnh lâm sàng, có kèm theo xác định được vi khuẩn gây bệnh bằng một trong các xét nghiệm sau: Soi thấy song cầu gram (-), cấy phân lập được N.meningitidis trong dịch não tủy. Cấy máu phân lập được N.meningitidis. Soi và cấy phân lập được N.meningitidis trong tử ban. PCR (+) với N.meningitidis trong dịch não tủy, máu, tử ban (nếu có điều kiện làm xét nghiệm).

Nguyên tắc điều trị: Chẩn đoán sớm ca bệnh, Sử dụng kháng sinh sớm, hồi sức tích cực, cách ly bệnh nhân. Điều trị cụ thể: Kháng sinh, thời gian điều trị kháng sinh tối thiểu từ 7 – 14 ngày hoặc 4 – 5 ngày sau khi bệnh nhân hết sốt, tình trạng huyết động ổn định, xét nghiệm dịch não tủy bình thường (đối với viêm màng não mủ do não mô cầu). Điều trị hỗ trợ và triệu chứng: Hạ sốt, an thần, chống phù não; điều trị suy tuần hoàn, sốc: Bù dịch, thuốc vận mạch, hỗ trợ hô hấp, lọc máu liên tục, điều chỉnh nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan, vệ sinh thân thể và dinh dưỡng đầy đủ...

Phòng bệnh tại cộng đồng: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Có thể tiêm vắc xin phòng bệnh. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh càng sớm càng tốt.

Phòng bệnh trong bệnh viện: Cách ly bệnh nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh; quản lý và khử khuẩn đồ dùng và chất thải của bệnh nhân, dịch tiết mũi họng của bệnh nhân; có thể sử dụng thuốc dự phòng cho nhân viên y tế và người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân;

Phòng bệnh đặc hiệu: Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C; Có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại mỗi 3 năm/lần và dự phòng bằng thuốc./.

Bs CKII. Tạc Văn Nam (Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/tim-hieu-ve-benh-viem-mang-nao-do-nao-mo-cau-post63961.html